(BQN) - Để giảm bớt cái nắng oi bức, người Quảng xưa từng lên kế hoạch trồng cây xanh dọc theo các tuyến đường cái quan, đường làng, ngõ xóm... Việc trồng cây ngày ấy được người dân xem là kế sách lâu dài để vừa tạo cảnh quan, vừa tạo nguồn gỗ dồi dào.

Ngày nay, việc trồng và chăm sóc cây dọc các tuyến phố ở các tỉnh, thành phố đều do các đơn vị chuyên trồng cây xanh đảm nhận. Nhưng ngày xưa thì, việc trồng cây được các triều đại phong kiến ra sức khuyên bảo, động viên dân chúng tích cực trồng cây. Sách Đại Nam thực lục chính biên ghi chép rằng, năm 1809, khi sắp đắp đường cái quan ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Bình Hòa, vua Gia Long sai Nguyễn Hoàng Đức, Lê Chất đi trông coi công việc và đặc biệt lưu ý rằng ven đường phải trồng cây thích hợp.

Ngoài chủ trương trồng cây ven đường, vua nhiều lần sai các quan địa phương rà soát lại đất hoang hóa, gò đồi, bờ sông... và giao 3 bộ: Lại, Hộ, Công xem xét cây trồng phù hợp để khuyến khích người dân trồng cây. Ba Bộ tâu lại rằng: “Trong loại thực vật chỉ có cây mít, quả có thể ăn, gỗ có thể làm rường cột, càng là thiết dùng. Vậy xin từ Quảng Bình vào Nam, Nghệ An ra Bắc, bên đường cái quan và ven sông cho trồng loại thứ cây ấy”.

Cách đây 151 năm, nhân sĩ Nguyễn Thông khi làm Bố chánh ở tỉnh Quảng Ngãi đã viết sớ dâng lên vua Tự Đức về đề xuất trồng cây hai ven đường. Điều này cho thấy việc trồng và bảo vệ cây xanh thời đó được chính quyền địa phương và người dân thực hiện khá chặt chẽ.

Trong sớ dâng vua, Nguyễn Thông đã đo đếm hết sức kỹ lưỡng như sau: “Nay xét địa hạt tỉnh tôi, nam giáp hạt Bình Định, bắc giáp Quảng Nam, đường cái quan dài tới 21.417 trượng 5 thước. Trong số ấy, trừ những nơi cát, đá, cầu cống, sông ngòi, thấp trũng, ước hơn 4.283 trượng, còn lại hơn 17.134 trượng. Cứ cách 2 trượng trồng một cây đối nhau thì được trên dưới 17.134 cây”.

Chẳng những ra sức trồng cây ven đường, Nguyễn Thông còn đề xuất: “Ngoài ra, trong tỉnh, các xã thôn ấp trại có đường cái đi qua và ở các chỗ cồn gò, đất hoang rải rác các nơi cũng đều phải trồng cây. Các hạng cây này không cần vun tưới, nhân dân các xã lớn có thể trồng được 200 cây, xã vừa trồng trên 150 cây, xã nhỏ trồng trên 50 cây. Toàn tỉnh hạt có tới 411 xã thôn ấp trại. Trừ 174 xã thôn ấp trại đất hẹp và không có địa bạ, còn lại 274 xã thôn ấp trại có phần đất rộng rãi có thể trồng cây; 133 xã vừa 16.500 cây, 101 xã nhỏ 6.460 cây”.

“Dân có chuyên trách, quan có xét công, không thả lỏng, mà cũng không quá gấp rút. Sau mười lăm năm, các thứ gỗ tốt sẽ thừa dùng”. Trích lời Bố chánh Quảng Ngãi Nguyễn Thông (Theo sách Nguyễn Thông - Con người và tác phẩm của Ca Văn Thỉnh- Bảo Định Giang, xuất bản năm 1984)

Về việc trồng và chăm sóc cây, Nguyễn Thông đề xuất rằng, với cây trồng ven đường thì giao các viên phủ huyện chiếu theo chiều dài có bao nhiêu trượng mà tính đủ số cây, sức cho tổng lý sở tại án theo phần đất của mình sức dân phu các làng đem mít và mù u đến trồng, rồi giao cho chủ ruộng và người cày ruộng ở hai bên đường chịu trách nhiệm trông coi, hằng ngày sáng chiều ra ruộng thì chăm sóc giúp cũng là cận tiện. Còn với cây trồng tại đất trống ở các xã thôn ấp trại, thì “Cây trồng xong giao cho chủ đất và người làm ruộng ở gần trông coi, lâu ngày có quả sẽ được hái dùng”.

Không chỉ tính đến việc trồng cây, Nguyễn Thông còn đề xuất việc trồng bổ sung hằng năm và tăng cường các khâu kiểm tra, kiểm soát. Các cây mới trồng ở hai bên đường cái quan và ở các xã thôn, cùng với cây trồng lâu năm trước đó ở hai bên đường, tất cả đều đăng ký lưu hồ sơ ở tỉnh. Các viên phủ huyện phải thường xuyên kiểm soát, nếu cây trồng bị hư hỏng thì lập tức trồng lại cho đủ quân số. Mỗi năm một lần, phủ huyện sẽ phải kê rõ số cây để báo về Bộ Công. Cứ 3 năm, quan tỉnh cùng các viên phủ huyện sẽ đi khám xét một lượt xem số cây về phần phủ, huyện, tổng, lý nào có tổn thất thì làm danh mục báo cáo lên Bộ xem xét.

Quan cấp tỉnh đề cao việc trồng cây, còn ở cấp xã, thôn, ấp, trại, công việc trồng, bảo vệ cây lại càng được coi trọng. Điều này đã ăn sâu vào ý thức của người dân và được phát triển, nâng lên thành thuần phong mỹ tục, thành lệ làng.

Hương ước làng Phủ Lễ (nay là thôn Phú Lễ, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn) soạn năm 1937 ghi rằng: “Trong làng có một vườn đình trồng chay, mít để làm của công dụng đồng hương. Thường năm hương chức trích số công tư hương, lưu ích đem dẫy dọn cỏ rác hay trồng thêm chay, mít, cấm không được thả trâu bò hay cắt đốn trộm".

Hương ước làng An Chỉ  (nay là một phần xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành) còn đề ra khoảng thời gian vận động người dân trồng cây mỗi năm: “Mỗi năm đến tháng 8, bắt dân tư ích trồng cây có ích nơi vườn đình”. Còn Hương ước làng Long Phụng (nay là thôn Long Phụng, xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức) năm 1938 chép: “Lâm cấm núi Đàng núi Đất tuân theo chương trình kiểm lâm, đặt hội đồng đại hào mục, lý trưởng, hương mục và đoàn thập đoàn phu giữ gìn lâm sản, làng lượng trích hai sào ruộng công điền, giao cho người giữ rừng nhận cày ăn...”.

Xem việc vun trồng và bảo vệ cây cối là việc chung chứ không phải nghĩa vụ, trách nhiệm của riêng tổ chức, cá nhân nào, nên người xưa đã cùng ra sức hình thành nên được những lâm cấm, sân đình, cung đường rợp bóng cây xanh. Như Bố chánh Quảng Ngãi Nguyễn Thông từng nói rằng: “Dân có chuyên trách, quan có xét công, không thả lỏng, mà cũng không quá gấp rút. Sau mười lăm năm, các thứ gỗ tốt sẽ thừa dùng”.

Chỉ tiếc rằng, tấm lòng người xưa thì vậy, nhưng với tốc độ đô thị hóa cao, dân số bùng nổ, những cây xanh cổ thụ mà người xưa dày công trồng nơi ven đường, sân đình, gò đất trống trong làng... dần dần phải nhường chỗ cho nhà cửa, công trình. Cây thưa vắng, nên đường cái quan lại càng thêm oi bức. Người đi đường nhiều lúc muốn tìm một bóng mát để dừng chân, cũng không dễ gì tìm được đoạn đường cái quan mà "cứ cách hai trượng trồng một cây đối nhau" như ngày xa xưa ấy...

Theo Ý Thu (Báo Quảng Ngãi)

Du lịch, GO!