Chuyến đi này được dự tính từ 3 tuần trước nhưng cách ngày đi một ngày thì pà xã mới soạn hành trang. Do nhiều kinh nghiệm ở các chuyến trước rồi nên lần này dù cuộc du phượt có thể kéo dài 6 ngày nhưng hành lý bọn mình khá gọn nhẹ, trang phục không mang nhiều vì những nơi dừng chân như nhà nghỉ hay khách sạn đều có thể tự giặt đồ, phơi phóng (mùa hè mà, rất mau khô) - tất cả chỉ xếp gọn vào một vali nhỏ ràng sau baga và một túi nhỏ đeo vai đựng nước uống, nón... là xong!

5h sáng ngày 5.6.2011, bọn mình đạp máy xe khởi hành trực chỉ hướng cầu Phú Mỹ. Chuyến này sẽ qua phà Cát Lái, vượt Nhơn Trạch ra QL51 hướng về Bà Rịa. Đoạn Cát Lái này sẽ rút ngắn vài mươi cây số đường xấu trên QL51 do đang sửa chữa. Tuy nhiên không phải đoạn nào mình cũng tìm đường rút ngắn để đi đâu, cụ thể là trong các đoạn sau này: bọn mình đi những cung đường ngút ngoắc, thậm chí là chọn lộ đá đỏ, đường đất... chỉ vì nó sẽ qua những nơi có nhiều cảnh đẹp. Còn đoạn QL51 từ TP ra thì chả có gì ngoài cả đống đoạn sửa, đinh tặc và hàng quán xô bồ.

< Bình minh trên cầu Phú Mỹ.

Thời tiết thì đã theo dõi dự báo và ảnh vệ tinh từ nhiều ngày trước nên chuyến này chỉ ngoại trừ một lần trú mưa nhỏ ở suối Nhum thì tất cả thời gian còn lại đều là nắng ráo cho đến khi về.

Đoạn về trên xe, khi đến Hàm Minh thuộc địa phận Hàm Thuận Nam thì mưa đổ xuống ầm ầm, gió cuốn ngút trời - lúc này thì bôn mình trong xe lớn rồi, phẻ và thật may mắn.

< Trên phà Cát Lái, nhìn qua cảng cùng tên...

Trở lại chuyến đi: khởi hành lúc sáng sớm đã lắm vì trời mát lạnh, ít xe và cảnh bình minh thì thật tuyệt vời. Vượt cầu Phú Mỹ trong gió lồng lộng, vừa tới Cát Lái thì chờ 5 phút là chạy lên phà ngay, trời vẫn sáng dần trong ánh nắng ban mai của một ngày mới tràn ngập niềm phấn khích của khởi đầu một chuyến đi.
< Cái "khoái" đầu tiên của chuyến đi là nhìn cảnh bình minh tuyệt đẹp...
Bên kia phà Cát Lái là con đường TL769 đâm thẳng tới thành Tuy Hạ. Theo web huyện Nhơn Trạch thì thành nằm trên địa bàn xã Phú Thạnh, là địa bàn tiếp giáp với 3 xã là Phú Đông, Đại Phước, Vĩnh Thanh ) và tiếp giáp Sông Sâu một nhánh của Đồng Nai, Cù Lao Ông Cồn thuộc địa bàn xã Đại Phước và xã Long Tân thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Đây là thành trì do thực dân Pháp xây dựng và trấn giữ cho đến ngày rút quân về nước sau hiệp định Geneva và trở thành kho bom của quân đội Mỹ. Hiện tại thì thành Tuy Hạ thuộc Bộ tư lệnh căn cứ Long Bình Tổng cục kỹ thuật K862 quản lý.

Chuyến đi lần trước mình cứ thắc mắc điều này khi trên đường từ QL51 qua Nhơn Trạch lại phải đánh một vòng thành để ra Cát Lái (dù trên bản đồ thấy đường thẳng qua thành ngắn hơn nhiều), chuyến này mình giải tỏa được thắc mắc đó khi đi thẳng: hóa ra khu vực quân đội nên không được vào, vì vậy phải chạy đánh một vòng cung để qua thành này.
Con đường bọc vòng lần trước mình về thì đang thi công dở dang nhưng bây giờ thì ngon lành rồi, chạy ngọt xớt, rộng thênh thang.
Khi đến ngã 3 thì quẹo phải vào khu vực rừng cao su mát rượi hướng về trung tâm Nhơn Trạch; đây là TL25B, một đường thẳng băng ra tới QL51.
Con đường đi Vũng Tàu này vẫn thế: nhiều đoạn đang sữa chữa tà la mà chả biết bao giờ xong đây - một nỗi khổ của người đi đường... nhưng riêng mình thì cái khổ đã giảm nhẹ do đi ngã Cát Lái, cung đường trở nên ngắn hơn nhiều!

Oải nên pà xã chả bấm tấm nào trên đoạn này cho đến khi cách ngã rẽ đường lên núi Dinh mươi cây số thì bọn mình dừng lại đổ xăng.

< Chỉ qua trăm mét đường vào núi Dinh là đã là rừng và rừng.

Nghỉ một chút rồi kế hoạch tạt lên núi Dinh "một tẹo" được duyệt. Kệ, nhín chút thời gian tạm cưỡi ngựa xem hoa tý chút mà...
< Đường ngoằn ngoèo quanh co như con đèo nhỏ.

Núi Dinh nằm kề quốc lộ 51 thuộc địa bàn xã Tân Hoà, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cách TX Bà Rịa 5km về phía Bắc. Núi chạy dài hình vòng cung theo hướng Đông Nam-Tây Bắc, độ cao trung bình khoảng khoảng 500m với tổng diện tích toàn khu vực gần 60km² được xem là ngọn núi cao và độc đáo nhất của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đỉnh cao nhất là núi ông Trịnh 504m, phần còn lại thoải dần về hai phía. Đây là một quần thể núi non và cây xanh ngút ngàn với những am, chùa, cốc, miếu độc đáo nằm ven các con suối.

< Không khí mát rượi khác hẳn cái oi nồng dưới kia.

Về tên gọi của núi hiện đang có nhiều cách giài thích khác nhau. Có người cho rằng do khí hậu trên núi rất mát mẻ nên trước đây toàn quyền Pháp có xây dinh thự để nghỉ mát vì vậy sau này người ta quen gọi núi Dinh. Cũng có người cho rằng sở dĩ núi được gọi tên núi Dinh là để tưởng nhớ công ơn người đã có công khai phá vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu là ông Nguyễn Văn Dinh.

Từ trên đỉnh núi này có dòng Suối Tiên tuyệt đẹp uốn lượn, lúc là những thác nước nhỏ róc rách, lúc phình to thành hồ nước phẳng lặng, trong xanh. Ẩn hiện theo sườn núi là rất nhiều ngôi chùa, am, miếu cổ kính.

Con đường dẫn lên đỉnh uốn luợn quanh co men theo triền núi. Thỉnh thoảng một vài đoạn suối chắn ngang lối đi tạo thành những điểm nghỉ chân lý tưởng. Ở đây có rừng nguyên sinh với thảm thực vật nhiệt đới đa dạng, phong phú với nhiều loài. Mình nghe nói trên núi có nhiều hang sâu nhưng có lẽ đường lên rất khó.

Thời gian không dành cho nơi này nhiều nên sau khi vượt cầu suối Tiên hơn 1km, tới khúc khá hoang vắng thì bọn này trở xuống. Chạy nhoáng hơn 1km là đã đến ngã 3 Long Hương, vào địa phận Bà Rịa.
Khúc này lộn đường một tý nhưng rồi cũng truy ra được QL55 hướng về An Nhất.
< Đường vẫn khá tốt, xe chạy nghọt ngào.


Chuyến đi này mình vẫn mang theo ít dụng cụ tối cần thiết để sửa xe, cả một ruột sau mới, chai keo vá tự động. Tuy nhiên: cái vặt vãnh nhất là quên cái nắp mở ty van bằng đồng! Vì vậy khi gặp dịp cần xài ở Lagi thì lại pó tay vì nắp ty nhựa mở... không nổi, nó tuôn tuốt tuột! May mà tất cả đều ổn, không việc gì quan trọng.
< Tới cầu An Nhất.
< Và vào Đất Đỏ, bây giờ đã thành thị trấn.

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12

Điền Gia Dũng - Blog Du lịch, GO!