(NHP) - Thị trấn Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh nằm trên QL 22, con đường từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Thành phố Tây Ninh, Campuchia. Nhiều người khi có dịp qua đây không thể không ghé quán trên đường ăn món bánh canh thịt heo luộc, bánh tráng phơi sương. Món ăn dân dã nhưng đặc biệt này rất hấp dẫn thực khách, có người ở xa cũng đến chỉ để thưởng thức món ăn này vì nó đã ngấm vào vị giác của họ từ lâu khiến nhớ nhung.

< Bánh tráng phơi sương, thịt heo nạc, bún với rau rừng.

Khác với các món ăn của nơi khác, ở Trảng Bàng quán bán bánh canh phải có bánh tráng phơi sương, nhiều loại rau được hái ở rừng, đặc biệt là thịt heo giống heo ta ít mỡ, thịt thơm, khi ăn miếng thịt ngọt thấm trên đầu lưỡi, thực khách rất thỏa mãn.

Nghề làm bánh tráng phơi sương ở Trảng Bàng, Tây Ninh đã có từ thế kỷ 18 do sáng kiến của người dân từ miền ngoài vào khai hoang lập ấp tạo nên. Từ một người khởi sự đầu tiên lan ra cả làng nhiều người làm theo. Dân cư phát triển, thị tứ hình thành và thương mại đã dẫn dắt người sản xuất vượt khỏi ngôi làng thôn giả ra cất quán xá bên vệ đường lớn để buôn bán mặt hàng do mình làm ra. Cứ thế, ngày nay ở thị trấn Trảng Bàng có khá nhiều quán ăn chuyên bán bánh canh, bánh tráng phơi sương này.

Để làm ra một chiếc bánh tráng phơi sương ngon thì quan trọng nhất là nguyên liệu. Phải là gạo mới, gạo ngon, không pha trộn. Gạo sau khi xay xong bỏ thêm một lượng muối vừa phải để tạo vị mặn cho bánh chứ không bỏ đường như cách làm bánh tráng thông thường.

Bánh tráng Trảng Bàng thường phải tráng hai lớp. Bánh vừa chín còn ướt sẽ phải đem ra ngoài nắng phơi cho khô để chuẩn bị cho công đoạn tiếp theo.

Nướng bánh là công đoạn quan trọng tạo nên màu sắc đặc trưng của bánh tráng phơi sương. Bánh sau khi phơi khô đem vào nướng ở một chiếc lò nướng đặc biệt được sử dụng nhiên liệu đốt bằng “vỏ đậu phộng”, điểm đặc biệt là bánh không được nướng quá chín, quá phồng, chỉ nướng sơ trên mặt lửa đến khi thấy bánh tráng nổi những hạt bong bóng nhỏ trên mặt và ngã sang màu trắng đục thì dừng lại.

Bánh tráng sau khi nướng xong được xếp lên giàn chờ đến hôm sau lúc sương xuống thì đem ra phơi, chỉ phơi bánh trong khoảng thời gian ngắn, phơi lâu bánh sẽ bị mềm, ẩm ướt, không ngon. Đây là công đoạn quyết định thành công của bánh tráng phơi sương, vì thế người làm bánh phải chịu khó, công phu. 

< Bánh tráng phơi sương cuốn thịt heo nạc, rau giá lên bàn tiệc.

Người phơi bánh phải “thức” cùng với bánh, đợi bánh vừa thấm sương đủ mềm là xếp lại ngay bỏ vào bao, lót lá chuối để giữ độ mềm, xốp của bánh.

Khi ăn, bánh được cuộn với rất nhiều thứ rau, giá để tăng thêm mùi vị. Cuộn một ít rau giá, thêm một vài lát thịt, chấm với nước mắm ớt chua ngọt. Món ăn dù dân dã nhưng khi đã thưởng thức thì không thể nào quên.

Thông thường các quán bán bánh tráng phơi sương cùng món bánh canh đi kèm. Món bánh canh Trảng Bàng cũng độc đáo không thua món bánh tráng phơi sương. Bánh canh Trảng Bàng cũng là thứ quà sáng quen thuộc của không riêng người sống ở Trảng Bàng.

< Bánh canh giò heo Trảng Bàng ở quán bán bánh tráng phơi sương.

Bánh canh Trảng Bàng sợi trắng, to, giòn, dai, nước dùng đậm đà thêm huyết heo, thịt chân giò heo luộc chín rất thơm ngon. Tô bánh canh không nhiều nhưng được cái ngon, cùng ăn với bánh tráng cuốn thịt nạc heo là vừa bụng thực khách với giá cả vừa phải.

Như những món ăn khác, khi nổi tiếng sẽ có người từ nơi khác học tập làm theo. Món bánh tráng phơi sương, bánh canh Trảng Bàng cũng vậy. Ngày nay, nhiều địa phương, nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh đã có quán bán bánh canh, bánh tráng phơi sương, lấy nguyên liệu từ “gốc” Trảng Bàng, thực khách không phải đi xa tận đất Trảng Tây Ninh như trước kia nữa.

Bài của bác Nguyễn Hải Phú gửi, trân trọng cảm ơn bác.

Du lịch, GO!