Đèo Ngoạn Mục hay còn gọi là đèo Sông Pha là một trong những đèo núi đẹp nhất Việt Nam tại tỉnh Ninh Thuận, men theo những sườn núi dựng nối thung lũng Ninh Sơn với cao nguyên Lang Biang.
Ngọn đèo 18 km, men theo những sườn núi dựng nối thung lũng Ninh Sơn với cao nguyên Lang Biang đã mang trong mình nhiều huyền thoại gắn với cuộc hành trình khai mở thành phố Đà Lạt.
Với nhiều khách lữ hành, hình như mỗi lần đi qua đó, thiên nhiên hoang dã, sự hùng vĩ núi non Ngoạn Mục đem lại nhiều trạng thái cảm giác khác nhau...
Ngoạn Mục là con đường được hình thành trong vất vả, giữa lam sơn chướng khí và sự rình rập của thú dữ. Năm 1893, Yersin phát hiện ra Đà Lạt, thì bốn năm sau, trong kế hoạch xây dựng thành phố này, viên Toàn quyền Doumer đã phái một đoàn lên nghiên cứu thực địa, lập bản đồ mở tuyến đường từ Phan Rang lên Đà Lạt. Lộ trình ấy phác thảo một hướng đường bộ, tức đèo Ngoạn Mục ngày nay.
Dài 18 km, đèo Ngoạn Mục có tất cả 4 đoạn cua khuỷu tay rất gấp, uốn lượn mềm mại qua những sườn đồi núi lớn, nhỏ khác nhau theo hình vòng sóng, tạo nên những tầng đường ngoạn mục như chính tên đèo. Từ chân đèo, du khách chứng kiến cái nắng nóng khắc nghiệt của thời tiết mùa hè ở xứ muối trắng tinh của Ninh Thuận, thì khi vượt chừng 1/3 đèo, đã cảm nhận được từ dáng vẻ êm đềm, mát lạnh của xứ sở có khí hậu ôn hòa. Thực tế sinh động hiện ra trước mắt toàn bộ khung cảnh đồng quê bên dưới chân đèo như được trải một màn sương mỏng. Đứng trên khúc của Eo Gió, với độ cao hơn 1500 mét, phóng tầm mắt ra xa thấy con đường như sợi chỉ luồn qua bao núi non trùng điệp, san sát những mái nhà và những vườn cây trái, và “ sợi chỉ” quốc lộ 27 ấy vắt xuống đồng bằng, xuyên trong mây mù, chạy hun hút tầm mắt về miền biển cả…
Giữa lưng đèo, du khách khám phá thác Sakai thơ mộng, hùng vĩ. Tiếng chim hót líu lo vang lên đây đó, tiếng rền của các thác nước reo vui hòa lẫn trong ánh nắng ấm áp xen qua tán lá rừng vang vọng vào tai, tạo nên bản nhạc rừng hoang dã, lạ kỳ… Du khách thoải mái ngắm nhìn thế giới của các loài thực vật- động vật sinh sôi trong sức sống mơn mỡn của rừng xanh đại ngàn. Mùi hương tự nhiên của hoa và lá phảng phất trong không trung, thoáng đó đây những chú khỉ, chồn, chim muông thoắt ẩn, thoắt hiện. Tất cả tạo nên một bức tranh sống động, hùng vĩ đến mê hồn.
Ngao du đèo Ngoạn Mục, du khách sẽ được tìm hiểu, khám phá về những câu chuyện xung quanh tuyến đường sắt răng cưa độc nhất vô nhị ở Châu Á. Thời Pháp thuộc, trong chương trình phát triển đường sắt, năm 1898, tuyến lên Langbian (Đà Lạt) được xác định là một trong những tuyến đường sắt xuyên Đông Dương. Năm 1908, dự án đường sắt Tháp Chàm- Đà Lạt bắt đầu khởi công xây dựng. Đây là tuyến đường sắt độc đáo nhất Đông Dương hồi đó, từ việc thiết kế, thi công cho đến thưởng ngoạn khi đã hoàn thành. Để có 16 km đường răng cưa từ Krongpa đến Eo Gió, phải vượt lên độ cao 1.000 mét với độ dốc 12%, đục ba hầm xuyên núi vẫn ở độ dốc đó. Hàng vạn công nhân từ khắp nơi trong nước cùng với đội ngũ kỹ thuật viên người Thụy Sĩ và Pháp đã phải thi công bằng phương pháp thủ công ròng rã trong mười năm trời. Rất nhiều năm sau đó, toàn bộ tuyến đường mới hoàn chỉnh với chiều dài 84 km, trong đó đoạn Eo Gió- Krongpa là chặng đường gay go và hiểm trở nhất. Với chiều dài khoảng 10 km nhưng mỗi năm người ta chỉ xây dựng được trung bình có 1 km.
Nói đến đường sắt Tháp Chàm- Đà Lạt mà nay là đoạn ngắn Đà Lạt- Cầu Đất dài 7 km đã được phục hồi sử dụng, đầu tiên phải nói đến nhà ga Đà Lạt. Đây là một trong hai công trình kiến trúc ở Lâm Đồng được xếp hạng di tích lịch sử- văn hóa quốc gia. Ga Đà Lạt gắn liền với tên tuổi của kiến trúc sư người Pháp Moncet. Công trình khởi công năm 1932 đến năm 1938 mói chính thức khánh thành.
Ga Đà Lạt hiện còn lưu giữ chiếc đầu máy hơi nước chạy bằng than củi, do Nhật Bản sản xuất năm 1936. Tuy chỉ đi trên đoạn đường dài 7 km nhưng cũng có thể góp phần biến những hoài niệm xa xưa trở về và thu hút du khách đến với non ngàn cao nguyên, thưởng lãm những danh thắng nổi tiếng đầy thú vị.
Du khảo, khám phá đèo Ngoạn Mục, du khách còn được chiêm ngưỡng một công trình thủy điện đầu tiên của Việt Nam-Nhà máy Thủy điện Đa Nhim. Công trình được khởi công xây dựng từ ngày 27-2-1962, đến tháng 12-1964, toàn bộ công trình được đưa vào sử dụng, với công suất 160 MW. Hiện nay Đa Nhim vẫn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống điện quốc gia với năng lượng điện cung cấp ổn định, bình quân đạt khoảng 1 tỷ KWh/năm, hòa chung với dòng điện cả nước phục vụ đắc lực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hơn một thế kỷ trôi qua, con đường đèo đã được mở rộng sửa chữa nhiều lần. Trên sườn đèo, hai ống nước nằm vắt từ đỉnh đèo nối xuống Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, đêm về đèn sáng lấp lánh như một vệt sao chổi. Với địa thế khá hiểm, Ngoạn Mục trở thành đoạn đường thú vị cho một tour bằng xe đạp, xe máy, ô tô… hấp dẫn trên đường từ phố núi Đà Lạt xuôi về duyên hải nắng gió Phan Rang.
Trong những năm trở lại đây, không riêng gì tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Lâm Đồng cũng đã kêu gọi, đầu tư và hình thành những loại hình du lịch lữ hành, khám phá như leo núi, cắm trại, dã ngoại, xây dựng các khu nhà nghỉ, khu văn hóa dân tộc, khu nuôi động vật bán hoang dã hay các khu vui chơi mạo hiểm gắn với suối- thác, thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước tham gia. Đèo Ngoạn Mục đang trở thành một điểm đến của du khách thập phương. Xuân về bạn hãy thử đến đây một lần để có một cái tết đầy thú vị và nhiều kỷ niệm.
Theo báo Nhân dân
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.