(VNE) - Bức tường lốp cao su dài 4.000 m đã được lắp đặt trên đèo Lò Xo, một trong những "điểm đen" tai nạn giao thông.

Đèo Lò Xo thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh, dài khoảng 27 km, nối hai huyện Phước Sơn (Quảng Nam) và huyện Đăk Glei (Kon Tum). Đoạn đèo này có độ dốc lớn, nhiều khúc cua gấp, liên tục... cùng núi cao, vực thẳm.

Cung đường "tử thần" này đã xảy ra nhiều vụ tai nạn khiến hàng chục người thiệt mạng. Người dân lập miếu thờ nhưng đợt mưa lũ năm ngoái đã cuốn hai ngôi miếu xuống vực.

Từ 2018, Tổng cục Đường bộ đã xây dựng trên đèo một đường lánh nạn, 14 hốc cứu nạn, 4.000 m tường lốp cao su và bổ sung hơn 600 bộ tiêu, biển báo... Sau ba năm triển khai, dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Các ôtô chọn đi đường đèo này để về các tỉnh miền Trung hoặc lên Tây Nguyên để rút ngắn thời gian. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, nhiều ôtô khách chạy theo quốc lộ 19 hướng về tỉnh Bình Định, ra quốc lộ 1.

Lốp ôtô cũ có tác dụng như hộ lan xoay. Khi ôtô tông vào "bức tường" hộ lan cao su này, trọng lực va chạm sẽ được đàn hồi giúp giảm thiểu hư hại cho xe khi va chạm.

Để tránh tai nạn xảy ra, ở những khúc của gấp còn có gương cầu lồi giúp tài xế sớm phát hiện xe phía trước.

Hộ lan được xây dựng bằng cách đóng trụ thép chôn xuống dưới nền đường 1,4 m; sau đó dùng những lốp cao su cũ có đường kính từ 60 đến 110 cm dán với nhau, bên trong đổ đầy cát trước khi gắn cố định. Chi phí lắp đặt khoảng 3 triệu đồng mỗi mét.

Công nhân sơn hộ lan lốp cũ bằng hai màu trắng và đỏ, để tài xế dễ nhìn thấy trong đêm.

Những ngày gần đây, ở huyện Đăk Glei xuất hiện mưa lớn gây sạt lở. Công nhân phải múc phần đất sạt lở ở hốc cứu nạn đi nơi khác.

Trong lúc vượt đèo Lò Xo, ôtô tải biển Đăk Lăk bất ngờ bốc cháy ở cabin trưa 22/4. Người đi đường dừng xe, mang bình cứu hỏa đến hỗ trợ tài xế dập lửa kịp thời.

Tài xế Lê Văn Tân, 46 tuổi, cho biết, một tuần anh chạy qua tuyến đường nguy hiểm này 4 lần. Mỗi lần vượt đèo đều chạy với tốc độ từ 40 đến 50 km một giờ và luôn cài số thấp. "Từ khi đoạn đèo này gắn lốp hộ lan, tôi cảm thấy an tâm khi lái xe qua đây", ông nói.

Đoạn đèo có hai điểm dừng xe để kiểm tra kỹ thuật. Tại đây, còn được lắp đặt nhiều đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời; sơ đồ đèo và những hình ảnh tai nạn giao thông, lưu ý khi qua đèo Lò Xo, bí quyết đổ đèo...

Bức tường hộ lan bằng lốp trên đèo đã "cứu" xe tải đi hướng Đà Nẵng - Kon Tum bị mất phanh trong đêm 18/8/2020. Bốn người trên xe không ai bị thương, xe tải hư hỏng nhẹ. Ảnh: Phương Linh.

Ông A Thên (40 tuổi) ở xã Đăk Man đứng bên vị trí mới xảy ra tai nạn trên đèo nhưng nhờ có lan can lốp nên không có thiệt hại về người.

"Những năm trước thường xảy ra nhiều vụ tai nạn thảm khốc. Nhất là ban đêm, các tài xế thường chạy ẩu, do không quen đường nên dễ bị lật hoặc rơi xuống vực sâu", ông Thên nói.

Ngoài hộ lan lốp, biển báo phản quang, Tổng cục Đường bộ còn lắp đặt thêm hệ thống camera giám sát tốc độ trên tuyến đèo.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường bộ, nhận xét dải hộ lan bằng lốp xe và đường, hốc cứu nạn là giải pháp khả thi, chi phí không quá cao, không cần nhiều mặt bằng lắp đặt. Khi không may xảy ra tai nạn, các tường lốp góp phần giữ lại phương tiện, giảm thiệt hại đáng kể so với các vụ xe lao xuống vực, vách núi trước đây.

"Đèo Lò Xo trong hơn hai năm nay không xảy ra tai nạn chết người, tường lốp ở đèo Khung Khe, dốc Cun cũng đã cứu được trên 20 vụ xe mất phanh, hàng chục người khỏi tử vong", ông Huyện nói.

Theo Trần Hoá (Vnexpress)

Du lịch, GO!

Đèo Lò Xo - Đăk Glei

Chuyện về các con đèo trên khắp mọi miền Việt Nam (Phần 9)