(BBP) - Quần đảo Thổ Chu cách thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang hơn 100 hải lý. Từ một hòn đảo “chết”, đến nay, đảo Thổ Chu đã hồi sinh và thu hút nhiều người từ các tỉnh, thành phố trong cả nước ra đây định cư, lập nghiệp. “Sức hút” của Thổ Chu là ngư trường đánh bắt thủy sản giàu nguồn lợi, chính quyền địa phương nơi đây đang đề nghị thành lập hành chính cấp huyện ở giữa Biển Tây, sát với đường hàng hải quốc tế.

Bài 1: Con tàu nghĩa tình

“Mùa này đi Thổ Chu hay có gió Nam và tố lớn, coi chừng ra được đảo, nhưng không vô được Phú Quốc đó nghe. Tôi từng đi công tác đã bị nằm lại ở đảo hơn 20 ngày vì biển động. Tốt nhất là anh lấy số điện thoại thuyền trưởng tàu khách chạy tuyến Thổ Chu, hỏi xem sóng gió như thế nào, ngày nào tàu chạy ra và chạy vào rồi hãy lên đường” - Ông bạn Tiến Vinh ở thành phố Rạch Giá cảnh báo khi tôi có ý định đi Thổ Chu.

Đỡ đẻ giữa biển khơi

Bước chân lên chiếc tàu Thổ Châu 09 - Phú Quốc tại cảng tàu khách Mãi Vòng, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, tôi quan sát và dò tìm người dân Thổ Chu để hỏi chuyện. Tôi thấy trên tàu, nhiều người tự mở tủ lạnh lấy nước ngọt uống, không có ai quản lý hay đứng ra thu tiền. Tàu rời cảng, tôi lên phòng lái tàu đem thắc mắc này hỏi thuyền phó Vũ Văn Hương: “Nước ngọt để dưới tủ lạnh uống miễn phí hay sao, mà thấy mọi người cứ tự do tới mở uống?”.

- Nước bán đó anh.

- Sao không thấy ai ghi sổ nợ?

- Cần chi phải sổ sách, ai uống thì tự trả tiền vào trong cái hộp để phía sau lái, nếu có quên thì lên cảng trả. Mấy chục năm nay ở đây chẳng mất chai nước nào, dân đảo tự giác lắm. Trước đây, tôi chạy tàu cũ, vừa chở khách, vừa chở hàng hóa từ Phú Quốc ra Thổ Chu hết 8 giờ. Tàu cập cảng, dân trên đảo ai muốn mua cái gì, tự xuống tàu lựa chọn lấy lên, rồi trả tiền sau.

Thấy tôi tâm đắc với những câu chuyện trên tàu khách chạy giữa Biển Tây, thuyền trưởng Đoàn Bình đứng bên cạnh xởi lởi: “Tôi có thâm niên gần 30 năm gắn bó với tuyến tàu khách Phú Quốc – Thổ Chu, chứng kiến bao nhiêu câu chuyện, phận đời ra, vào quần đảo làm ăn. Nhớ nhất là ca đỡ đẻ trên tàu năm nào được “mẹ tròn, con vuông”. Bây giờ, đứa bé đó là một thanh niên, trong giấy khai sinh, mục “nơi sinh” ghi rất rõ “trên biển vịnh Thái Lan”, mục quê quán: “Đảo Thổ Chu”. Có lẽ, giấy khai sinh đó là đặc biệt nhất, vì “tàu là bệnh viện, biển là quê hương”.

- Các anh là thợ máy, lái tàu, đỡ đẻ bằng cách nào? - Tôi tò mò.

- Khi đó, sản phụ đang trên đường vào Bệnh viện Phú Quốc để sinh con, tàu rời cảng chạy được 2 giờ, thì chị ấy chuyển dạ, chỉ thời gian ngắn là đẻ luôn. Anh em trên tàu nhốn nháo đến đỡ đẻ, tôi nói anh em nấu nước sôi luộc lưỡi lam để cắt cuống rốn cho em bé, rồi lấy bông băng có sẵn trên tàu băng lại. Sau đó, dọn dẹp vệ sinh, đưa mẹ con chị này vào một phòng thủy thủ nghỉ tạm. Sau hải trình 8 giờ, tàu mới cập được cảng An Thới, chúng tôi liền gọi xe cấp cứu chở sản phụ vô Bệnh viện Phú Quốc.

Sứ mệnh lịch sử “tàu không số”

Ông Đoàn Bình vừa mới tốt nghiệp trường hàng hải, làm thủy thủ, rồi sau đó lên chức thuyền phó và thuyền trưởng. Gần 30 năm ông gắn bó với tuyến đường hàng hải đi ra giữa Biển Tây, giúp hàng vạn lượt người dân ở hòn đảo tiền tiêu kết nối với đảo lớn Phú Quốc và đất liền. Do bức thiết về nhu cầu đi lại của người dân và quân nhân ở các đảo vùng biển Tây Nam, chiếc tàu với mật danh “tàu không số” thực hiện nhiệm vụ chở vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam từ năm 1966, được cải hoán thành tàu chở khách tuyến Phú Quốc - Thổ Chu, mang tên Kiên Giang 57.

“Năm 1992, tàu Kiên Giang 57 đánh dấu sứ mệnh lịch sử của mình là chở các hộ dân đầu tiên từ đất liền ra đảo Thổ Chu định cư. Đến bây giờ, đảo Thổ Chu đã có hơn 2.000 nhân khẩu. Ngoài ra, trên đảo còn có cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội và cán bộ, nhân viên khí tượng thủy văn... Tàu là “nhà”, biển đảo là “quê hương” của bao nhiêu người dân và quân nhân ở giữa biển khơi” - Thuyền trưởng Đoàn Bình tự hào về công việc của mình.

Thời kỳ chạy tàu Kiên Giang 57, từ Phú Quốc đi Thổ Chu hết 8 giờ, nhưng gặp sóng gió to có thể lên đến 9 - 10 giờ. Nửa tháng có 1 chuyến tàu ra Thổ Chu, sau rút ngắn xuống còn 1 tuần/chuyến (hiện nay là 5 ngày/chuyến). Nếu gặp mùa biển động, tàu phải nằm ở Phú Quốc chờ đợi 10 – 20 ngày cũng là lẽ thường tình. Dù khó khăn, nhưng thuyền trưởng Đoàn Bình luôn gắn bó với tuyến tàu này. Anh trải lòng: “UBND tỉnh Kiên Giang bổ nhiệm tôi làm Phó Giám đốc cảng Rạch Giá, ở ngay tại thành phố Rạch Giá. Làm được một thời gian ngắn, tôi xin từ chức và xin quay lại làm thuyền trưởng tàu khách tuyến Phú Quốc - Thổ Chu, vì quen với người dân và sóng gió ở đảo rồi”.

Từ năm 2017, UBND tỉnh Kiên Giang đã đầu tư 60 tỉ đồng đóng mới chiếc tàu khách hiện đại, mang tên Thổ Châu 09 - Phú Quốc, chiều dài của tàu trên 36m, rộng 6m, trang bị 2 máy chính công suất trên 1.000kW với tốc độ khai thác 24 hải lý/giờ, chở 120 - 150 hành khách. Tàu hoạt động an toàn trong điều kiện sóng cấp 6 và gió cấp 7, thời gian chạy từ Phú Quốc ra Thổ Chu chỉ còn 4 giờ. Thuyền trưởng Đoàn Bình thông tin thêm: “Trước đây, mọi người đi tuyến tàu khách này đều được miễn phí vé 100%. Mỗi chuyến chạy ra và chạy vào chi phí khoảng 100 triệu đồng, nay phụ thu mỗi người 50.000 đồng. Mỗi năm, UBND tỉnh Kiên Giang phải bù lỗ khoảng 10 tỉ đồng cho con tàu này và tiền lương cho thủy thủ đoàn”.

Bài 1: Con tàu nghĩa tình

Bài 2: Đảo hồi sinh từ con số “0”

Bài 3: “Căn cứ” hậu cần nghề cá

Theo Hải Luận (Báo Biên Phòng)

Du lịch, GO!