12 ngày cùng sống, lao động với các chiến sỹ Trường Sa, Nguyễn Tùng Lâm thấu hiểu hơn những gian nan, vất vả của người lính nơi đầu sóng ngọn gió. 12 ngày ở Trường Sa đủ để Tùng Lâm cảm nhận Trường Sa luôn ở trong tim.

< Đất - nước nhìn từ Trường Sa.

Vượt sóng mang quà từ đất liền ra đảo

Nguyễn Tùng Lâm (Sinh viên năm thứ 4, ngành khoa học môi trường - Khoa Sinh học, ĐH Vinh) đã vượt qua hàng nghìn đoàn viên, thanh niên trên cả nước để có một “suất” ra thăm Trường Sa được tổ chức vào hồi tháng 5/2011.


< Chụp ảnh kỷ niệm trên tàu ra đảo.

Vượt qua được vòng tuyển chọn gắt gao bởi Tùng Lâm có một bảng thành tích đáng nể về hoạt động phong trào tình nguyện và hoạt động đoàn. Hiện tại, Tùng Lâm là thành viên của Đội tuyên truyền ca khúc chính trị và là Đội trưởng Đội tuyên truyền hiến máu tình nguyện của ĐH Vinh.

“Đoàn ra Trường Sa lần này có 25 SV trong tổng số 112 đoàn viên, trong đó là các anh chị đến từ Bộ NN&PTNT, Công ty 319 Bộ Quốc phòng. Đoàn có nhiệm vụ đưa quà của thân nhân các chiến sỹ, của nhân dân đất liền ra với cán bộ, chiến sỹ và bà con nhân dân huyện đảo Trường Sa. Mỗi thành viên tự chuẩn bị món quà riêng của mình, riêng em chất vào balô… cu đơ, kẹo lạc - đặc sản xứ Nghệ mang ra đảo”.


< Chuyển quà của đất liền lên với các chiến sỹ Trường Sa.

Ngày 5/6, đoàn xuất phát từ cảng Cát Lái - TP Hồ Chí Minh thẳng tiến ra đảo. Sau 5 ngày lênh đênh trên sóng, đối mặt với những trận say sóng, xung quanh chỉ một màu xanh của nước và trời, cả đoàn mừng đến phát khóc khi thấy những hòn đảo hiện dần qua những lớp sóng. Bước chân xuống tàu, càng xúc động hơn khi thấy tình cảm của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Trường Sa dành cho những người em, người con từ đất liền ra.

“Không thể nói hết được tình cảm của mọi người, nhất là các chiến sỹ dành cho đoàn. Nơi đầu sóng ngọn gió có những người đã gắn bó với biển trời quê hương đến 20 năm hay những anh chiến sỹ mới rời ghế nhà trường cầm súng ra giữ đảo.


< Chụp ảnh kỷ niệm với chiến sỹ Trường Sa dưới tán cây bàng vuông.

Những cái xiết tay thật chặt, những cái ôm ghì thật lâu dường như đã xòa nhòa khoảng cách giữa các “vị khách” và chủ nhà. Chẳng còn phân biệt già trẻ, trai gái, mọi người ôm hôn nhau. Các thành viên của đoàn đã khóc, khóc rất nhiều với những thiếu thốn tình cảm, thiếu thốn vật chất của các chiến sỹ Trường Sa để bảo vệ vững chắc vùng biển chủ quyền của Tổ quốc”, Tùng Lâm nhớ lại.

Không kịp nghỉ ngơi, đoàn bắt tay vào việc phân chia số quà đã chuẩn bị từ trước mang tới 12 đảo lớn nhỏ và nhà giàn ĐK 1. 12 ngày ở quần đảo Trường Sa là 12 ngày di chuyển không mệt mỏi của các thành viên trong đoàn để mang quà của người dân đất liền cho những người con đang ở xa.

Đổi lời bài hát để hát cho chiến sỹ Trường Sa

Tùng Lâm cũng là một trong số 31 thành viên của đoàn được vào giao lưu và ở lại đêm trên đảo Song Tử Tây. Tại đây, các thành viên của đoàn đã tổ chức giao lưu biểu diễn văn nghệ phục vụ chiến sỹ và bà con trên đảo.


< Hát với chiến sỹ trẻ đảo Song Tử Tây..

“Tại đây em đã hát 3 bài, trong đó có bài hát “Xanh miền nắng gió” - một bài hát được sáng tác dành riêng cho ĐH Vinh. Bài hát kết thúc bằng câu “Đại học Vinh, chúng tôi lên đường!” nhưng trước khi hát em đã gọi điện về xin phép Ban thường vụ đoàn trường để đổi lời bài hát cho phù hợp hơn với buổi biểu diễn”, Tùng Lâm nhớ lại.

Khi câu hát kết thúc “Tuổi trẻ ơi chúng tôi lên đường!” vừa dứt cũng là lúc các chiến sỹ trẻ cùng các thành viên trong đoàn nắm chặt tay nhau như một lời hứa sẽ đem sức lực, trí tuệ của tuổi trẻ góp công vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

12 ngày ở Trường Sa là những ngày cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với các chiến sỹ. Ở đây những giọt nước ngọt quý hiếm như những giọt vàng và đây cũng là món quà mà người dân đảo bày tỏ tình cảm với những người từ đất liền ra.


< Và trở thành 1 trong 10 tập thể, cá nhận được tặng Bằng khen của TƯ Đoàn.

Trên mỗi hòn đảo khi đoàn đặt chân tới, các chiến sỹ mang những chậu nước trong vắt, mát lạnh cho các thành viên rửa mặt. Thế nhưng nhìn những chậu nước chắt chiu, nín nhịn của các chiến sỹ các thành viên trong đoàn đều ứa nước mắt và không dám dùng để rửa mặt. Thậm chí tại đảo lớn, ngay cả giếng nước lợ mọi người cũng sử dụng một cách dè dặt để tiết kiệm.

Thiếu nước ngọt, thiếu hạt giống, thiếu đất nhưng ở khắp các đảo là bạt ngàn rau xanh. Những cây rau muống xanh mướt, những ngọn bầu non mơn mởn hay những quả mướp, quả bí xanh được trồng từ những thùng xốp, được tưới từ những giọt nước hiếm hoi qua bão táp, phong ba, qua những cơn gió thổi ràn rạt suốt ngày đêm vẫn vươn những mầm xanh bừng lên sức sống.

Lần này ra với đảo, bên cạnh những thùng quà, đoàn Bộ NN&PTNT còn mang ra những hạt giống rau, phân bón, kỹ thuật chăm bón và cả… đất cho các chiến sỹ trồng rau cải thiện đời sống.


< Những nụ cười nơi đầu sóng ngọn gió..

“Mặc dù ở biển, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường được thực hiện tốt nhưng không hiểu sao Trường Sa nhiều muỗi lắm. Các chiến sỹ đã nhường giường, nhường màn cho các thành viên trong đoàn. Thậm chí tham mưu trưởng cũng nhường chiếc giường trong phòng chỉ huy và ra mắc võng dưới tán bàng vuông để ngủ.

“Hai chú cháu trò chuyện đến mãi gần sáng em mới chợp mắt được. Sáng mai, nghe tiếng chim hót tỉnh dậy thì mới thấy chỉ còn mỗi mình em nữa. Chú Cường - tham mưu trưởng đã dậy từ lúc nào rồi. 35 vết muỗi đốt là chiến tích sau một đêm ngủ ngoài trời. Thế mới hiểu các chiến sỹ phải “mình đồng, da sắt” thế nào mỗi đêm đứng gác”.

Ngày chia tay, khi chiếc ván nối từ tàu xuống đảo được rút lên là khi người về và người ở lại đều rơi nước mắt. Những cây bàng vuông, những cánh hoa san hô - quà tặng của các chiến sỹ và nhân dân trên đảo đã rút gắn khoảng cách giữa đảo xa với đất liền.

< Tuổi trẻ ơi, chúng tôi lên đường!

Những người ở lại giữ đảo mang trong tim hình ảnh của những thanh niên tình nguyện, của sự quan tâm sẻ chia của đất liền. Còn người về, trên ngực áp lấp lánh những chiếc Huy hiệu Trường Sa, lòng cảm phục những người đang ngày đêm ôm súng nơi khơi xa để giữ bình yên cho đất liền và một tình yêu vô bờ dành cho quần đảo này.

Những cánh tay giơ lên, những giọt nước mắt lăn dài trên má. Trường Sa xa dần trong sóng nước mênh mông, khuất dần. Không xa đâu Trường Sa, khi Trường Sa luôn ở trong tim của Tùng Lâm, của những thành viên trong đoàn và trong trái tim của tất cả người dân Việt Nam! "Nếu có dịp em sẽ ra thăm Trường Sa thêm một lần nữa", Tùng Lâm chia sẻ.

Du lịch, GO! - Theo Dantri, ảnh 1: Lê Bá Dương