(TTO) - Cũng giống như khách sạn, trên máy bay có những món đồ miễn phí cho hành khách lấy thoải mái, nhưng cũng có những món bạn không được phép cầm đi.

Theo South China Morning Post, các tiếp viên tại một hãng hàng không lớn nhất Hong Kong buộc phải kiểm tra kỹ, sau khi một loạt món đồ "đội nón ra đi" như bộ dao ăn, ly uống rượu, rượu champagne...

+ Các món đồ được phép mang đi

Túi đồ dùng một lần: Trên những chuyến bay dài, hành khách được sử dụng những túi đồ có những vật dụng như miếng che mắt, tất vớ, bàn chải đánh răng... Đây là những món đồ miễn phí dành cho khách.

Đồ dùng một lần nên chất lượng không được tốt lắm, và đặc biệt không tốt cho môi trường. Nếu bạn không mở túi, hãng hàng không sẽ dùng cho một hành khách khác.

Tạp chí: Noel Cabacungan, một blogger du lịch thường bị các hành khách khác nhìn soi mói mỗi khi anh lấy một cuốn tạp chí trên máy bay. Bởi vậy, anh đã hỏi lại một số hãng hàng không xem việc này có được phép hay không. Các hãng đã trả lời là có, bao gồm Singapore Airlines và Malaysian Airlines.
Dulichgo
Đồ ăn: Liệu hành khách có thể xin thêm một, hoặc hai suất ăn, một vài túi hạt khô hay không? Câu trả lời là có, nếu tổ bay vẫn còn. Bạn cũng nên mang những suất ăn dở của mình để ăn tiếp khi ra khỏi máy bay để bảo vệ môi trường, vì những đồ ăn thừa này theo luật đều phải đổ bỏ. Tuy nhiên, đừng mang theo khi đến một số nước như Úc vì họ có luật kiểm dịch nghiêm ngặt.

Túi nôn: Đây là túi dành cho hành khách, nên bạn có thể lấy thoải mái. Blogger du lịch Clemens Sehi có bộ sưu tập túi nôn gồm hơn 250 chiếc từ 50 nước.

+ Những món đồ không được phép mang đi

Chăn: Đây là món đồ không được phép mang ra khỏi máy bay, kể cả ở hạng thương gia, khác với bộ pyjama được phát miễn phí cho hành khách. Cuối mỗi chuyến bay, tiếp viên sẽ thu lại chăn, mang đi giặt sấy rồi dùng cho chuyến bay tiếp theo. Một số hãng hàng không, đặc biệt ở Mỹ, có chăn bán cho hành khách.

Tai nghe: Thông thường, tiếp viên luôn đi thu lại tai nghe sau mỗi chuyến bay. Các giắc cắm của tai nghe trên máy bay thường được thiết kế với hai đầu để chúng không thể sử dụng được ở bên ngoài, nhằm chống trộm.
Dulichgo
Ngày nay, máy bay hiện đại có giắc cắm chuẩn quốc tế để hành khách có thể sử dụng tai nghe của riêng mình.

Những chiếc tai nghe vòng qua đầu mang nhãn hiệu của hãng hàng không thường không được phép mang ra khỏi máy bay. Tuy nhiên, một số tai nghe không tái sử dụng được cung cấp miễn phí cho khách, thường được đựng trong những túi đồ dùng một lần. Một số hãng khác như Ryanair hoặc Easyjet thì bán cho khách.

Tốt nhất, bạn nên dùng tai nghe của riêng mình để có chất lượng âm thanh tốt hơn. Lưu ý là nếu bạn bay trên những máy bay đời cũ, giắc cắm có thể không vừa với tai nghe của bạn.

Dụng cụ ăn: Thông thường, du khách có thể thoải mái lấy những món đồ bằng nhựa như dao, nĩa nhựa, còn những món bằng kim loại thì hoàn toàn không nên. Một số hãng hàng không như Virgin Atlantic rất hay bị mất các lọ muối, tiêu, là những vật dụng hành khách không được mang ra khỏi máy bay.

Áo phao: Theo George Hobica, người thành lập trang web Airfarewatchdog.com, áo phao rất hay bị lấy trộm. Nhiều hãng phải kiểm tra số lượng áo phao thường xuyên để thêm vào những cái bị mất.

Những ai được phép ngồi ở hàng ghế lối thoát hiểm trên máy bay?

Trong khi các ghế ngồi trên máy bay ngày càng bị thu hẹp lại để tăng lợi nhuận cho các hãng hàng không, có những dãy ghế luôn rộng rãi thoải mái. Đó là hàng ghế ở lối thoát hiểm.
Dulichgo
Các hàng ghế ở lối thoát hiểm thường có khoảng trống chừng 1m, để hành khách dễ dàng sơ tán trong trường hợp khẩn cấp. Những hàng ghế này thường được du khách có kinh nghiệm chọn.

Nếu bạn không thuộc khoang hạng nhất hay hạng thương gia, hoặc hàng ghế đầu khoang, thì hàng ghế ở lối thoát hiểm là vị trí lý tưởng nhất vì có chỗ để chân thoải mái.

Tuy nhiên, hàng ghế đặc biệt này cũng có những quy định riêng, cả bất thành văn hoặc quy định trong luật của nhiều quốc gia.

+ Ai được ngồi ở lối thoát hiểm?

Theo luật, hành khách ngồi ở hàng ghế thoát hiểm phải ít nhất 15 tuổi, có đủ khả năng vận động bình thường ở tay, chân, bàn tay, bàn chân để hỗ trợ cho việc sơ tán nếu có. Nhiệm vụ của hành khách ở vị trí này có thể bao gồm việc vận hành cửa thoát hiểm, cửa trượt, loại bỏ các chướng ngại vật ở lối thoát hiểm.

Ngoài ra, hành khách phải có khả năng nghe nhìn đủ tốt để hỗ trợ trong lúc sơ tán. Quan trọng hơn cả, khách phải hiểu được chỉ dẫn của tiếp viên hàng không và có thể làm theo chỉ dẫn. Nói cách khác, hàng ghế thoát hiểm được coi là vấn đề an toàn của máy bay.

Các hãng hàng không coi hàng ghế ở lối thoát hiểm thuộc loại cao cấp, vì có thêm chỗ để chân. Hành khách sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để có được chỗ ngồi này. Vì vậy, ranh giới giữa an toàn và tiện nghi ít nhiều đã bị mờ đi.
Dulichgo
+ Hành khách có bị kiểm tra trước khi ngồi vào hàng ghế ở lối thoát hiểm?

Thực tế, tổ bay không có thời gian đánh giá sức khoẻ, thị lực, thính lực hay khả năng nghe hiểu của hành khách trước chuyến bay, vì vậy họ để hành khách tự đánh giá.

Theo Brett Manders, một phi công chuyên bay quốc tế, đa số mọi người trả tiền cho chỗ ngồi ở lối thoát hiểm, nhưng lại không có khả năng vận hành cửa thoát hiểm. Tuy nhiên, họ cho rằng do họ đã trả tiền, họ có quyền ngồi ở đó.

Ricki Cytryn, một du khách, nhớ có lần một tiếp viên hàng không hỏi bà và hai hành khách khác ngồi ở lối thoát hiểm xem liệu họ có thể nâng cánh cửa nặng 20kg hay không. Họ gật đầu có, và người tiếp viên nọ quay đi. Tuy nhiên, một trong hai người phụ nữ ngoảnh sang bà nói: "Tôi hi vọng bà có thể nâng được cánh cửa đó, vì tôi chắc chắn là không rồi".

Cửa thoát hiểm ở các máy bay có độ nặng khác nhau. Cửa trên máy bay Airbus A320 chỉ nặng 14,5kg. Cửa trên máy bay Boeing 737 mở tự động nên không cần phải mở bằng tay.
Dulichgo
Mặc dù vậy, khi ngồi ở lối thoát hiểm, hành khách trên các chuyến bay quốc tế phải để hành lý xách tay lên cabin chứ không được để dưới ghế ngồi. Hàng ghế ở vị trí này cũng không thể ngả ra như các ghế bình thường khác.

+ Luật bất thành văn cho hành khách ở lối thoát hiểm

Các hãng hàng không vẫn phục vụ đồ uống có cồn cho hành khách ở hàng ghế gần cửa thoát hiểm. Tuy nhiên, khách nên từ chối vì nếu uống quá nhiều, họ sẽ khiến tính mạng của nhiều người khác gặp nguy hiểm. Ngoài ra, hành khách cũng không nên ngủ khi ngồi ở lối thoát hiểm vì đơn giản, đó là cửa thoát hiểm.

Một luật bất thành văn khác là kích cỡ của hành khách. Những người ngoại cỡ thường gặp khó khăn trong việc di chuyển và giúp người khác trong trường hợp khẩn cấp.

Theo Thúy Nguyên (Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!