(NLĐO) - Vào thời khắc giao thừa, khi ngọn lửa được lấy từ trong ngôi đình cổ ở Thanh Hóa ra châm vào bó đuốc lớn hình đầu rồng bùng cháy, người dân sẽ rước lửa mang về nhà dâng lên tổ tiên để cầu may mắn.

Phong tục rước lửa cầu may mắn trong đêm giao thừa tại làng Động Bồng (xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa)

Làng Động Bồng, xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa là một ngôi làng lâu đời nằm ven sông Hoạt. Nơi đây có đình làng Động Bồng được xây dựng dưới thời vua Gia Long thứ 10 (1812) có quy mô lớn, bề thế trên đất Thanh Hóa, thờ thành hoàng Tô Hiến Thành. Vùng đất này gắn liền với nhiều phong tục lễ hội, nét văn hóa độc đáo, trong đó có tục làm lễ rước lửa cầu may mắn trong đêm giao thừa.

Đình Động Bồng, ngôi đền thiêng thờ thành hoàng Tô Hiến Thành là nơi diễn ra các nghi lễ rước lửa lấy may trong thời khắc giao thừa

Theo các cụ cao niên truyền lại rằng phong tục đốt Đình Liệu (đốt lửa) ở đình Động Bồng đã có từ xa xưa và được truyền nối lại cho tới tận ngày nay. Phong tục này gắn liền với tín ngưỡng thờ thần mặt trời, cầu ánh sáng của cư dân trồng lúa nước giúp cho cây trồng tươi tốt, con người và vật nuôi sinh sôi nảy nở với ước vọng trị thủy nhằm hạn chế sức mạnh và sự tàn phá của lũ lụt đối với con người.

Các cụ cao niên trong làng làm bó đuốc lớn để thực hiện nghi thức đốt lửa, cho người dân rước lửa

Theo ông Bùi Văn Lô (78 tuổi), trưởng ban nghi lễ rước lửa làng Động Bồng cho biết cứ vào tháng chạp hàng năm, dân trong làng lại cử thanh niên trai tráng là những người khỏe mạnh, nhanh nhẹn lên khu vực núi cao của xã để chặt cây làm nguyên liệu (cây dễ cháy như tre, nứa, cành thông…) về kết thành cây đóm để thực hiện các nghi lễ rước lửa đêm giao thừa.

"Những cây đóm khi mang về sẽ được phơi khô rồi cho rồi xếp nối tiếp nhau thành một bó lớn có đường kính chừng 65 cm, chiều dài 25 m, tạo dáng giống như con rồng rồi đem đặt vào gian chính giữa tòa đại đình. Công việc này phải được hoàn thành sau ngày Tết ông Táo 23 tháng Chạp. Sau đó, làng sẽ cử thanh niên trai tráng thay nhau canh gác, không cho ai tới gần"- ông Lô chia sẻ.

Người dân trong làng Động Bồng thực hiện các nghi lễ kính cáo trời đất, thần linh

Rước lửa cầu may mắn, bình an

Tới chiều 30 Tết, cây đóm khổng lồ hình con rồng sẽ được di chuyển ra giữa sân đình. Khi con rồng được đưa tới vị trí đã định, mọi người trở về nhà làm lễ tất niên, sau đó trở lại đình và mang theo một bó đóm nhỏ chờ giao thừa đến.

Trước thời khắc giao thừa, người dân sẽ làm lễ, rước lửa từ khu đền trong núi về đình làng.

Trước khi tiến hành đốt Đình Liệu ở sân đình, dân làng tổ chức tế lễ, kính cáo trời đất, thần linh sông núi về dự lễ, tiếp đó trong hậu cung các cụ cao niên làm lễ tâu với thành hoàng xin ngài cho phép dân làng rước lửa đốt Đình Liệu đón chào năm mới.

Sau khi thực hiện các nghi lễ, đúng thời khắc giao thừa lửa sẽ được châm lên hình nộm con rồng để người dân xin lửa.

Khi tới thời khắc giao thừa "chia tay cũ, chào đón năm mới", ngọn lửa được cao niên trong làng rước ra từ hậu cung rồi châm vào phần đầu rồng. Con rồng "khổng lồ" phút chốc bùng cháy tạo thành ngọn đuốc rực sáng.

Lúc này, người dân trong mang bó đuốc, bó hương tới rước lửa mang về nhà. Các gia đình sau đó lấy lửa này thắp hương để cáo tế với thổ công, gia tiên và sau đó nhóm bếp làm đồ cúng đầu năm và giữ lửa trong suốt những ngày Tết.

Dân làng sẽ dùng các ngọn đuốc nhỏ chuẩn bị sẵn để rồi lấy lửa rước về nhà

Kể từ lúc giao thừa đến lễ hạ nêu (mùng 7 tết), những người trông coi đình và mỗi gia đình phải giữ ngọn lửa thiêng cẩn thận, không bị tắt. Họ tin rằng lửa có màu đỏ gắn với sự may mắn, giữ được ngọn lửa luôn cháy sáng thì người theo nghiệp khoa cử sẽ thông minh đỗ đạt, nhà nông làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu, dân khang vật thịnh.

Các gia đình dùng lửa này thắp hương để báo cáo gia tiên, nhóm bếp làm đồ cúng đầu năm

Bà Phan Thị Lan, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hà Trung cho biết phong tục đốt Đình Liệu, rước lửa mang về nhà là phong tục truyền thống không thể thiếu được trong thời khắc giao thừa, là một nét đẹp trong đời sống văn hóa của người dân địa phương với mong muốn cầu bình an may mắn, công việc hanh thông, mùa màng bội thu.

"Phong tục này trước đây đã từng gián đoạn do chiến tranh loạn lạc, tuy nhiên nhiều năm trở lại đây nó đã được phục dựng và trở thành nét văn hóa độc đáo, là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân làng Động Bồng"- bà Lan chia sẻ.

Theo Tuấn Minh (Người Lao Động)

Du lịch, GO!

Tục xin lửa đêm 30 Tết ở làng biển Cảnh Dương