(QNO) - Khu Bảo tồn (KBT) thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng được thành lập năm 2002 với diện tích tự nhiên hơn 15.637ha. Đây là nơi có giá trị đa dạng sinh học cao, lưu giữ và bảo tồn các nguồn gen quý, có giá trị to lớn trong bảo vệ môi trường sinh thái, phục vụ giáo dục, nghiên cứu khoa học, đồng thời rất phù hợp để trở thành nơi dành cho du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.

Vượt qua chừng 30km từ thị trấn Trới về hướng xã Kỳ Thượng, chúng tôi cùng các cán bộ kiểm lâm của Ban Quản lý KBT dừng chân ở đỉnh đèo Dài. Anh Đỗ Xuân Trường, Phó Giám đốc KBT giới thiệu: “Đây là con đèo cao và dài nhất trên đường từ Trới lên Kỳ Thượng. Ngày có sương mù, nơi đây cũng lạnh và mờ ảo không kém gì Sa Pa, Tam Đảo. Còn ngày nắng, đứng trên đỉnh đèo có thể bao quát một không gian rộng lớn, thậm chí còn nhìn thấy cả cầu Bãi Cháy”.

Đúng là để lên đỉnh đèo Dài, xe chúng tôi đã vượt qua những quãng đường quanh co, đèo dốc. Bù lại, cảnh sắc bên đường ngập màu xanh cây lá, có đoạn còn đi qua rừng thông thẳng tắp. Đứng trên đỉnh đèo Dài, một khoảng không gian rộng lớn hiện ra trước mặt, gió thổi mát mẻ, không khí trong lành. Nhìn xa xa, hàng chục con trâu nhởn nhơ gặm cỏ, tiếng lục lạc vang lên nghe rất thanh bình…
Dulichgo
Khu Bảo tồn nằm trọn trong địa phận 5 xã Đồng Sơn, Kỳ Thượng, Đồng Lâm, Vũ Oai, Hoà Bình của Hoành Bồ, giáp huyện Ba Chẽ và TP Cẩm Phả. KBT có nhiều đỉnh núi cao, phong cảnh đẹp như Thiên Sơn (1.090m), dông núi chạy từ khe Ru (826m) qua đèo Kinh (694m), Đồng Trà (889m), Am Váp (1.051m), đèo Mo (974m). Khí hậu nơi đây ôn hoà, nhiệt độ trung bình năm là 23 độ C, độ ẩm 80%, lượng mưa từ 2.000-2.400mm. KBT có hệ sinh thái mang đặc trưng kiểu rừng kín thường xanh núi thấp lớn nhất vùng Đông Bắc Tổ quốc, với hàng trăm loài động, thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Đáng chú ý, các nhà khoa học đã phát hiện trong KBT có loài cá cóc Việt Nam là loài động vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam.

Qua đèo dài vài km, anh Đỗ Xuân Trường đưa chúng tôi qua một lối nhỏ dẫn vào rừng. Anh bảo: “Muốn khám phá KBT thì phải chuẩn bị đồ đạc chu đáo, có nhiều thời gian, đi từ 2 đến 3 ngày. Như thế, mới có thể đi sâu vào rừng, tìm đến những con suối, những ngọn thác trong mát với thảm thực vật phong phú. Còn lần này, do không có nhiều thời gian nên chỉ “thử” vào rừng để hiểu hơn vì sao KBT lại mang đặc trưng rừng kín thường xanh núi thấp…”. Chỉ đi bộ chừng vài trăm mét, nhờ những tầng tán cây cao, thấp khác nhau, chúng tôi đã cảm nhận được không khí trong lành, mát mẻ của rừng. Càng đi sâu vào rừng, chúng tôi càng thấy thích thú khi lắng nghe tiếng ve, tiếng chim; ngắm những giò phong lan bám trên những thân gỗ cao đang xoè nụ hay phải nín thở, đứng yên để theo dõi chú cò trắng muốt đang đậu trên ngọn cây.
Dulichgo
Anh Trường say sưa nói về tiềm năng du lịch của KBT: Năm 2013, UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững KBT thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ thượng giai đoạn 2013-2020. Trong Quy hoạch cũng đã dành một phần nói đến phát triển du lịch, dịch vụ và giáo dục môi trường. Trong đó, ưu tiên phát triển du lịch sinh thái; quy hoạch xây dựng các làng sinh thái điển hình tại cộng đồng vùng đệm; quy hoạch các điểm, tuyến du lịch như: Trung tâm KBT, thác Khe Dìa, hồ Cao Vân, Đồng Trà, đỉnh Am Váp, Khe Phương; các tuyến du lịch cộng đồng, lưu trú tới các bản như Khe Táo, Khe Phương, Đồng Trà, Đồng Chùa…

Về cơ chế chính sách, Ban Quản lý KBT có thể cho các tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái (chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng căn cứ theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24-9-2010 của Thủ tướng Chính phủ).

“Quy hoạch đã có, cơ chế cũng khá cởi mở, nhưng đến nay, KBT vẫn chủ yếu thực hiện nhiệm vụ chính là bảo tồn thiên nhiên mà chưa khai thác, phát huy được lợi thế, tiềm năng về điều kiện tự nhiên để phát triển du lịch. Chúng tôi rất mong các nhà đầu tư đến nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch bền vững, từ đó phát huy tiềm năng của KBT, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển bền vững KBT, đồng thời không làm lãng phí nguồn tài nguyên rừng quý giá mà không phải địa phương nào cũng có được, góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch của Quảng Ninh…” - anh Đỗ Xuân Trường chia sẻ.
Dulichgo
Thời gian mấy tiếng đồng hồ là quá ít để chúng tôi có thể khám phá nhiều hơn giá trị của KBT. Nhưng qua những chia sẻ của một người đã nhiều năm gắn bó với nơi này, cùng cảm nhận được trong chuyến thực tế trèo đèo lội suối, chúng tôi tin tưởng những cái tên như thác Khe Dìa, hồ Cao Vân, đỉnh Am Váp, bản Khe Táo… sẽ sớm trở thành các địa danh du lịch nay mai được nhiều người biết đến.

Theo Hoàng Quý (Báo Quảng Ninh)
Du lịch, GO!

Khám phá KBT Đồng Sơn - Kỳ Thượng