Vượt qua đỉnh dốc, lối mòn dẫn vào một thung lũng có 1-2 hộ người Raglei sinh sống (vùng đệm, Điệp-cán bộ VQG cho biết đồng bào raglei đã trải qua nhiều lần tái định cư kể từ thời Pháp, văn hóa raglei mai một đi nhiều và là một trong những nhóm đồng bào anh em cùng mẹ Âu Cơ nghèo khó nhất.

"Dân tộc Raglai còn được viết nhiều cách khác nhau trong các công trình nghiên cứu như: Raglei, Rơglai, Rốc Lay, Rắc Lây, Radlai, Ra Glai…hoặc còn có tên gọi khác là Raglây, Rai, Noang, La-oang, Orang glai... tùy theo từng nhóm người ở địa phương khác nhau.
Người Raglai đã sinh sống lâu đời ở vùng Nam Trung Bộ, là dân tộc thiểu số, thuộc ngữ hệ Malayo-Pôlinêdi ở Việt Nam, cư trú chủ yếu ở huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận. Dân số hiện nay khoảng 108.000 người. Riêng ở Khánh Hòa có khoảng 40.000 người."

< Nơi hội quân đông đủ đầu tiên, khi một vài thành viên lần đầu tham gia nhóm "sốc" nhẹ với cái nóng khó chịu của Ninh Thuận.

"Trước đây dân tộc Raglai sống du canh nhờ vào phát rừng làm rẫy. Trên rẫy thường trồng lúa, bắp, khoai, bầu, mướp, dưa, thuốc lá, và các cây ăn trái… Công cụ để phát rẫy gồm có: chà gạc (tagak), rựa (amard), rìu (jok). Rựa, chà gạc dùng để phát quang bụi rậm, chặt cây nhỏ. Dùng rìu để đốn cây to. Người Raglai canh tác rẫy bằng hình thức xen canh với nhiều loại cây trồng khác nhau, gồm các loại cây lương thực, thực phẩm, cây ăn trái…, nhưng trong đó chủ yếu là cây lúa và cây bắp.

< Băng qua một rào thấp, tiếp tục hành trình, con suối đầu tiên hiện ra. Nguồn nước mát lạnh, hóa giải phần nào cái nóng khô khốc khó chịu, tranh thủ thôi...

Để trỉa bắp, lúa, đậu…, người Raglai đeo gùi nhỏ hoặc ống (ding tijug) đựng hạt. Một tay cầm gậy (aniq) chọc lỗ, tay còn lại trỉa hạt và dùng chân lấp lỗ đã trỉa xong. Ngoài trỉa bắp, lúa, đậu, bầu, bí, mướp các loại, người Raglai còn trồng khoai mì, khoai mỡ, khoai môn, khoai lang, sắn, đu đủ, chuối… trên đất rẫy. Họ dẫy cỏ rẫy bằng “aniq”, quéo (wak) và len (là cuốc nhỏ mới sử dụng gần đây) và thu hoạch lúa, bắp bằng tay. Để bảo vệ mùa màng, người Raglai đã chế tạo ra nhiều loại công cụ đánh động phát ra âm thanh dùng bằng sức người, sức gió, sức nước hoặc làm hình nộm (bù nhìn), đặt bẩy đón đường vào rẫy của các loại thú, chim…

< Tạm biệt khoảng ruộng lúa nhỏ bé của đồng bào! Thật là "nhí nhảnh" quá đi! cười "vu vơ" quá đó nhe, làm người ta sợ mà!?

Săn bắn, hái lượm và các nghề thủ công (chủ yếu là nghề đan lát và nghề rèn) giữ vai trò quan trọng trong mỗi gia đình. Với tre nứa, sợi mây, người Raglai đã chế tạo ra dụng cụ sinh hoạt, công cụ sản xuất, vũ khí…. Sản phẩm thủ công tiêu biểu nhất của nghề đan lát người Raglai là chiếc gùi, vật dùng luôn gắn bó mật thiết với cộng đồng cư dân, vốn đã quen sống “du canh, du cư” trước đây. Nghề rèn sắt cũng được phát triển và khá phổ biến. Mỗi làng Raglai đều có lò rèn hoạt động và đã chế tạo nhiều công cụ như: rìu, rựa, chà gạc, quéo, liềm, dao, mác, đầu mũi tên, len (cuốc nhỏ)… phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nương rẫy và khai thác tài nguyên rừng là chính. Chăn nuôi phổ biến với các đàn gia súc, gia cầm, gồm trâu, bò, heo, gà, vịt… Ngày nay cư dân đã biết làm cả ruộng nước."

< Rừng khô hạn, đúng nghĩa!
Theo thời gian khoảng cách giữa các nhóm giãn ra theo tốc độ đi, do bận chút "việc riêng" mình đã đi một mình khoảng 1-2 km cho đến khi gặp một nhóm đang ngồi nghỉ giữa đường, lối mòn dẫn đến một con suối lớn, quan cảnh đẹp. Đồng hồ lúc này khoảng 11h.
Nghỉ lâu ảnh hưởng đến lịch trình vì phải hạ trại ở cao độ 800m, 15 phút sau nhóm lại lên đường.
< Đoạn đường này phải vượt một cái dốc rất cao, kiểu rừng thay đổi với cây thân gỗ cao to, bằng lăng xuất hiện nhiều hơn.
< Cao độ lúc này vào khoảng 400-500m, một bình nguyên hiện ra, xen lẫn giữa rừng với tán cây to là những trảng cỏ tranh, gần đến chỗ nghỉ trưa.
Qua khỏi đám rừng này một quãng, xuống dốc sẽ là con suối nhỏ, lấy thêm nước, ăn trưa. Điệp - Võ sĩ - kiểm lâm - người nhái, lặng lẽ một góc
suối vắng. Đầu bên kia, 2 đồng bọn dam dang nhất 442 bằng đầu nổi lửa bếp.
Bên dòng suối mát, chúng tôi quăng những đôi giày lăn lóc cho nghỉ ngơi sau đoạn đường đầy nhọc nhằn, cùng nhúng đôi chân trần ngập trong dòng nước mát rượi, hơi nước làm dịu đi sự mỏi mệt, nóng bức, xóa tan mọi nếp nhăn ẩn trên những khuôn mặt đỏ bừng vì nắng gió …

Những nụ cười nở rộ, tiếng cười lan ra theo dòng suối nhỏ dẫn đi khắp nơi . Bất chợt tiếng đàn ghita vang lên, mọi người hòa chung tiếng hát cất lên những bản tình ca mê say. Những chiếc lá rì rào hòa theo cùng giọng hát... Ở nơi nào trên cao kia, mây gió cũng cười vui, những lộc non cũng muốn nhảy múa theo điệu nhạc…

Đó là 1 bức tranh đẹp biết hát, tô điểm cho 1 ngày trời xanh nắng vàng chúng tôi đã đến chung vui với đất trời!

< Những đôi chân mang niềm đam mê chạy nhảy, yêu những con đường, những khu rừng và những ngọn núi cao...

Dưới bóng cây duy nhất trên trảng cỏ mênh mông, chúng tôi ngồi nghỉ chân trước khi tiếp tục hành trình của mình. Ngọn gió nhẹ mơn man lướt qua làm dịu hơi nóng trên những khuôn mặt đỏ bừng.

Cánh chim phượng hoàng vội bay vút đi để lại niềm ngẩn ngơ vì chưa kịp ngắm nhìn trọn vẹn. Tôi cảm thấy rõ 1 điều, nắng ở đây không bỏng rát như nắng ở Sài gòn, không làm mọi người nhăn nhó khó chịu và cũng không làm ai chùn bước. Dưới cùng 1 bầu trời, nắng và gió cũng khác nhau ở nơi này và nơi khác. Có thể gọi đó là nắng vàng và gió bạc, mà rừng xanh là 1 ngôi nhà hạnh phúc mát dịu.

Đến một ngọn đồi cao chót vót, chúng tôi phải đi lên, vượt qua ngọn đồi này mới đến được con đường tiếp theo. Có nỗi sợ hãi nhen nhúm trong lòng tôi, tôi tưởng tượng ra sự mệt mỏi, cần gắng sức bao nhiêu mới có thể leo qua ngọn đồi này… đó là 1 quyết định khó khăn. Nhưng sự thật khi đã đứng vững trên đôi chân của mình, ngay lưng chừng vách núi vẫn cảm thấy thật bình an. Tất cả đã đi qua thật dễ dàng, không chút mỏi mệt, quay người nhìn xuống thung lũng đầy cỏ xanh, rừng già bao quanh, viền thêm 1 vòng tròn những gốc cây xơ xác vì nắng gió, nhưng cỏ vẫn xanh xen lẫn sắc vàng nhẹ điểm tô cho sắc màu rừng hoang thêm đậm nét, thật êm và mềm mại. Nếu đứng yên bạn sẽ nghe thấy nhịp đập của trái tim mình đang reo vui rộn rã!

Còn tiếp...

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10

Theo forum Phuot.com