Rồi tụi tôi gặp một ngôi nhà Mông khá to.

Nhà người mông ở đây chủ yếu làm từ tre nứa và thân cây gỗ thông nhỏ, mái lợp bằng tấm phibro xi măng. Không giống như ở Tây Yên Bái hay Sơn La được làm 100% bằng gỗ pơ mu.

Điều này cũng chứng tỏ rừng nguyên sinh ở đây đã biến mất từ lâu. nhà cửa, phên dậu chỉ được làm bằng tre nứa rất đơn sơ. Xung quanh nhà chất đầy củi lấy từ rừng về. Củi là thứ tối quan trọng ở đây. Củi để nấu nướng hàng ngày, củi để sưởi trong mùa đông. Nếu không có củi, sẽ vừa bị đói, vừa bị lạnh. Do vậy họ phải đi kiếm củi hàng ngày, liên tục liên tục... và rừng mất dần, mất hẳn.

< Hàng rào nứa.
Chợt bắt gặp 3 mẹ con đi đâu về, nhà của chị ở đây, 3 cô con gái bé tý.
Chúng tôi tiếp tục thẳng hướng đỉnh núi đi lên tiếp. Trên núi vẫn còn ruộng bậc thang, sát với nhà.

< Càng lên cao đường càng khúc khuỷu khó đi.
< Qua một thửa ruộng khá rộng trên gần đỉnh núi thì thấy nhà ông Sú đây rồi.

Nhà ông Sú đứng chơ vơ tít trên đỉnh núi, cao nhất cả bản. Sau này tôi mới biết con trai ông Sú chính là trưởng bản. Ngôi nhà đơn sơ này chắc đến mùa đông thì rét lắm, xung quanh trống hoác, gió thổi lộng cả óc.

Vách nhà được đan bằng thân cây nứa mỏng dính và nhiều khe hở.
Hai thằng đứng ngoài gọi ầm lên "ông Sú ơi" mà chẳng thấy ai thưa. Hét mãi đập cửa thình thình mới thấy trong nhà có tiếng lục đục rồi có người cọt kẹt ra mở cửa. Hóa ra có 2 đứa bé ở trong nhà, nhìn chúng tôi như ở trên trời rơi xuống khúc khích cười.
Thế có chán không, chẳng biết làm thế nào, chúng tôi vẫy tay chào lũ trẻ rồi lại đi bộ xuống núi. Xuống dưới đường cái, chúng tôi đứng trước một ngôi nhà có vườn dong riềng trước cửa.

Trong nhà có một người phụ nữ đang dọn dẹp nhà cửa, tôi hỏi chị ta mấy câu nhưng chỉ thấy chị ta đáp lại "Chư pâu, chư pâu".
Vấn đề là bây giờ phải kiếm được chỗ để ngủ đêm nay ở đây vì tôi biết là đi tiếp lên đỉnh núi không còn nhà dân nữa. Đang lúng túng không biết làm thế nào thì chúng tôi nhìn thấy một bác Mông vác một cây gỗ vừa to vừa dài đi tới. Tôi liền chạy lại hỏi thăm.

Kể cũng hơi vô duyên, bác ta vai vẫn vác cây gỗ rất nặng, miệng thì trả lời tôi, tôi thì lại muốn hỏi nhiều. Rất may hóa ra cái nhà có vườn dong riềng trước cửa chính là nhà bác ta, đợi bác ném cây gỗ vào góc sân xong, tôi mới hỏi xin gửi nhờ ít đồ để đi lên núi và hỏi bác ấy xem có chỗ nào ngủ nhờ được không.

Bác Mông này nhỏ nhẹ gật đầu mời chúng tôi vào nhà rồi bảo tối nay các anh ngủ lại ở đây cũng được. Chúng tôi mừng quá, thế là yên tâm có chỗ tá túc đêm nay rồi.

< Chân dung anh Giàng Seo Chính.

Hai anh em cởi đồ trên xe mang vào nhà, bác Mông kia vồn vã chỉ cho chúng tôi chỗ cất đồ và nghỉ đêm. Thật bất ngờ, bác ấy dành cho hai chúng tôi căn buồng ở góc nhà, vốn chỉ dành cho các đôi vợ chồng, là chỗ rất riêng tư của người dân tộc chứ không phải cái phản ở góc nhà vốn luôn để dùng cho khách. Thật là một người tốt hiếm có.
< Căn buồng nhỏ mà anh chính dành cho tôi và hoangnguyen ngủ đêm nay, nó thường là chỗ ngủ của đôi vợ chồng và chỗ cất giữ những tài sản giá trị của gia đình.

Bác Mông mời tôi tới bếp lửa cùng ngồi uống nước, trong nhà, người phụ nữ lúc trước tôi gặp đang ngồi với một cô gái còn rất trẻ, họ đang cho sắn cắt khúc vào nồi xào lên để ăn trưa. Ngồi nói chuyện, tôi mới biết bác Mông này tên là Giàng Seo Chính, năm nay mới hơn 40 tuổi nên tôi gọi bác ấy bằng anh, cô gái trẻ này là con dâu của bác.

Bản này gọi là bản Pá, đây là bản cao nhất trên đỉnh núi này, đi sâu vào nữa không có người ở. Thấy chúng tôi vào, vợ bác Chính đổ thêm sắn vào xào để cho chúng tôi cùng ăn. Trong lúc chờ đợi, tên Hoangnguyen lôi ra mấy con mực khô nướng lên uống rượu.

Còn tiếp
Battramdao (Phuot.com)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 -