Trước khi đi, tôi hỏi thằng con trai đang học lớp chín, sông Mã ở đâu? Câu trả lời gọn ơ: không biết! Té ra cũng không nên trách kiến thức địa lý của lớp chín phổ thông, vì khi hỏi một đồng nghiệp ở Điện Biên, tôi cũng nhận được hồi đáp lửng lơ rằng, nghe nói nó (sông Mã) bắt nguồn từ đây, chẳng rõ cụ thể là đâu, hình như là ở thung lũng Mường Thanh.

Sông Mã, tiếng Việt – Mường cổ gọi là sông Mạ, có nghĩa sông mẹ, tổng chiều dài 512km. Khởi nguồn từ Điện Biên, qua tỉnh Sơn La, chảy qua Bắc Lào rồi đổ vào tỉnh Thanh Hoá, ra Biển Đông qua cửa chính là cửa Hới (Sầm Sơn) và hai cửa phụ là cửa Lèn và cửa Lạch Trường. Sông Mã tạo nên đồng bằng Thanh Hoá lớn thứ ba Việt Nam.

Bất ngờ Nậm Hon

Chúng tôi quyết định bắt đầu từ Tuần Giáo, dưới chân đèo Pha Đin phía Điện Biên, vì nhìn thấy trên bản đồ vệt xanh mờ xuất phát từ đây trước khi nó đậm nét ở Sơn La và được ghi rõ tên là sông Mã.
Ngược đường Tuần Giáo sang Lai Châu chừng năm cây số, dưới chân đèo Hoa, nhìn về bên phải là một thung lũng trải dài những thửa ruộng bậc thang, nằm kẹp giữa hai dãy núi. Đi bộ ra giữa cánh đồng thì gặp dòng suối xuôi chảy về phía Tuần Giáo.

Ghé một nhà sàn hỏi thăm thì biết, đây là Bản Phủ, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo. Ông chủ nhà Lò Văn Cu, 62 tuổi, người Thái, cũng chỉ biết con suối Nậm Hon này đổ nước vào sông Nậm Núa, còn từ đó nó đi tiếp đâu thì ông cũng không biết.

Đang loay hoay tìm quán nước, chợt có một anh trung niên mời chúng tôi vào nhà uống trà. Khi biết mục đích cuộc tìm kiếm của chúng tôi, chủ nhà nói, các anh đã tìm đúng hướng. Làm cán bộ tuyên huấn huyện hơn 20 năm, lại là người Thái, anh Lò Văn An thuộc hết sông, suối, núi, rừng của Tuần Giáo như cây trong vườn nhà. Suối Nậm Hon bắt nguồn từ thác Bản Phủ, ngược lên chừng ba cây số.

Khi xuôi về phía Điện Biên chừng bảy cây số thì Nậm Hon gặp dòng suối thứ hai, là Nậm Sát, từ Mường Thính chảy ra, góp nước vào. Đi tiếp đến cây số 16 thì gặp dòng suối thứ ba là Nậm Cô, đổ xuống từ Mường Ảng. Bắt đầu từ đây, suối lớn thành sông. Sông ngoặt hướng đông nam, chảy qua Búng Lau, đổ vào địa phận Sơn La, có tên mới là Nậm Núa.

Nâm Núa tiếp tục xuôi về nam, đến ngã ba Pắc Ma thì gặp dòng thứ hai từ huyện Điện Biên Đông chảy sang. Bắt đầu từ điểm hợp lưu này, con sông Mã chính thức thành tên.

Để chắc ăn, chúng tôi tìm đến thung lũng Mường Thanh trong lòng chảo Điện Biên, tận mắt thấy con sông chảy dọc thung lũng có tên là Nậm Rốm. Hoá ra Nậm Rốm chẳng dính líu gì với sông Mã, nó cũng sang Lào, qua Mường Mẩy, đổ vào sông Nậm U ở ngã ba Sop Ạt, đi tiếp theo hướng tây nam và đổ vào sông MeKong tại ngã ba Pạc U, tỉnh Luang Prabang…

Đầu nguồn thứ hai

Một nhánh đầu nguồn khác của sông Mã được xác định từ Mường Luân, huyện Điện Biên Đông. Từ thị trấn, sau bảy cây số dốc núi thì con đường gặp dòng suối Lư cắt ngang. Để đi tiếp, chúng tôi phải thuê một xe công nông cải tiến. Ngoài phương tiện này, chỉ có thể đến Mường Luân bằng cách cuốc bộ. Nhưng chỉ cần một trận mưa lớn, chiếc xe cải tiến này cũng phải chịu nằm đường. May mắn là trời không mưa. Dù thế, chúng tôi vẫn phải xuống xe để đi bộ nhiều đoạn. Gần toàn bộ cung đường này treo trên những triền núi đất cheo leo, men bên những vực sâu cả trăm mét, đầy những vũng lầy, nên chúng tôi phải mất hơn bốn giờ cho đoạn đường chỉ 23km.

Con đường rừng vẫn men theo dòng suối Lư len lỏi qua các hẻm núi. Bắt đầu từ cầu treo Pa Pạt, suối mới hiện dần thành sông, dốc chảy ầm ầm trong vô vàn ghềnh đá.
Bất ngờ với chúng tôi, Mường Luân là một bản Lào.

Hơn bốn thế kỷ định cư

Theo lịch cổ của người Lào, thời điểm hiện tại đang là tháng 10. Tết lúa mới bắt đầu vào ngày trăng tròn đầu tiên của tháng 10 và kéo dài trong bảy ngày. Trong bảy ngày tết ấy, mỗi gia đình người Lào tự chọn cho mình một ngày mà họ cho rằng đó là ngày tốt, không mắc phải những điều kiêng kỵ, để làm lễ cúng. Người Lào Mường Luân sống chủ yếu từ việc canh tác lúa nếp nương, mỗi năm hai vụ. tết lúa mới là vào vụ thu hoạch đầu tiên, có ý nghĩa mừng được mùa và cầu phúc cho vụ sau. Đây cũng là dịp người sống dâng lễ vật khao đãi tạ ơn ma nhà (tổ tiên và những người quá cố trong họ tộc). Sự có mặt của người Lào ở Mường Luân bắt đầu từ gần cuối thế kỷ 16.

Bằng chứng là ngôi tháp cổ nằm ngay đầu bản. Tháp Mường Luân là một trong bốn ngôi tháp cổ nhất nước ta (ba tháp còn lại là tháp Vĩnh Hưng ở Bạc Liêu, tháp Phổ Minh, Nam Định và tháp Bình Sơn, Vĩnh Phúc). Tháp được xây dựng vào khoảng những năm 1570 đến 1590. Đây là thời kỳ nước Lào bị Miến Điện xâm lược, khiến một số dân Lào tản cư sang các nước Đông nam Á lân cận, họ đã đến Mường Luân và định cư lâu dài cho đến ngày nay.

Nhan sắc… tóc

Trong bảy ngày tết lúa mới, hầu như đêm nào nhà văn hoá cộng đồng của bản cũng diễn ra các cuộc tụ tập đốt lửa và múa hát tận khuya. Sinh hoạt hội hè này hình như chính yếu là dành cho nữ giới, sau đó là trẻ em. Thanh niên trai tráng cũng có đến, nhưng họ chỉ đứng ở vòng ngoài một lúc rồi tản về các nhà để uống rượu.

Không chỉ những cô, những chị trong đội múa của bản mà tất cả chị em đến dự đêm hội đều có mái tóc được chải, vấn một cách công phu, cầu kỳ và thật đẹp. Hỏi các chị đã ngoài 40, làm sao để giữ được mái tóc đen nhánh, dài chấm gót và óng mượt đến thế?

Tất cả đều cho biết, chỉ nhờ nước gạo. Nước vo gạo được họ ủ chua từ hai đến năm ngày tuỳ vào mùa nóng hay mùa lạnh thì sẽ thành một thứ thuốc dưỡng tóc. Sau chừng nửa giờ gội ủ, tóc được xả thật sạch bằng nước sông. Với các cô gái Lào, mái tóc không chỉ biểu hiện nét nhan sắc mà còn là nét công dung ngôn hạnh hàng đầu…

Vùng đất mang tên sông

Từ Mường Luân, chúng tôi tiếp tục xuôi sông xuống huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Đoạn sông đầu nguồn này đầy ghềnh thác, không thuyền bè nào có thể xuôi dòng.

Chặng đường phải đi dài trên dưới 70km, chỉ duy nhất một lối mòn men triền núi dọc theo sông. Từ Mường Luân sẽ qua Phá Thẹ, Pắc Ma, Bản Pó, Mường Nưa, Nà Dìa, Chiềng Sơ… Nhưng hỏi cả bốn chàng trai Lào đồng ý đưa chúng tôi đi bằng bốn xe máy, thì vẫn chưa ai trong số họ từng đi một mạch hết cung đường này.

Cộng cư nhiều dân tộc

Nếu không phải dân ở đây, dù có được cho xe, ta cũng không tài nào đi nổi trên cung đường này. Lối mòn men theo bờ vực lúc thì lởm chởm đá tảng, lúc lại trơn tuột những triền núi đất. Hết dốc ngược như đi lên trời, lại cắm đầu xuống thung sâu, nhiều lần phải xuống xe đi bộ vì sợ lộn nhào.

Nhưng cảnh sắc thì quá sức ngoạn mục và hùng vĩ. Núi tiếp núi trùng điệp. Dòng sông đoạn nào cũng gầm réo thác ghềnh với những cô nàng người dân tộc thong thả ra sông tắm trần như tiên nữ. Đang ở đỉnh dốc nắng chói chang, thoắt đổ dốc lại chui vào mây luồng mịt mờ khí lạnh.

Giữa trưa chúng tôi mới tới được ngã ba Pắc Ma, nơi gặp nhau của hai dòng đầu nguồn từ Tuần Giáo chảy sang và từ Mường Luân chảy xuống. Bắt đầu từ điểm hợp lưu này, con sông Mã chính thức có tên trên bản đồ. Cung đường vừa qua chỉ 15 cây số mà có đến gần chục dân tộc sinh sống: Phù Lá, Khơ Mú, Lào, Mường, Xinh Mun, Thái, H’mông… Du lịch, GO!

Đoạn sau ngã ba Pắc Ma, núi hạ thấp dần độ cao, sông đã trở nên rõ nét với những chuyến phà ngang. Buổi trưa, chúng tôi dừng nghỉ một quán bên đường tại chợ Mường Nưa, xã Mường Lầm, thuộc huyện Sông Mã. Một tốp đông các cô gái H’mông sặc sỡ áo váy đi chợ, ghé quán ăn trưa. Một đặc điểm riêng biệt của người H’mông là bản làng của họ luôn ở tít tận trên các đỉnh núi cao, mỗi lần xuống chợ để mua bán hàng hoá, họ phải đi cả ngày đường và thường đi theo từng tốp đông đảo.

Ngôi nhà của ma

Ten Ư là tên của cả rặng núi, thuộc xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã. Chúng tôi quyết định lên núi khi biết trên đó có quần thể hang động còn trong hoang sơ. Không ngờ trên đỉnh núi là một cao nguyên nhỏ với một bản H’mông trù mật, xanh um nương sắn, nương ngô, những vườn cây ăn trái.

Đang mùa đi nương, cả bản không bóng người. Người H’mông có thói quen đi nương cả nhà, trẻ con chưa biết đi thì mẹ địu trên lưng. Rất may cho chúng tôi là một trong ba anh xe ôm đã có lần lên hang, dù cách nay đã mấy năm. Lội bộ vượt qua một trái núi đất đã thành nương sắn. Lại tiếp trái núi thứ hai là một rừng tre hoang, phải len lỏi từng bước. Hơn một giờ thì chúng tôi cũng tới được hang.

Cửa hang rộng hơn sải tay, ăn sâu hút xuống lòng núi. Trước miệng hang có ai đó đặt tấm liếp nhỏ bằng tre đan trên bốn chân cọc. Bên cạnh dựng một ống nứa đựng nước và trên liếp còn rủ đống xương gà. Người ta cúng ma đấy, anh xe ôm nói. Theo quan niệm của người H’mông thì những hang động này là nhà ở của hồn ma, nên khi lên rừng lấy gỗ, đào củ, bẻ măng… họ vẫn mang theo thức ăn, nước uống cúng ma để xin phép vào rừng.

Nương theo hai thân tre chừng 3m, chúng tôi tụt xuống hang. Bên ngoài trời đang 36 độ mà trong hang khí lạnh sởn da, rất khó thở, bật quẹt không cháy được. Đi qua đoạn hẹp chừng hơn 10m thì hang đột ngột rộng ra chừng 50m, sâu hun hút. Qua ánh đèn pin, vòm cao hơn chục mét với vô vàn thạch nhũ mang đủ hình người và quái thú. Càng đi sâu vào hang, càng dễ thở dần. Nghe nói ở cuối hang có khoảng trống nhìn thấy trời trên đỉnh núi. Nhưng lần dò đi sâu chừng hơn 200m, chúng tôi quyết định trở ra vì… sợ.

Trên đường về chúng tôi gặp được trưởng bản Vừ A Súa. Ông Súa cho biết cả dãy núi này có đến 36 hang. Hang mà chúng tôi vừa xuống là hang Cau Liêu (tiếng Thái là quả chanh). Cau Liêu chỉ là hang trung bình. Hang lớn nhất là hang Thám Báo, trong hang còn có cả một thửa lúa nương…

Sông Mã thành Nậm Mã

Sau cầu phao Mường Nưa, chúng tôi còn phải một lần sang ngang sông Mã bằng đò tại bản Nà Dìa, xã Yên Hưng. Tay lái của mấy anh bạn Lào như làm xiếc khi đưa xe xuống con đò gỗ mong manh. Cô lái đò Hoàng Thị Viên, người Thái, cho biết, cô không phải là người lái đò chuyên nghiệp. Con đò là tài sản chung của bản. 38 gia đình trong bản cứ luân phiên nhau mỗi nhà chở đò một ngày. Lệ tục đẹp đẽ này truyền nối ở bản Nà Dìa đã bao đời nay.

Từ sau bến đò Nà Dìa, con sông Mã bắt đầu từng lúc rời bỏ những vách núi dựng đứng để trải ra những bãi bờ phù sa xanh mướt, những cánh đồng bậc thang, những nương ngô, những vườn vải thiều…

Và khi mặt trời khuất núi chúng tôi cũng may mắn kết thúc cuộc hành trình về đến thị trấn Sông Mã. Đây là vùng đất duy nhất mang tên con sông này. Thị trấn nhỏ nhoi nằm trọn trong thung lũng núi ở độ cao hơn 1.500m. Thị trấn bên bờ sông mà không một bến thuyền. Còn cầu treo nối đôi bờ, trên thực tế là treo lơ lửng ngang hẻm núi.

Trước khi trở thành nhà văn nổi tiếng, Nguyễn Huy Thiệp từng có hơn chục năm dạy học ở miền núi heo hút này. Những ngọn gió Hua Tát, Những người thợ xẻ và nhiều truyện ngắn có bối cảnh miền núi đều được ông thai nghén từ đây. Chúng tôi thử đi tìm hỏi xem bản Hua Tát ở đâu, thì hoá ra nó chỉ có trong trí tưởng tượng của tác giả.
Chảy qua thị trấn chừng 30km, đến Chiềng Khương thì sông Mã đổ vào đất Lào và có tên là Nậm Mã.

Phần 1: Đi dọc sông Mã: Lần lên tìm đầu nguồn
Còn tiếp
Phần 2: Đi dọc sông Mã: Trăm năm bản dệt Khăm Khăm
Phần 3: Đi dọc sông Mã: Nơi sông Mã gặp biển

Du lịch, GO! - Theo SGTT