Bát Xát đang là một kỳ vọng của du lịch Lào Cai, bên cạnh Sa Pa, Bắc Hà đã trở thành thương hiệu. Đây là vòng cung Tây Bắc Lào Cai thuộc địa bàn huyện Bát Xát.

Độc đáo một cung đường ven sông Hồng ngược lên điểm Lũng Pô nơi dòng sông chở nặng phù sa từ Trung Quốc tiếp cận vào đất Việt; một con dốc vắt ngược lên núi cao mà các bác tài đặt cho cái tên rất tượng hình là "dốc lò xo", đến A Lù; rồi vượt qua mỏm đá sừng sững Ngải Thầu lên Ý Tý trập trùng biển mây cùng những cánh rừng già, có làng người Hà Nhì giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.

Rồi xuôi dốc Dền Sáng, qua Sảng Ma Sáo về Mường Hum nghe tiếng suối ngàn hát bài dân ca muôn thuở, hòa mình vào phiên chợ đậm đặc sắc màu… Bát Xát đang là một kỳ vọng của du lịch Lào Cai, bên cạnh Sa Pa, Bắc Hà đã trở thành thương hiệu.

Chuyến đi khảo sát các tuyến - điểm du lịch trên vòng cung này do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với huyện Bát Xát tổ chức vào dịp cuối năm 2010 đã mang lại kết quả và nhiều ý nghĩa tích cực. Đoàn đi theo tuyến Bản Vược - Trịnh Tường - A Mú Sung, dừng chân ở điểm Lũng Pô để khảo sát vị trí địa lý đặc biệt này. Đây là điểm phân giới ngã ba sông, suối, nơi dòng sông Hồng bắt đầu tiếp cận vào đất Việt. Từ đây, sông Hồng có một bên đất Việt, rồi xuôi dòng thêm gần một trăm cây số nữa tới ngã ba gặp sông Nậm Thi nơi thành phố Lào Cai, dòng sông Mẹ của đồng bằng Bắc Bộ mới hoàn toàn chảy vào lòng đất Việt.
Qua giới thiệu của lãnh đạo huyện với đại diện các doanh nghiệp du lịch lữ hành, chúng tôi biết được ý định của Bát Xát là sẽ tạo điều kiện để biến đặc điểm địa lý này thành tuyến du lịch hấp dẫn du khách. Tiếp tục hành trình, sẽ tới bản Lũng Pô 2 ở ven suối cùng tên, là bản của người dân tộc Mông còn giữ gìn các phong tục văn hóa truyền thống. Từ đây vượt dốc A Lù, sang Ngải Thầu, con đường chon von giữa một bên là vách đá cao vút, một bên là thung lũng sâu hút, có những bản làng của người Mông, người Hà Nhì xen giữa những vầng lúa bậc thang. Qua Ngải Thầu là lên tới Ý Tý, một điểm nhấn du lịch đầy tiềm năng.

Vùng cao Ý Tý xứng đáng là một điểm du lịch khám phá hấp dẫn, bởi ở đây về tài nguyên thiên nhiên có phong cảnh hùng vĩ, núi rừng nguyên sơ; về tài nguyên nhân văn thì có bản sắc dân tộc Hà Nhì độc đáo, ẩn chứa những vẻ đẹp phong phú từ văn hóa cư trú, ẩm thực, trang phục, dân ca, dân vũ, những lễ hội đặc sắc. Trong khu vực cư trú, có những cánh rừng già nguyên sinh nên không gian trong lành. Ở Ý Tý có những thời điểm mây tràn lên từ thung lũng như một mặt biển sóng bồng bềnh. Chợ phiên Ý Tý cũng là nơi tụ họp của đồng bào các dân tộc thiểu số trên rẻo cao.

Người Hà Nhì, người Mông, người Dao mang tới chợ phiên những nông sản bình dị, nhưng đối với khách phương xa thì là những đặc sản hiếm hoi, quý giá như: thịt lợn sấy, lạp xường được làm từ thịt lợn "cắp nách", rồi các loại rau sạch từ những mảnh nương trên triền núi sương mây… Còn nữa, du khách có thể nghỉ đêm trong ngôi nhà tường trình đất, mái rơm, trong không khí thân thiện của gia đình người Hà Nhì và có thể xuống tận đáy thung lũng, thăm cầu Thiên Sinh bắc qua một khe nứt núi đá hùng vĩ và kỳ bí, tạo nên đường phân chia biên giới Việt - Trung mà không nơi nào có.

Từ Ý Tý xuôi dốc xuống Dền Sáng, đường đi qua khu rừng nguyên sinh trầm mặc, dưới tán rừng là bạt ngàn thảo quả. Đồng bào ở Ý Tý, Dền Sáng trồng thảo quả để làm giàu, nhưng thảo quả chỉ sống được dưới tán rừng, nên ý thức giữ rừng luôn được đề cao. Dền Sáng còn có những dòng suối đổ về từ những ngọn núi cao, tạo nên âm thanh như tiếng hát xao xuyến lòng người. Suối tình Dền Sáng là nơi trai gái người Dao gặp gỡ chuyện trò, hát giao duyên trong những dịp lễ hội, là một điểm tham quan tiềm năng của khu vực. Núi và suối nơi này có vẻ đẹp độc đáo, thích hợp cho những chuyến du lịch khám phá mạo hiểm.

Nếu như vùng Dền Sáng là nơi cư trú 100% người dân tộc Dao, thì ở Sảng Ma Sáo là 100% người dân tộc Mông. Người Mông ở đây thuộc ngành Mông trắng có nếp cư trú và phong tục tập quán nhiều thú vị. Từ Sảng Ma Sáo về Mường Hum, du khách sẽ bắt gặp một thung lũng bình yên với tiếng suối rì rào mà nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã đưa vào trong bài hát còn mãi với thời gian: "Suối Mường Hum còn chảy mãi". Chợ phiên Mường Hum, ngoài chức năng mua bán, trao đổi, phục vụ nhu yếu phẩm cho người dân, còn là nơi giao lưu văn hóa giữa 8 xã trong khu vực phía Tây huyện Bát Xát.

Phiên chợ chủ nhật hàng tuần luôn nô nức gái sắc trai tài, quần áo chen chúc sắc màu thổ cẩm các dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì, Giáy… có cả những người từ Phong Thổ (Lai Châu) vượt đèo Mây sang chơi chợ, có cả những đoàn du khách nước ngoài mang quốc tịch Pháp, Đức, Italia say sưa khám phá, chụp ảnh, quay phim, ghi lại những thú vị bất ngờ. Từ Mường Hum trở ra Bản Xèo, bạn sẽ được tham quan bản San Lùng trên núi, nơi người Dao chưng cất thứ rượu để cúng trời đất, thần tiên. San Lùng nghĩa là Tam Long, ứng với 3 đỉnh núi thiêng ở đây. Giọt rượu San Lùng kết từ tinh túy của đất trời và kỳ công bí truyền của người Dao, có vị ngọt thơm nồng nàn, xứng đáng là một món quà quý.

Từ Bản Xèo vượt đèo Mã Yên Sơn ra tới Mường Vi, bắt gặp khu hang động đá vôi muôn hình thù khác lạ. Hang động Mường Vi là điểm văn hóa - du lịch đã được xếp hạng cấp tỉnh từ lâu, nhưng thực sự chưa được quảng bá rộng rãi xứng tầm với danh thắng và một yếu tố hết sức quan trọng là con đường từ Bản Vược vào đây còn rất khó khăn, trở ngại chung cho cả tuyến du lịch vòng cung Tây Bắc huyện Bát Xát.

Chắc chắn, khi con đường vòng cung được đầu tư sửa chữa, tạo sự thuận tiện cho đi lại, thì du lịch nơi đây sẽ khởi sắc. Khi ấy, Lũng Pô, Ý Tý, Mường Hum và các điểm du lịch khác sẽ được kết nối trong tuyến du lịch đầy thú vị. Du lịch nâng vị thế của một địa bàn hiểm trở, heo hút, ghi dấu ấn trên bản đồ du lịch của tỉnh và cả nước, thu hút du khách trong nước và quốc tế và sẽ là một nguồn lực góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào trong khu vực.

Du lịch, GO! - Theo báo Lào Cai