(BCB) - Trải qua bao thăng trầm của thời gian, nghề đan nón chúp xà được người dân xóm Hoàng Diệu, xã Tự Do (Quảng Hòa) gìn giữ, bảo tồn, gây dựng thương hiệu và trở thành một trong những nghề truyền thống mang lại nguồn thu nhập cho người dân.

Nón chúp xà gắn liền với cuộc sống thường ngày của người Nùng An. Nón là vật dụng gần gũi, là người bạn đồng hành cùng người dân trong lao động, sinh hoạt. Nón dùng để che nắng, che mưa, nón theo người nông dân ra đồng, theo người phụ nữ làm duyên, làm đẹp hay thân thương và gần gũi hơn chính là những cơn gió mát bà dùng để quạt đưa cháu vào giấc ngủ.

Bên cạnh đó, nón chúp xà ngày nay còn được sử dụng như một món đồ trang trí nghệ thuật, xuất hiện trong những buổi triển lãm, đạo cụ nghệ thuật trong các tiết mục hát, múa duyên dáng hay các ý tưởng thiết kế đầy tính sáng tạo. Đặc biệt, nón chúp xà được xem là quà tặng tinh tế, ấn tượng, giản dị, tiện dụng nhưng vẫn mang đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc cho du khách đến tham quan, trải nghiệm miền non nước Cao Bằng.

Xóm Hoàng Diệu có 112 hộ, 506 nhân khẩu. Tháng 5/2023, cùng với sự chung tay, hỗ trợ của các ban, ngành, 22 hộ dân thành lập Tổ hợp tác sản xuất nón lá (chúp xà) Hoàng Diệu. Đến nay, số hộ tham gia Tổ hợp tác tăng lên 34 hộ. 

Không ai còn nhớ nghề làm nón chúp xà tại xóm Hoàng Diệu có từ bao giờ. Chỉ biết rằng thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, truyền nối cho nhau cách đan nón chúp xà. Bà Hoàng Thị Đẹp, xóm Hoàng Diệu chia sẻ: Ở xóm Hoàng Diệu ai cũng biết đan nón, bố, mẹ dạy cho con rồi con dạy lại cho cháu. Dẫu bao đổi thay trong cuộc sống, các thế hệ người dân nơi đây vẫn âm thầm “giữ lửa” cho nghề. Người dân quan niệm, giữ nghề là giữ nét văn hóa quê hương.

Để làm ra một chiếc nón hoàn chỉnh cần trải qua nhiều công đoạn và mất nhiều thời gian. Nguyên liệu để làm nón thường là thân mạy thành, mạy mè, lá cây mạy mười, lá chuối… Chiếc nón tuy đơn giản nhưng để hoàn thiện phải trải qua rất nhiều công đoạn cầu kỳ. Bắt đầu từ khâu chuẩn bị nguyên liệu cho đến khi hoàn thiện thành phẩm một chiếc nón chúp xà trải qua 3 công đoạn chính là tạo khung, tạo lớp lót giữa và cố định nón. 

Đầu tiên là lớp khung, lớp khung nón gồm có 2 phần là khung trên và khung dưới. Khung trên của nón, thường được làm từ thân cây mạy thàn, lớp dưới được làm từ thân cây mạy mè. Tùy vào kích thước của chiếc nón, thông thường với chiếc nón chúp xà có đường kính 30 cm, lớp mạy thàn được chẻ với độ dài từ 40 - 50 cm. Gồm có 56 thanh dày rộng 1cm đã được vót mỏng.

Lớp mạy thàn được đan sít nhau, mỗi thanh mạy thàn đan cách nhau từ 3 - 5 cm, tạo thành những hình quả trám, mắt cáo nhỏ, đều và đẹp mắt. Khi đan đến những vòng cuối, mạy thàn được uốn chồng lên nhau tạo thành hình tròn vành nón gọi là khoằn trúc. 

Lớp mạy mè sẽ có kích thước nhỏ hơn. Thông thường với chiếc nón chúp xà có đường kính 30 cm, lớp mạy mè được chẻ với độ dài từ 30 - 40 cm, gồm có 32 thanh. Lớp mạy mè không cần phải đan quá sít vào nhau, thường thì các thanh được đan cách nhau từ 5 - 10 cm, tạo thành những hình quả trám, mắt cáo to, nắm đấm trẻ con có thể luồn qua được lớp mạy mè. Khi đan đến những vòng cuối, mạy mè được uốn chồng lên nhau tạo thành vành nón. 

Lớp giữa mạy thàn và mạy mè chính là lớp lá lót, làm từ lá của cây mạy mười và lá chuối khô. Lá của cây mạy mười và lá chuối sau khi hái về phải được phơi khô bởi nắng. Sau đó tùy vào kích thước của nón sẽ được cắt tỉa, sắp xếp sao cho kín hết phần khung nón. Thường sẽ là 2 lớp lá mạy mười kẹp giữa 1 lớp lá chuối khô. 

Lớp lá ở giữa sau khi đã được sắp xếp, nén chặt và cố định bởi hai lớp khung sẽ cần đến một công đoạn cuối cùng, đó là “Slam theo”. Slam trong tiếng dân tộc của người Nùng nghĩa là ba, theo nghĩa là que. Slam theo là 3 que dài đã được vót tròn, dài từ 100 - 150 cm. Được quấn quanh vành nón, cố định hai phần khung của nón và lớp lót ở giữa lại với nhau. 

Trong các công đoạn để tạo nên chiếc nón lá chúp xà thì công đoạn chẻ thân của các cây mạy thàn, mạy mè là khó và kỳ công nhất. Chẻ mỏng hay dày phụ thuộc vào độ khéo léo, tay nghề của người thợ. Khâu này rất quan trọng, kỳ công bởi nó quyết định đến chất lượng, độ bền, đẹp của chiếc nón. Các cây mạy thàn, mạy mè khi lấy về yêu cầu phải còn tươi để chẻ thành những lạt dây có độ dai nhưng vững chắc. Cây khô sẽ không thể uốn sợi lạt chẻ, dễ gãy, đứt vụn không tạo thành thanh dài. Nếu để lâu, các ống thân cây phải ngâm trong nước hoặc đổ đầy nước để chất gỗ của cây không bị khô, xơ. 

Chị Hoàng Thị Bay, xóm Hoàng Diệu chia sẻ: Tôi học và biết đan nón chúp xà từ bà và mẹ tôi. Tôi bắt đầu học đan nón chúp xà từ năm 15 tuổi, đến nay đã trên 30 năm. Mỗi ngày, một người thợ lành nghề chỉ làm được 2 chiếc nón chúp xà. Chính bởi sự tỉ mỉ, kỳ công để tạo nên chiếc nón chúp xà nên chiếc nón có độ bền, giá trị sử dụng lâu. 

Để làng nghề truyền thống được gìn giữ và ngày càng phát triển, người dân cần sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương về vốn, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đầu ra thường xuyên cho sản phẩm, giúp tăng thu nhập, yên tâm ổn định sản xuất.  

Theo Thủy Tiên (Cao Bằng online)

Du lịch, GO!