(BKT) - Góp phần làm nên bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS Kon Tum, hòa quyện với những giai điệu cồng chiêng say mê trong lễ hội, có nhiều bài xoang lôi cuốn, quyến rũ. Ở các hội làng hay dịp vui trong phạm vi gia đình, điệu xoang say sưa, rộn rã; song lúc ma chay, đau ốm thì điệu xoang cũng chậm rãi, u buồn.

Trong căn sàn bếp nhỏ, nghệ nhân ưu tú Y Der ở làng Kon Sơ Tiu (xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà) vui hẳn lên khi được nhắc về điệu xoang của người Tơ Đrá vùng núi Ngọc Wang. Vừa nhẩn nha giãi bày, thi thoảng, bà còn nhiệt tình đứng dậy, say sưa minh họa bằng từng điệu tay, nhịp chân. Chỉ riêng bài xoang “mừng lúa mới” không dài, đã gói gọn nhiều động tác tạo hình, tạo dáng sinh động, phỏng theo các hoạt động thường ngày liên quan đến quá trình sản xuất, từ chặt cây phát rẫy, vỡ đất, tỉa hạt, đến làm cỏ, đuổi chim, tuốt lúa…

Theo bà Y Der, nét đặc sắc, riêng có trong điệu xoang của dân tộc Xơ Đăng và các DTTS anh em (Gié Triêng, Ba Na, Gia Rai…) vùng Bắc Tây Nguyên, chỉ có thể biết đến khi hòa nhịp bước cùng điệu cồng chiêng và được nhận ra, trước tiên, nhờ chính “lũ làng” của mình. Phải chăng, đó chính là hồn cốt chiêng xoang của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng; là cái tâm cái tình gửi gắm của mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc vào gốc văn hóa lâu đời mà trải qua bao nhiêu vui buồn, sướng khổ, đồng bào vẫn nguyện giữ gìn cho đến mai sau.

Còn nhớ những đêm trai gái trẻ già ở làng Ba Rgốc (xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy) tụ họp đông vui, miệt mài luyện tập để cùng nhau tổ chức lễ cầu an của người Gia Rai. Theo chị Y Tưng - một người yêu xoang ở đây, thì từ thuở xa xưa, Yàng đã sắp đặt cả rồi. Trong khi cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc (phổ biến với t’rưng, ting ning, trống cái, trống con…) là của con trai, đàn ông; thì múa xoang dành riêng cho phụ nữ, con gái. Vào lễ vào hội, cồng chiêng và xoang như anh như em, như đôi lứa yêu nhau không khi nào xa rời.

Không thể diễn tấu cồng chiêng và các nhạc cụ dân tộc mà không có xoang theo cùng, cũng như không thể tự dưng rủ nhau vào vòng múa xoang mà không có âm thanh cồng chiêng hòa quyện. Cho dù lúc buồn hay vui, hội lớn hay lễ nhỏ, cồng chiêng và xoang gắn bó không rời. Khi cồng chiêng được tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại, cũng chính là hàm chứa trong đó sự đóng góp âm thầm lặng lẽ của những điệu xoang giản dị mà mê say, đơn sơ mà độc đáo.

Vậy nên, theo nghệ nhân Y Nhiên - người Triêng ở làng Đăk Răng (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi), từ thuở xa xưa, không phải nhà nào cũng có hẳn cả bộ cồng chiêng, nên đến khi đỡ được tấm chiêng (tuổi chừng mười hai, mười ba), con trai mới tập gõ thành tiếng. Con gái thì chỉ lên bảy, lên tám cũng có thể làm quen với nhịp xoang. Như đã nằm trong hơi thở từ khi mới được sinh ra, nên tập xoang không khó. Người múa xoang luôn giữ lưng thẳng, vai cân, trong khi đôi tay, đôi chân liên tục di chuyển nhịp nhàng, uyển chuyển. Đến lúc, chỉ cần nghe tiếng cồng chiêng là đã nhún nhảy đôi chân, xoay lắc đôi tay, thân hình đung đưa… thì thực sự xoang đã “ngấm” người.

Làm quen với xoang từ khi còn là những cô bé, trải qua thời gian cùng nhiều lễ hội, sự kiện văn hóa được tham dự, xoang của chị em cũng theo đó mà trở nên duyên dáng, chững chạc, mê say, quyến rũ hơn nhiều. Đã là con gái trong làng, dường như không ai là không biết xoang, nhưng được công nhận “xoang giỏi xoang hay” để có thể truyền dạy cho người khác thì chỉ vài người nổi bật. Tiếp bước các mẹ, các bà, các chị, các cô luôn miệt mài luyện rèn và chỉ dạy cho các cháu các con.    

Tự hào với nét đẹp cồng chiêng, múa xoang của dân tộc Ba Na, nghệ nhân Y Hanh ở làng Kon Klor (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) nhận ra rằng: Xoang đẹp, xoang hay là bài xoang có ý tưởng nổi bật, bố cục rõ ràng, các động tác phong phú, linh hoạt được diễn xướng đều nhau. Từ khuôn mẫu của những điệu xoang cổ, sau này, các mẹ, các chị còn sáng tạo thêm nhiều động tác mới, các điệu xoang mới, gắn với sinh hoạt, cuộc sống hằng ngày; góp phần làm phong phú, sinh động, hấp dẫn và tươi mới hơn các điệu xoang trong lễ hội, xoang trình diễn.

Gắn với nỗ lực đưa cồng chiêng xoang vào trường học, nhiều bài xoang chủ đề “đi học”, “vui đến trường”, “em chăm học bài”, “tình bạn”… đều là sự vận dụng linh hoạt các động tác nhịp nhàng, khỏe khoắn, mô phỏng các hoạt động ngồi học, học bài, vận động tay chân, thể dục giữa giờ, vui chơi trong sân trường…                                        

Theo Thanh Như (báo Kontum)

Du lịch, GO!