(Tiếp theo) - Mình xin nhắc lại: đây chả phải là chuyến phượt phẹc gì cả nha mà chỉ là một cuốc xe tìm về quá khứ. Phượt thì xin hẹn tầm gần tháng nữa, bọn mình sẽ lại đi.

Ta đã vào Bến Lức, thị trấn - lúc này đã 6h30.

Tới đâu rồi ta? À: Bến Lức. Theo Wiki thì Bến Lức huyện nằm phía đông bắc của tỉnh Long An, là cửa ngõ phía bắc của miền Tây Nam Bộ, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30 km về hướng tây nam và cách thành phố Tân An 15 km về hướng đông bắc, có vị trí địa lý:

- Phía bắc giáp các huyện Đức Hòa, Đức Huệ

- Phía đông giáp huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh

- Phía nam giáp các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ

- Phía tây giáp huyện Thủ Thừa.

Cổng chào TT Bến Lức (vị trí >). Rẽ sai đường nên dài thêm trăm mét, xá gì?

Theo thống kê năm 2019, huyện có diện tích 287,86 km², dân số là 181.660 người, mật độ dân số đạt 631 người/km².

Tấp vào nghỉ chân một chút.

Huyện Bến Lức là một địa bàn chiến lược về kinh tế và quân sự của thành phố Hồ Chí Minh. Quốc lộ 1 là trục giao thông chính của Quốc gia nối liền địa bàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với đồng bằng sông Cửu Long đi qua huyện Bến Lức, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, giao lưu văn hoá, tiếp cận nhanh chóng những thông tin mới nhất trong nước, hoà nhập với kinh tế thị trường, phát triển nhiều loại hình dịch vụ, hình thành các điểm trung chuyển hàng hoá giữa miền Tây lên Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại.

Phía trái chính là QL1A. né nó nhiều rồi chừ phải gặp chút chứ.

Tổng diện tích đất tự nhiên của huyện là 28.579 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 76,8%, đất ở (bao gồm đất đô thị và dân cư nông thôn) chiếm 2,4%, đất chuyên dùng 5,56%, đất chưa sử dụng 14,9%. Trên địa bàn huyện Bến Lức có 14 loại đất, chủ yếu là các loại đất phèn, đất phù sa...

Nhà thờ giáo xứ Bến Lức đây, cửa rộng mở.

Huyện Bến Lức có 15 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Bến Lức (huyện lỵ) và 14 xã: An Thạnh, Bình Đức, Long Hiệp, Lương Bình, Lương Hòa, Mỹ Yên, Nhựt Chánh, Phước Lợi, Tân Bửu, Tân Hòa, Thạnh Đức, Thạnh Hoà, Thạnh Lợi, Thanh Phú.

Lại đi, đường ni chỉ là QL1A thôi. Coopmart mé phải còn đóng cửa im ỉm vì mới có 6h45. Khi người ta 'bảnh' rồi thì có quyền mở cửa trễ theo giờ giấc, còn 'hẻo' quá có thể mở từ 5h sáng kia - Chốn đông dân lúc nào không có khách? BHX cũng thía, ngay chốn đắc địa phải 7h mới 'mời pà kon'.

Về lịch sử hình thành:

- Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược miền Nam, đặt phủ Gia Định, địa bàn Bến Lức nằm trong huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn của phủ này. Thời Minh Mạng, phần lớn diện tích của huyện Bến Lức ngày nay thuộc huyện Tân Long, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, một phần còn lại thuộc huyện Cửu An, phủ Tân An cùng tỉnh.

Bảng rời thị trấn nhưng ta vẫn trong huyện. Thị trấn đây là Bến Lức.

- Năm 1918, thực dân Pháp lập thành lập tỉnh Chợ Lớn, đất Bến Lức thuộc quận Gò Đen của tỉnh này. Quận Gò Đen còn có tên gọi khác là Trung Quận, phía cách mạng gọi là Trung Huyện.

Phía trước là cầu Bến Lức (vị trí >), có 2 cây - bên này chắc là cầu mới, bên kia cũ sửa lại.

- Ngày 22 tháng 10 năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành lập tỉnh Long An trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Chợ Lớn và Tân An. Lúc này, quận Gò Đen bị giải thể, ba tổng: Tân Phong Hạ, Long Hưng Thượng và Long Hưng Trung được sáp nhập vào tỉnh Gia Định, lập thành quận Bình Chánh; riêng tổng Long Hưng Hạ thuộc địa giới tỉnh Long An.

Qua cầu rồi là xã Nhựt Chánh, cũng thuộc huyện Bến Lức thôi.

- Ngày 24 tháng 4 năm 1957, thành lập quận Bến Lức thuộc tỉnh Long An từ tổng Long Hưng Hạ của quận Gò Đen vừa giải thể và một phần đất quận Thủ Thừa cắt sang. Quận Bến Lức gồm 2 tổng:

Cầu Ván 1, chắc hùi xửa hùi xưa nó là cầu ván thiệt, nay phải bê tông thứ dữ mới tải nổi.

+ Tổng Long Hưng Hạ có 8 xã: An Thạnh, Long Hiệp, Long Phú, Lương Hòa, Mỹ Yên, Phước Lợi, Tân Bửu, Thanh Hà

+ Tổng An Ninh Trung có 4 xã: Bình Chánh, Bình Đức, Bình Nhựt, Thạnh Lợi.

Quận lỵ đặt tại xã Long Phú.

Có một đoạn cả bên này lẫn bên kia đường bán đầy thứ này...

Bánh tráng trộn Long An, nhiều báo lăng xê cho là ngon 'nuốt lưỡi'. Chả biết nuốt được không chứ nuốt rùi làm sao ăn nữa cà?

- Sau năm 1975, Bến Lức là huyện thuộc tỉnh Long An, địa giới hành chính các xã cũng được điều chỉnh lại như sau:

+ Sáp nhập hai xã Tân Bửu và Thanh Hà thành xã Tân Thanh

+Sáp nhập hai xã Bình Chánh và Bình Nhựt thành xã Nhựt Chánh.

Huyện Bến Lức có 10 xã trực thuộc, bao gồm các xã: An Thạnh, Bình Đức, Long Hiệp, Long Phú, Lương Hòa, Mỹ Yên, Nhựt Chánh, Phước Lợi, Tân Thanh và Thành Lợi.

Quán cà phê Cây Gừa (vị trí >), độc đáo cái mái phủ toàn là cây nhưng bà xã chộp không kịp.

Nếu chụp đúng và đủ thì nó thía này đây.

- Ngày 11 tháng 3 năm 1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 54-CP[3]. Theo đó, sáp nhập huyện Thủ Thừa với huyện Bến Lức thành huyện Bến Thủ và đến ngày 14 tháng 1 năm 1983, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 05-HĐBT. Theo đó, chia lại huyện Bến Thủ thành 2 huyện: Bến Lức và Thủ Thừa.

Rồi ta đến một ngã 5: trái đi Tân Trụ 13km, trái thẳng là trung tâm TP Tân An 3km, phải thẳng là đi các tỉnh miền Tây, phải là Mỹ Lạc (Thủ Thừa 16km). Thủ Thừa có vài tên bạn nơi ni, cũng chả biết chỗ vì mấy chục năm rồi.

- Huyện Bến Lức bao gồm thị trấn Bến Lức và 13 xã: An Thạnh, Bình Đức, Long Hiệp, Lương Bình, Lương Hòa, Mỹ Yên, Nhựt Chánh, Phước Lợi, Tân Bửu, Thạnh Đức, Thạnh Hoà, Thạnh Lợi, Thanh Phú.

Người ta gọi đơn giản là Vòng xoay lớn Tân An (vị trí >). Kề cận đó là Nghĩa trang Liệt Sĩ và Tượng đào Chiến Thắng rộng lớn. Có thời gian ghé lại ngắm cảnh, đẹp lắm đó.

- Ngày 31 tháng 8 năm 1992, thành lập xã Tân Hòa trên cơ sở một phần diện tích, dân số của 2 xã: Tân Bửu và Lương Hòa.

Huyện Bến Lức có 1 thị trấn và 14 xã như hiện nay.

Mình hướng vào trung tâm TP Tân An.

- Ngày 29 tháng 3 năm 2010, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định 376/QĐ-BXD công nhận thị trấn Bến Lức là đô thị loại IV. Dự kiến năm 2025, Bến Lức sẽ lên thành phố Bến Lức và là đô thị loại II của tỉnh Long An.

Vượt cầu Tân An (vị trí >).

Dưới chân cầu bên kia là chợ đầu mối Phường 2, các chợ thường đóng đô ở vị trí này: có đường, có sông... thuận tiện vận chuyển hàng hoá.

Phát triển giao thông là một trong những chương trình đột phá được huyện Bến Lức tập trung triển khai thực hiện từ nhiều năm qua. Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, huyện đã huy động hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với hạ tầng xã hội. Điểm nổi bật đó chính là nâng chất đô thị thị trấn Bến Lức xứng tầm là trung tâm chính trị – kinh tế – xã hội của huyện... và như ta thấy, đường xá sạch đẹp phẳng phiu.

(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3

Điền Gia Dũng

Du lịch, GO!