< Tàu đánh cá đang cập mạn tàu thu mua cá tại đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang.
Bài 3: “Căn cứ” hậu cần nghề cá
“Ít hôm nữa gió Nam thổi mạnh, sẽ có nhiều cá cơm, tàu pha xúc ở Ninh Thuận chạy rần rần vào đây cả mấy trăm chiếc, ở lại đánh bắt hết mùa mới quay tàu chạy về lại Ninh Thuận” - Ông Lê Văn Tùng, tàu pha xúc Ninh Thuận đang đánh bắt ở Thổ Chu nói với tôi.
- Làm sao ở tận Ninh Thuận mà biết trong này có cá để chạy tàu vào đánh bắt? - Tôi tò mò.
- Dân làm nghề xúc cá ở vùng biển Thổ Chu đã có mấy chục năm nay rồi, nếu phát hiện có cá chạy, ông này hú gọi ông kia, rồi kêu bà con dòng họ tới đánh bắt. Tàu pha xúc cá cơm cũng giống như đàn chim hải âu, chỗ nào có cá là kéo đàn tới tranh “chụp mồi” thôi.“Chợ” trên biển
Khoảng 8 giờ sáng, các tàu đánh cá chạy từ các phía đổ vào bãi Dong, đảo Thổ Chu để bán cá. Tại đây, đã có những chiếc tàu thu mua tải trọng lớn từ đất liền ra neo chờ sẵn, tàu đánh cá cặp mạn bán cá, sau đó, mua đá lạnh của tàu thu mua. Khu vực Thổ Chu có 16 chiếc tàu thu mua hải sản kiêm vận tải hàng hóa.
“Tàu chở hàng hóa từ thành phố Rạch Giá ra, phía dưới hầm chất đầy nước đá, phía trên chở đồ khô, bình ga, lương thực thực phẩm,... cung cấp cho dân và quân trên đảo. Tàu chạy về đất liền chở đầy thủy sản. Đa số tàu vận tải được cải hoán từ tàu đánh cá nên chịu được sóng cấp 6, cấp 7. Mùa gió Nam thổi lớn, tàu khách Phú Quốc - Thổ Chu ngừng chạy, tàu vận tải vẫn hoạt động bình thường” - Ông chủ kiêm thuyền trưởng Trần Ngọc Thảo (thành phố Rách Giá, tỉnh Kiên Giang) đang thu mua cá ở bãi Dong chia sẻ cởi mở.“Luật bất thành văn”, mỗi cây đá chở từ đất liền ra đây bán giá cao hơn 20.000 đồng so với trong bờ, cá cơm tàu đánh bắt bán cho tàu thu mua 15.000 đồng/kg. Tôi thắc mắc với ông Thảo:
- Tại sao giá bán nước đá và giá mua cá chênh nhau nhiều so với đất liền quá vậy?- Nếu như một chiếc tàu đánh cá làm được 10 tấn, chạy vào bờ bán và chạy ra đảo trở lại mất thời gian 40 giờ tàu chạy, nếu gặp gió to mất khoảng gần 50 giờ, tiêu tốn mấy nghìn lít dầu, mất toi mấy ngày khai thác. Tính chi li ra họ bị lỗ vốn. Tàu vận tải cỡ lớn chở được nhiều thứ, nên giá thành hạ xuống. Tóm lại một câu, mấy ông chủ tàu đánh cá và thuyền trưởng họ tính toán đủ hết rồi, mới chịu ở lại đảo khai thác thủy sản mấy tháng, đến khi mãn vụ, họ mới cho tàu chạy về quê.
Tôi thuê chiếc xuồng nhỏ chạy quanh bãi Dong để nhìn tận mắt và dạo “chợ” trên biển. Thuyền trưởng tàu đánh cá cần mua dầu, gọi điện hoặc ngoắc tay, lập tức có tàu bán dầu cặp mạn bơm vào két, rồi cần nước ngọt có tàu cung cấp nước bán ngay, cần mì tôm và đồ khô, đã có tàu buôn đi kè kè bên mạn tàu.
“Tàu đánh cá là “tàu vua”, ai cũng đi theo phục vụ và chiều mấy ổng, dân ở đây khấm khá cũng nhờ tàu cá. Có năm, tàu cá đậu đông nghẹt cả bãi Dong, các dịch vụ trên bờ và dưới biển hoạt động nhộn nhịp như ngày hội” - Bà Nhiên lái đò thuyền chở khách nói.Chuyển nhà đi theo ngọn sóng biển
Nhờ ngư trường đánh bắt thuận lợi, tàu đánh cá từ Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang,... đến Thổ Chu đánh bắt, kéo theo các dịch vụ từ đất liền ra đảo hoạt động như: Thợ hàn - tiện, các vựa thu mua cá, cửa hàng vàng, điện thoại, karaoke, mát xa, cà phê...
Hiện nay, dân số đảo Thổ Chu có quê gốc ở nhiều tỉnh, thành ra làm ăn và định cư lâu dài. Ông Lê Tùng, quê ở Hà Tĩnh ra đảo làm công nhân mở đường quốc phòng ven đảo, nhưng đã bỏ nghề công nhân, mở tiệm bán thịt heo ở chợ, rồi lấy vợ và làm nhà trên đảo. Ông Huỳnh Ngọc Sang từ Bình Định vào lập bè nuôi cá bớp 12 năm nay...
Đảo Thổ Chu có bãi Ngự và bãi Dong, 4 tháng mùa gió Nam, tàu thuyền phải qua bãi Dong neo đậu, 6 tháng mùa gió Bắc, tàu quay về neo ở bãi Ngự. Tàu đánh cá đi đâu, dân buôn bán, làm dịch vụ trên đảo phải dời đi theo. Bãi Ngự có nhà cửa, quán bán hàng cố định đông đúc, mọi cái đều diễn ra thuận lợi. Riêng bãi Dong, mùa gió Bắc, sóng gió hung dữ, nên không có nhà dân nào ở, chỉ có Trạm Kiểm soát Biên phòng, Đại đội huấn luyện của Trung đoàn 152, Trạm khí tượng thuỷ văn. Mùa gió Nam, tàu chuyển qua bãi Dong neo đậu, dân làng dời chợ đi qua bãi Dong ở bên mép bờ đảo.“Buôn bán ở đây sướng nhất là gặp tàu lưới vây, mỗi tàu có gần 20 lao động. Ban đêm, tàu ra biển đánh bắt, mấy ổng “vô mánh” được vài chục tấn cá, sáng vào đảo mua đồ “đã tay”. Rồi ăn nhậu lai rai, hát hò chơi nguyên ngày, chiều tối xuống tàu đi biển tiếp. Nhờ vậy mà nhiều người dân đảo “phất” lên nhanh” - Ông Nguyễn Văn Thắng, chuyên bán gà ở chợ bãi Dong cho biết.
Đề nghị thành lập huyện Thổ Châu“Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đã đầu tư xây dựng hồ chứa nước với dung tích trên 300.000m3 , đang xây dựng âu thuyền trú bão ở bãi Dong. Tại bãi Ngự, UBND tỉnh Kiên Giang đầu tư 150 tỉ đồng xây dựng cảng hậu cần nghề cá.
Những năm gần đây, có nhiều đoàn khách du lịch từ đất liền ra đây tham quan, trên đảo bắt đầu hình thành dịch vụ nhà nghỉ, ăn uống, cho thuê xe... phục vụ khách. Tỉnh Kiên Giang đang đề nghị thành lập thành phố Phú Quốc. Xã Thổ Châu sẽ trở thành huyện Thổ Châu” – Ông Nguyễn Trường Vũ, Bí thư Đảng uỷ xã Thổ Châu thông tin thêm.
Bài 2: Đảo hồi sinh từ con số “0”
Bài 3: “Căn cứ” hậu cần nghề cá
Theo Hải Luận (Báo Biên Phòng)
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.