(TNO) - Mảnh đất La Bằng (Đại Từ - Thái Nguyên) được thiên nhiên ưu ái ban tặng cảnh quan tươi đẹp, khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ. Nơi đây cũng giàu truyền thống văn hóa, lịch sử...

Nhiều người yêu thích khám phá đã biết đến suối Kẹm, một kiệt tác của thiên nhiên dưới chân dãy núi Tam Đảo hùng vĩ. Dòng nưới suối trong mát chảy quanh năm, dọc theo chiều dài xã, qua những ghềnh đá đủ các kích cỡ, hình hài, rồi đổ vào sông Công.

Suối Kẹm là một trong những điểm nhấn của Khu du lịch suối Tiên Sa có diện tích trên 1.000ha thuộc vườn Quốc gia Tam Đảo. Với đặc trưng là vùng rừng nhiệt đới, cây cối quanh năm xanh tốt, suối Tiên Sa có quần thể động thực vật phong phú, quý hiếm. Trong đó không thể không kể đến loài vật đã được ghi tên vào Sách đỏ Việt Nam, hiện còn sinh sống không nhiều trên lãnh thổ nước ta đó là cá cóc (hay còn gọi là tắc kè nước hay sa giông bụng hoa).

Càng khám phá, du khách sẽ càng bắt gặp nhiều loại thực vật quý hiếm như: Trò chỉ, gội... cổ thụ có tuổi hàng trăm năm với chiều cao từ 50 đến 60 mét, có những cây có đường kính từ 2 đến 3 mét.

Ngoài ra, ở đây còn có rất nhiều điểm tham quan lý thú như: Vực Thẳm, Bàn Cờ Tiên, Chuôm, Ngả Hai, Voi Rắt, Đá Hầm, Ba Luồng, Thác Trắng... Mỗi điểm lại có những nét đẹp riêng. Nếu như thác Trắng có chiều cao gần 100m, vào mùa hè nước dội từ trên cao xuống trắng xóa, ngày đêm ồn ào thì Đá Hầm là nơi du khách có thể đi dã ngoại và ngủ qua đêm trong những hầm đá yên tĩnh…

Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên đẹp, không khí nơi đây cũng mát mẻ, trong lành. Những ngày hè oi nóng, từng đoàn khách về đây chiêm ngưỡng, tắm suối, thưởng thức rau rừng, cá suối và nhâm nhi chén trà đặc sản của La Bằng.

Nhắc đến chè La bằng, những “tín đồ” chè Thái đều phải công nhận hương vị chè ở đây thơm, đượm đặc biệt. Người sành chè khi uống có thể dễ dàng phân biệt được chè La Bằng với chè ở những vùng khác. Có lẽ, chính khí hậu trong lành, mát mẻ, thổ nhưỡng phù hợp cùng với bàn tay chăm sóc, thu hái và kỹ thuật, kinh nghiệm sao, lấy hương đặc biệt đã tạo nên sản phẩm chè ngon nức tiếng.

La Bằng còn là mảnh đất an toàn khu trong kháng chiến, đã từng đùm bọc, chở che cán bộ và các cơ quan hoạt động cách mạng. La Bằng là “Nơi thành lập cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên năm 1936”, được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1999. Ngoài ra còn có 3 địa điểm di tích được xếp hạng cấp tỉnh khác là: Di tích Cục tình báo tại xóm Đồng Tiến; Di tích chòi Đầm Then tại xóm Đồng Đình, Di tích xưởng quân giới xóm Tân Sơn.

Xã La Bằng hiện có 9 xóm với 8 dân tộc anh em cùng chung sống, hiện còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, đặc biệt là các làn điệu hát Then, đàn tính; dân ca Tày, Nùng, nghi lễ Cấp Sắc của người Dao… Tất cả đã tạo nên một La Bằng nhiều sức hút.

Thấy được những lợi ích từ phát triển du lịch, nhiều hộ dân địa phương đã đầu tư một số loại hình dịch vụ như: Bể bơi, homstay, trại nuôi cá tầm, nương chè đẹp… để thu hút du khách.

Nhằm biến La Bằng thành mảnh đất du lịch hấp dẫn, địa phương đã có định hướng phát triển du lịch theo 3 loại hình chính là: Du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; Du lịch lịch sử văn hóa, tâm linh, về nguồn và Du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà.

Theo đó, xã đã rà soát, quy hoạch các khu, điểm sinh thái có tiềm năng phát triển; quy hoạch mở rộng các khu di tích lịch sử; khảo sát, lập dự án phát triển du lịch cộng đồng vùng chè.

Đồng thời tập trung đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng, chú trọng đào tạo lực lượng lao động trực tiếp phục vụ du lịch. Ngoài ra, địa phương cũng xây dựng cơ chế hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển du lịch phù hợp đang được quan tâm để quảng bá, giới thiệu về mảnh đất, con người và những đặc sản của La Bằng đến với du khách thập phương.

Theo Hải Hằng (Báo Thái Nguyên)

Du lịch, GO!