(BHG) - Nằm ngay dưới chân Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, xã Lũng Cú (Đồng Văn) làng Mông Thèn Pả còn giữ được hầu như nguyên vẹn nhiều nét truyền thống của người Mông như nếp sinh hoạt, nhà trình tường với mái ngói âm dương… Ngôi làng hàng trăm năm nay nằm lặng lẽ bên cạnh hồ mắt Rồng, trở thành điểm đến lý tưởng cho những du khách yêu thích sự bình yên, gạt bỏ mọi xô bồ, lo toan của cuộc sống.

Từ Cột cờ Quốc gia Lũng Cú nhìn xuống, ngôi làng Thèn Pả hiện ra thơ mộng, bình yên, lọt thỏm giữa những triền đá tai mèo sắc nhọn. Làng Thèn Pả là 1 nhóm nhỏ, với 11 hộ dân họ Vàng, đều là anh em trong một đại gia đình đã sinh sống cùng nhau từ lâu đời, thuộc thôn Thèn Pả, xã Lũng Cú. Thèn Pả theo tiếng địa phương có nghĩa là “cánh đồng lớn”. Bởi vậy, Thèn Pả là cánh đồng trải rộng mênh mông, bằng phẳng hiếm có trên Cao nguyên đá.

Dưới chân núi Rồng có 2 hồ nước ngọt được người dân địa phương gọi là mắt Rồng. Nước ở hồ quanh năm không bao giờ cạn. Nếu du khách đã rất quen thuộc với làng Lô Lô Chải mang những nét đặc trưng của đồng bào dân tộc Lô Lô thì làng Thèn Pả mang dấu ấn đặc trưng của đồng bào Mông. 2 ngôi làng, 2 nền văn hóa của 2 dân tộc nằm cạnh 2 hồ mắt Rồng tạo nên dấu ấn vô cùng đặc biệt. Điều đặc biệt nhất ở đây chính là sự bình yên hiếm có. Đã có du khách nhận xét rằng: “Ở Thèn Pả, người dân được đánh thức bởi ánh nắng mặt trời, tiếng gà gáy báo hiệu ngày mới chứ không phải tiếng còi xe đông đúc như ở nơi đô thị”.

Theo lãnh đạo xã Lũng Cú cho biết, toàn bộ thôn Thèn Pả nằm trong khu vực vành đai Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, bởi vậy, các ngôi nhà đều được tu sửa đảm bảo giữ nguyên giá trị văn hóa truyền thống. Từ năm 2021, nhiều gia đình đã sửa sang lại nhà kết hợp làm homestay phục vụ khách du lịch. Đặc biệt, có nhiều hộ xây dựng các khu bungalow theo kiến trúc dân tộc Mông để đón khách.

11 hộ trong làng, hiện có 5 hộ đã tham gia làm du lịch cộng đồng. Trong đó, có 3 hộ trực tiếp nấu rượu, làm vải lanh, nấu mèn mén. Du khách đến đây sẽ được tận mắt trải nghiệm hoạt động nấu rượu ngô, rượu Dong giềng và làm mèn mén. Đặc biệt, làng đã thành lập Ban quản lý để thu mua và kiểm soát chất lượng các sản phẩm mà bà con làm ra, đồng thời giúp phân phối, tiêu thụ sản phẩm.

Gia đình anh Vàng Sính Lùng là một trong những hộ đi đầu trong việc dựng các căn bungalow làm du lịch cộng đồng tại thôn Thèn Pả. Hiện, gia đình anh đã có 1 nhà cộng đồng với sức chứa 10 người và 8 căn bungalow. Khu nghỉ của gia đình anh Lùng mới đi vào hoạt động được khoảng 3 tháng. Anh Lùng cho biết: Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất “thiêng”, nơi đây lại được thiên nhiên ưu ái cho khí hậu, cảnh đẹp vô cùng thích hợp để phát triển du lịch.

Đặc biệt, nhận thấy việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống là nhiệm vụ và trách nhiệm của thế hệ đi sau, bởi thế, sau khi tỉnh, huyện có những chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, gia đình tôi và các họ trong làng đã mạnh dạn cải tạo lại nhà cũ. Bởi nằm trong khu vực được bảo tồn nên các hộ cải tạo nhưng vẫn giữ đúng bản sắc văn hóa truyền thống, sử dụng vật liệu thân thiện. Được biết, sau khi đi vào hoạt động, hiện gia đình anh Lùng có thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. Chủ yếu là khách nước ngoài yêu thích trải nghiệm các hoạt động văn hóa của bà con dân tộc nơi đây.

Có thể thấy được, nhiều ngôi làng trên Cao nguyên đá nhờ sự nhạy bén trong tư duy làm du lịch của người dân và được cấp ủy, chính quyền địa phương định hướng, đến nay đã có thành tựu nhất định, trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách. Với làng Thèn Pả, mặc dù mới đi vào hoạt động, tuy nhiên, theo đánh giá, làng vẫn đang đảm bảo giữ gìn, phát huy được giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Đây là tiền đề để có thể mang lại giá trị kinh tế, đồng thời phát triển du lịch bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con nhân dân.

Theo My Ly (Báo Hà Giang)

Du lịch, GO!