(LĐO) - Đơn Dương được nhắc đến nhiều nhất có lẽ là huyện nông thôn mới đầu tiên, là vựa rau thương phẩm lớn nhất tỉnh Lâm Đồng. Nhưng có lẽ, cảnh quan những vùng đất, tấm lòng mỗi con người, nét kiến trúc và bản sắc các dân tộc… khiến Đơn Dương là điểm đến hấp dẫn du khách theo một cách riêng, vì độc đáo và khác biệt…

Pró đẹp như tranh vẽ

Bài 1: Pró - mùa đẹp như tranh vẽ

Chúng tôi đã có 2 ngày khám phá Pró với cảm giác lưu luyến về một vùng quê phong cảnh hữu tình, thiên nhiên trong lành, đất đai màu mỡ và người dân thiện lành…

Pró nằm ở phía Nam huyện Đơn Dương, trên vùng thượng lưu sông Ma Nới, có địa hình không đồng nhất, bị chia cắt mạnh bởi các hợp thuỷ và sông, suối, tạo nên nhiều loại địa hình, như: núi cao, đồi thấp, đồng trũng… Những đặc điểm tự nhiên ấy tạo cho Pró những khung cảnh ấn tượng bởi những cánh đồng lúa xen kẽ với các ruộng củ năng, hay những vườn rau xanh, đồi trồng cam quýt…

Dã quỳ ở Pró

Ngày đầu tiên ở Pró, chúng tôi chinh phục ngọn núi Mò Pơr P’liêng ở độ cao 1.354 m. Mò Pơr P’liêng được truyền thuyết kể là chị em của núi Lang Biang, vì tình thân chia cắt mà mỗi người mỗi nơi, nhưng yêu thương và giận hờn không làm họ thôi nghĩ về nhau, mà sự mong ngóng bồi đắp nên đỉnh núi cao và có vẻ xa ngái…

Trên đỉnh núi Mò Pơr P’liêng

Hành trình leo núi Mò Pơr P’liêng là những trải nghiệm khó quên về sự mê hoặc của những cánh đồng lúa đang chín vàng, thơm ngan ngát; cánh rừng thông xào xạc mát rượi; khu rừng già hoang sơ còn những cây cổ thụ vươn cao, toả bóng… Để rồi, vượt qua 8 km, phần thưởng cho người về đích là được ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên vô cùng hùng vĩ và hữu tình; tận hưởng không khí trong lành của thiên nhiên, với nắng, gió mênh mang…

Đêm trên Đồi Pró Coffee & Camping, quây quần cùng bạn bè bên bếp lửa với bữa tiệc nướng thơm lừng do chính những người nông dân vùng lúa Pró nêm nếm, chế biến; cụng ly vang trái cây bản địa của người dân tự ủ; lăn qua, đảo lại củ khoai, trái bắp được chăm trồng trên chính mảnh đất Pró…, cảm xúc khi thưởng thức còn hơn những bữa tiệc BBQ ở các khu resort thơ mộng…

Trồng hoa cúc tại xã Pró

Một ngày mới mở ra trong màn sương sớm bảng lảng trên ruộng lúa đang chín vàng, hít hà ly cà phê nóng hổi bốc khói như hoà cùng mây, rồi la đà sang nhà hàng của bác nông dân chính hiệu… Mặt trời dần lên, chọn một chiếc xe đạp hợp với mình là nhập đoàn chu du Pró cùng bà con trên những con đường làng quanh co, qua các ruộng lúa ở độ chín vàng, ruộng năng đang kỳ thu hoạch, đâu đó là những khoảnh rau xanh, luống cà chua hường đỏ, thỉnh thoảng gặp một con lạch dẫn nước quanh ruộng đồng… Từng chút, từng chút cảm nhận trên hành trình thong dong ấy như từng nét vẽ vào một bức tranh tuyệt sắc! 

Những chiếc xe đạp lại rong ruổi qua đập Pró ngắm cảnh hồ xanh ngắt, dung tích hơn 3 triệu m3 nước, đủ nước tưới tiêu cho hơn 500 ha đất nông nghiệp, kết hợp nuôi cá, là điểm giải trí cho du khách và người dân. Ngay sát hồ thuỷ lợi Pró, là mô hình Làng Văn hóa Pró - địa chỉ bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc Churu, gồm 5 ngôi nhà gỗ được phỏng theo mô hình nhà ở của đồng bào Churu nằm trên ngọn đồi thông thoai thoải diện tích 1,2 ha, có cảnh sắc xinh xắn, yên bình…

Mô hình Làng Văn hóa Pró trưng bày các loại nông cụ (cày, bừa, cuốc, xẻng…), vật dụng phục vụ đời sống (gùi, cối, dụng cụ săn bắt, hái lượm)…, nhạc cụ truyền thống (chiêng, trống, tù và, khèn...), hiện vật sinh hoạt tín ngưỡng (trong lễ cưới, lễ tang, lễ hội…), trang phục, trang sức, các sản phẩm làng nghề của người Churu (nhẫn bạc, đồ gốm, rượu cần...),… Làng Văn hóa Pró còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hoá của cộng đồng các dân tộc của huyện Đơn Dương…

Pró mùa lúa chín

Vườn cam, vườn quýt, vườn dâu… phù hợp với thổ nhưỡng phát triển trên địa bàn xã Pró. Bên cạnh đó, Pró còn có làng gốm Krăng Gọ đang là địa chỉ đỏ của làng nghề truyền thống gần như là duy nhất mang tính di sản cả về chất liệu và cách tạo hình, phương thức nung… Vì vậy, dù đã lang thang ở Pró 2 ngày, nhưng cảm thấy như thế là vội vã quá, vì chưa kịp tha thẩn với những bông lúa vàng, hít hà mùi rạ mới, nghịch những hạt lúa vừa được tuốt ra; thong thả la cà vườn dâu, vườn cam, vườn quýt… tự tay hái những trái chín mọng, tươi sạch thưởng thức ngay tại vườn… 

Nhưng, chỉ còn ít ngày nữa, Pró sẽ không còn là đơn vị hành chính của huyện Đơn Dương. 87,84 km2 diện tích tự nhiên, dân số 7.300 người, với 60,88% là người dân tộc thiểu số Pró trở thành một phần của xã anh hùng Quảng Lập, để phát triển hiện đại và xứng tầm, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước… 

Dù vậy, Pró sau 35 năm phát triển, với những đặc điểm đặc biệt và đặc sắc sẽ góp phần cùng xã Quảng Lập trở thành điểm đến hấp dẫn của Đơn Dương tươi đẹp!

Đơn Dương tươi đẹp (Bài 2)

Theo Nhật Quân (Lâm Đồng online)

Du lịch, GO!