Chuyện về đèo Lò Xo - Quảng Nam 
Đèo Lò Xo dài 20 km thuộc địa phận xã Đăk Man, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum nằm trên cung đường QL 14 từ Quảng Nam đi Kon Tum. 

Thời Pháp, đường 14 được mở ra nhằm khai thông công cuộc thực dân hoá vùng Bắc Tây Nguyên và cũng để phục vụ cho việc chuyển quân, đạn dược của quân đội Pháp đồn trú suốt một dải Tây Nguyên, Nam Lào và Bắc Cam Pu Chia, vận chuyển tài nguyên thuộc địa về mẫu quốc thông qua cảng Đà Nẵng. Gần khu vực đèo Lò Xo, Pháp cho xây nhà ngục Đăkley nổi tiếng một thời, nơi giam giữ ông Tố Hữu suốt bao nhiêu năm.

Đèo Lò Xo những năm 90 của thế kỷ trước còn hoang vắng vì lúc đó quốc lộ 14 chưa được sửa sang lại sau cuộc chiến tranh kháng Mỹ, nó gần như bị bỏ hoang từ 1975 đến lúc tôi tới đó lần đầu tiên vào tháng 3 năm 1990. Đường chỉ còn nền và cỏ cây mọc um tùm, lổn nhổn đá hộc.
.
Khu vực quanh đèo Lò Xo là rừng già, thâm u. Rừng ở đây cực kỳ nhiều các loại gỗ quý hiếm và gỗ lớn. Đặc biệt, khu đèo Lò Xo chính là nơi dân đi Điệu miền Trung đã phát hiện ra rất nhiều Trầm Kỳ. Có rất nhiều câu chuyện bi kịch của dân tìm Trầm đã xảy ra ở đây. Và còn một điều nữa cũng cần phải nhắc đến là chuyện khai thác vàng sa khoáng ở khu vực quanh đèo Lò Xo.

Năm đó (1990) tôi "lang bạt" vào tới Khâm Đức, khi tới chân đèo Lò Xo để tìm ông già tên Hai Dũng chuyên đầu nậu Trầm và vàng sa khoáng, đã được ông ấy mời món rượu ngâm bào thai Hổ với sâm Ngọc Linh, nhắm với thịt Cheo nướng than củi. Tôi nhớ như in cái bình rượu nước xanh xanh có những rễ sâm Ngọc Linh bằng ngón chân, ba con Hổ con, mỗi con chỉ nặng chừng 2 kg nằm ôm nhau, giương mắt lờ đờ nhìn khách....

Sợ nhất là chuyện cướp ở vùng này. Hồi sau giải phóng 1975 còn rất nhiều Fulro và chuyện đốt phá, cướp của bắn giết xảy ra liên miên. Bộ đội và Công an vũ trang dẹp mãi đến những năm 1990 thì Fulro người Thượng chẳng còn nhưng lại đến "Fulro" người Kinh. Đó là những nhóm giang hồ phiêu bạt, đi đãi vàng, đi tìm Trầm thất bại thì nảy ra đi cướp, chúng cướp thượng vàng hạ cám và chỉ nhè vào dân đi buôn, thường là phục kích ở rừng, có đứa theo dõi, báo hiệu là xông ra chặn đường. Có vụ chúng cướp cả xe tải quân sự.

Con đèo này sạt lở kinh hoàng, có thời điểm sạt mất cả nền đường cả khúc dài mấy trăm mét. Suối ở đây thường rất hiền hoà, nhưng khi mùa mưa tới thì nó ào ào như thác đổ và cuốn trôi đất đá cùng cây cối. Đoạn ở gần chân đèo, đi qua chỗ ngã 3 lối lên ngục Đak Gley có một cây cầu và khúc cua, đó là nơi tôi chứng kiến một cơn lũ đến bất thình lình và cuốn trôi một chiếc xe UAZ chở thực phẩm cho đồn biên phòng, chúng tôi bị lũ "phong toả" 3 ngày trời, nhịn đói nhịn khát gần 2 ngày ngồi yên trên đỉnh quả đồi không sao mà thoát được.

< Đây là cây cầu nơi tôi và các bạn của tôi bị lũ rừng vây hãm....

Đèo Lò Xo từng nổi tiếng trong chiến tranh chống Pháp bởi cái nhà tù Đăklei và những người tù chính trị vượt ngục. Nhưng nổi tiếng hơn cả là những câu chuyện "đường rừng" với voi đi cả đàn, hổ báo chạy thậm thịch ngày đêm.

Gần đây, khu vực quanh đèo Lò Xo là điểm nóng của chuyện lâm tặc, đào đãi vàng. Đi quá Lò Xo chừng 10 km là bắt đầu đến khu vực bãi vàng và nơi tập kết gỗ của lâm tặc.

< Con suối này cực kỳ hung dữ mỗi khi lũ về...

Lần tôi đi qua mới đây, xe Reo chở gỗ tập kết từng đoàn chừng 20 chiếc. Gỗ lậu không thấy nhiều nhưng chắc chắn là phải có rất nhiều vì trên đường đi qua ĐăkTô chúng tôi gặp những chiếc xe đầu kéo Internatinonal lặc lè kéo theo những rơ mooc 40' ngất nghểu những cây gỗ to 2 - 3 người ôm. Có đoàn xe đầu kéo chừng 2 - 3 chiếc dừng lại giữa đường chờ thông đường mới đi.... Việc này làm tôi rất băn khoăn, chẳng lẽ Kiểm Lâm Kon Tum lại không biết sao? Xe chở gỗ đi thành từng đoàn, to vật vã thế kia, CSGT thì lượn lờ suốt?!

Đem câu chuyện này thắc mắc với anh bạn kinh doanh ở Tp Pleiku, hắn cười hô hố rồi bảo tôi: Gỗ này có bảo kê đấy ông ạ ! Nó có giấy phép "đốn" gỗ ở Lào, nhưng tập kết xe ở VN và nhân thể "khai thác" gỗ luôn tại quê hương cho nó gần.

Bãi vàng gần đèo Lò Xo thì vô cùng phức tạp. Cái mỏ vàng Bồng Miêu cũng gần ngay đây. Buổi trưa, trời mưa rào ào ạt, gió thổi bão bùng và sấm sét đì đùng, chúng tôi ngừng lại ăn trưa ở một quán cơm cách thị trấn Khâm Đức chừng 8km, ngay dưới chân núi. Ông chủ quán cơm vẻ mặt từng trải, có cặp mắt rất sắc, tia mắt dữ tợn ra đưa thực đơn và hỏi chúng tôi đi đâu, có phải đi mua vàng đãi hay chỉ là đi qua đường? Sau khi biết chúng tôi đi du lịch Xuyên Việt về qua đậy, ông ta có vẻ vui vẻ và bắt chuyện trong lúc chờ thức ăn được đưa ra.

Ông ta kể: Trước đây bãi vàng "kinh hoàng" lắm, thời gian đó khoảng những năm 1996 - 1997... không ngày nào không xảy ra chuyện đánh nhau, cướp bóc, chém giết người. Lúc đó ông ta là chủ bưởng, quân trong bưởng có tới 200 người, một ngày làm thu hoạch không dưới 5 cây vàng cốm. Ông ta quê ở Khâm Đức Quảng Nam chính gốc 3 đời, thế mà vẫn bị băng nhóm khác vào cướp bãi, chém què mất 1 tay, ông ta mất mấy trăm cây vàng và đứa con rể lớn bị tàn tật vì sập hầm.

Tình hình phức tạp đến mức CA huyện không thể trị nổi phải xin quân của tỉnh. Cả tiểu đoàn CSCĐ được điều vào càn quét liên tục trong mấy tháng ròng thì tình hình mới tạm yên. Sau trận ấy, ông ta bỏ "nghề" đem theo mấy chục cây vàng còn giữ được về đây mở quán cơm. Làm ăn cũng khấm khá. Ông ta bảo ông là số may mới được vậy, có mấy thằng bạn đi vô bãi cùng đợt chết mất xác trong đợt sập hầm chết mấy chục người. Ông ta rủ tôi vào trong nhà khoe mấy con Báo Gấm, Gấu Ngựa và Chồn được nhồi bông đứng ngồi "lổn nhổn" giương mắt xanh lét nhìn khách.

Du lịch, GO! - Hoangbquang và nhiều người khác - forum Phuot.com
Còn tiếp

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12