(HRV) - Bia Quốc Học nguyên bản là một kiến trúc tưởng niệm, có tên là Đài chiến sỹ trận vong, được xây dựng để tưởng niệm những binh sỹ người Pháp và người Việt ở các tỉnh Trung Kỳ đã tham chiến và tử trận trong Thế chiến thứ nhất (1914-1918). Nhưng do vị trí công trình toạ lạc trước cổng trường Quốc học nên người dân Huế lâu nay vẫn quen gọi là Bia Quốc học hay Bình phong trường Quốc học.

Bia Quốc Học tọa lạc giữa một ngoại cảnh thiên nhiên thơ mộng, nhất là dòng sông Hương trong xanh êm ả, giữa một không gian kiến trúc độc đáo. Trước mặt là cổng Trường Quốc Học cổ kính, phía xa xa sau lưng Bia, ở bờ bắc sông Hương là tòa Kinh thành rêu phong với Kỳ đài uy nghi, với Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu, Thương Bạc Đình hòa mình vào cây cỏ ven bờ, và xa hơn nữa là dãy núi vòng cung xanh biếc như bao quanh toàn cảnh. Hai bên là những hoa viên và thảm cỏ chạy dọc ven sông.

< Lễ khánh thành Bia Quốc học Huế, ngày 23/9/1920.

Xét về mặt cấu trúc, Bia Quốc Học có dạng bình phong hình cuốn thư được lồng vào giữa một cửa tam quan. Kiến trúc chính được đặt trên một tầng nền đài rộng có lan can bao quanh và lối lên 4 phía. Lan can được xây kiểu bổ trụ chắp hình hoa sen và viền gạch gốm men trang trí. Phía trước nền đài hai bên có hai trụ biểu cao khoảng 10m nhấn mạnh tính chất của không gian tưởng niệm.

Đài được xây bằng bê tông cốt thép và gạch, có 2 tầng đặt trên 1 bệ gồm 7 bậc. Tầng dưới kiểu tam quan, tầng trên thu lại ở giữa như một gác nhỏ. Hai tầng có 12 mái, lớp ngói ống tráng men màu. Các trang trí khá tinh xảo, kết hợp cả tô đắp, khảm sành sứ, vẽ hoa văn màu với nội dung, hình thức đậm phong cách cung đình huế như hình rồng, sen, chữ thọ, chữ vạn…; đề tài ngũ phúc, tứ thời…

Ở mặt trước đài là một “kim khánh” bằng đá đề tên và chức vụ trang trọng của 31 tử sỹ người Pháp; ở mặt sau ghi khắc tên họ và quê quán 78 tử sỹ người Việt ở các tỉnh Trung Kỳ (cho tới trước thời điểm trùng tu hiện tại vẫn có thể đọc được một số tên).

Nhìn chung, từ tổng thể kiến trúc đến chi tiết trang trí, từ vật liệu xây dựng đến hình ảnh biểu trưng, chúng đều là những gì quen thuộc thường thấy ở các công trình kiến trúc cổ ở Cố đô. Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, đây là đài tưởng niệm đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam.

Trải qua 100 năm xây dựng, công trình đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.

Trước tình hình đó, tháng 11/2016, UBND TP Huế quyết định trùng tu bia Quốc học và giao cho trung tâm Công viên cây xanh Huế làm chủ đầu tư với tổng giá trị tu bổ gần 3 tỷ đồng, hoàn thành trong 3 tháng.

Và từ đó: Đài chiến sỹ trận vong trở thành Bia Quốc học, hai mặt trước sau của bia đã bị quét vôi đè lên những hàng chữ ghi khắc nội dung, sau đó lúc kẻ khẩu hiệu, khi thì để trống. Không gian tưởng niệm nguyên thuỷ nhiều khi lại trở thành không gian lễ hội; mặt bia lại trở thành nơi trình chiếu, hiển thị thông tin cho sự kiện.

Theo Huongriver

Du lịch, GO!