(LĐO) - Đây là địa phương có nhiều công trình mang ý nghĩa lịch sử, trong đó có cặp thủy điện lâu đời nhất Việt Nam.

Nhiều tài liệu đang cho rằng nhà máy thủy điện Ankroet (thuỷ điện Suối Vàng, xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) là thuỷ điện lâu đời, được xây dựng sớm nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, qua nhiều tài liệu và sự cất công nghiên cứu của nhiều chuyên gia ngành điện, cặp thuỷ điện Tà Sa - Nà Ngàn (xã Bắc Hợp, Nguyên Bình, Cao Bằng) mới là những nhà máy thuỷ điện được xây dựng sớm nhất tại Việt Nam.

Những công nhân tại 2 nhà máy chia sẻ, thời gian trước, đường vào thuỷ điện chưa có nếu xuất phát từ thành phố Cao Bằng phải mất mấy tiếng đi bộ mới vào tới nơi.

Đường vào 2 nhà máy thuỷ điện hiện nay đang được nâng cấp, sửa chữa.

Theo Địa chí Đà Lạt, thủy điện Ankroet - "nhà máy thủy điện được khởi công vào tháng 10.1942 và khánh thành vào năm 1945, chính thức phát điện năm 1946".

Sau năm 1954, Tà Sa tan hoang bởi sự phá hoại của người Pháp. Đến năm 1956 Liên Xô đã giúp Việt Nam khôi phục lại hoạt của 2 nhà máy.

Mặt khác, các tài liệu nghiên cứu của ông Thái Phụng Nê - Nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng trước kia, hai nhà máy thủy điện lâu đời nhất Việt Nam mang tên Tà Sa, Nà Ngàn được xây dựng từ những năm 1927-1928 trong giai đoạn thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ hai.

Chưa dừng lại ở đó, năm 1979, chiến tranh biên giới nổ ra, một lần nữa Tà Sa lại hoang tàn đổ nát bởi bom đạn quân xâm lược.

Cuối tháng 5, trời nắng như đổ lửa, men theo hơn 30 km đường Quốc lộ (QL) 34 trập trùng đồi núi, PV có mặt tại nhà máy thuỷ điện Tà Sa.

Bước ra khỏi cuộc chiến, bằng sức lực nội tại, ngành điện đã vực dậy, khôi phục hoạt động của các nhà máy. Bên trong nhà sản xuất (thuỷ điện Tà Sa), 3 hệ thống tuabin vẫn miệt mài ngày đêm phát điện.

Từ QL34, cần đi qua một đoạn đường đất nhỏ, gồ ghề đá núi dài chừng 10 km mới tới được thuỷ điện Tà Sa. Nhìn từ ngoài, nhà máy chỉ nằm gọn lỏn trong một khu đất chừng 500 m2 với tường bao xung quanh. Trên cổng vào, dòng chữ "Thuỷ điện Tà Sa" màu đỏ chắc hẳn được sơn đi sơn lại hàng trăm lần như một minh chứng cho sự lâu đời của Tà Sa.

Do thường xuyên bị bom đạn đánh phá nên đến nay những bức tường lô cốt vẫn còn sót lại. “Tường xây từ 2 lớp đá dày, ở giữa nhồi cát, đất để ngăn cản sức công phá của bom của quân thù“- Quản lý nhà máy Nông Ngọc Châu chia sẻ.

Anh Nông Ngọc Châu - người có thâm niên hơn 20 năm công tác tại nhà máy thuỷ điện, đồng thời cũng là người quản lý chung việc vận hành cặp nhà máy thuỷ điện Tà Sa, Nà Ngàn đã có những chia sẻ về lịch sử hình thành nhà máy.

Một lối đi lại được thiết kế để chống lại bom đạn trước kia.

Theo quản lý Châu, với những tài liệu mà anh tiếp cận được, thuỷ điện Tà Sa và Nà Ngàn được người Pháp đồng thời xây dựng vào khoảng những năm 1927-1928, thời điểm này cũng là khoảng thời gian thực dân Pháp thực hiện cuộc khai thác thuộc địa lần 2 tại Việt Nam.

Một trong những đập ngăn, lấy nước tạo dòng chảy dẫn về bể chứa của 2 thuỷ điện.

Thời điểm đó, Tà Sa, Nà Ngàn được xây dựng với mục đích duy nhất, tạo ra điện phục vụ việc tuyển và sơ chế quặng thô đào bới được từ mỏ thiếc Tĩnh Túc cách nhà máy chừng 30 km.

Những đường nước dẫn vào tuabin có độ cao vài chục mét.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Tà Sa đã hứng chịu nhiều tai ương chiến tranh. "Khi người Pháp rút đi, họ phá mọi thứ. Năm 1956, Liên Xô giúp nước ta xây dựng lại nhà máy, khôi phục lại những tuabin phát điện. Năm 1979, trong chiến tranh biên giới, Tà Sa lại một lần nữa bị phá hoại, chưa kể, trong các cuộc chiến tranh nhà máy không ít lần dính bom đạn đánh phá của quân thù" - giọng anh Châu trầm lại.

Công nhân căn chỉnh từng chi tiết nhỏ, đảm bảo việc vận hành diễn ra suôn sẻ.

Hứng chịu nhiều vết thương chiến tranh, nhưng đến nay, các tuabin tại 2 nhà máy này vẫn hoạt động bền bỉ ngày đêm, sản lượng điện bình quân hàng tháng xấp xỉ 200.000kWh, phục vụ việc sản xuất công nghiệp tỉnh Cao Bằng.

Thuỷ điện Nà Ngàn là một công trình hiếm hoi còn nguyên vẹn sau cuộc chiến tranh chống Mỹ và biên giới năm 1979. Tất cả máy móc, nhà xưởng đều được sự giúp đỡ từ Liên Xô.

Công nhân Hoàng Văn Thọ (thâm niên hơn 30 năm công tác tại thuỷ điện Nà Ngàn) bộc bạch: "Thời chúng tôi về công tác, đường đi còn chưa có, việc đi lại giữa 2 nhà máy, anh em toàn phải men theo máng nước (kênh dẫn nước về bể trên cao rồi chảy thẳng xuống giúp tuabin hoạt động)".

Tại đây có 2 tuabin vẫn hoạt động tốt từ 1956 cho đến nay.

"Vất vả là thế nhưng làm lâu dài, anh em đều thấy quen, thấy vui với công việc mình làm. Cả 2 nhà máy có 15 công nhân, chia đều 3 ca trực ngày đêm, tuabin ở Tà Sa, Nà Ngàn còn quay thì chúng tôi vẫn còn làm" - người công nhân hồ hởi kể.

Những thiết bị còn nguyên chữ cái Liên Xô.

Ngành Điện lực Việt Nam suốt quá trình hình thành và phát triển đến nay đã gần 100 năm, đi lên từ nhiều khó khăn nên những thành tựu hiện có rất đáng tự hào. Tuy nhiên, nhiều công trình, thuỷ, nhiệt điện chúng ta tiếp tục phát triển từ nền móng mà người Pháp tạo ra cũng mang lại những thành tựu khích lệ.

Dòng nước sau khi qua tuabin phát điện lại chảy ra suối để tưới tiêu cho các cánh đồng.

Với cặp thuỷ điện Tà Sa, Nà Ngàn, dù quy mô lẫn sản lượng điện không quá lớn nhưng với lịch sử chúng ta cần tôn trọng và bảo vệ. Đúng như chia sẻ của Nguyên Bộ trưởng Thái Phụng Nê: "Tiếp cận thận trọng, quan sát kỹ lưỡng và phải trung thành với lịch sử".

Theo An Trịnh (Lao Động)

Du lịch, GO!

Nét đẹp cổ kính của nhà máy thuỷ điện đầu tiên ở VN