(TTO) - Xe buýt vẫn là sự lựa chọn tiết kiệm, an toàn, thuận tiện nhất khi mạng lưới được phủ rộng ở đô thị. Xe buýt thay đổi rất nhiều nhưng có nơi vẫn tồn tại những điều lạc hậu bao năm cũ.

Vui buồn hành trình xe buýt

Đợt nghỉ Tết dương lịch 2021 vừa qua, tôi chọn xe buýt từ TP Thủ Đức (TP.HCM) đi TX Bến Cát (Bình Dương).

Tôi lên xe buýt số 76 tại P.Long Phước (TP Thủ Đức) và yên tâm ngay khi nhìn dòng chữ dán trong xe: "Hotline Cảnh sát hình sự TP.HCM phản ánh về an ninh trật tự trên xe buýt: 0981860202". Khi xe đi qua "điểm nóng" một thời về nạn móc túi khách trước khu du lịch văn hóa Suối Tiên, hành khách trên xe kể nay nạn móc túi và quấy rối hầu như không còn.

Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 2) và bến xe Miền Đông mới cũng nằm trên đường đi của tuyến buýt này. Tuyến xe ngày càng đông khách và người dân yên tâm lên xe vì an ninh trật tự ở các trạm lên xuống khách đã ổn.

Phong cách lịch sự, nhã nhặn và lời nói nhẹ nhàng của tài xế lẫn tiếp viên đã làm "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi". Nhìn thấy người lớn tuổi, phụ nữ mang thai hoặc dẫn theo con nhỏ từ xa, nữ nhân viên đã chủ động ra cửa trợ giúp. Hành động đẹp ấy khiến tôi vui cho đến lúc khách xuống trạm.

Thay vì đến Suối Tiên đón xe số 7 đi Bình Dương, tôi muốn xuống xe tại ngã tư Thủ Đức để lên xe số 6 về bến trước cổng Trường ĐH Nông lâm. Dù đã biết xe của tuyến này đang dần được thay thế bằng xe thế hệ mới, nhưng tôi được đi trên chiếc xe quá cũ.

Tôi được ngồi ghế nhưng vẫn mất thăng bằng mỗi khi xe giảm tốc độ vì ghế ngồi lung lay do khung sắt đã quá tuổi thọ, mặt ghế bong tróc, rách bươm, lộ rõ lớp mút bên trong. Tự nhiên nó khiến tôi nhớ lại những chiếc xe buýt chạy tuyến Sài Gòn - Tam Hiệp (Đồng Nai) đầu thập niên 1990.

Điều tương tự cũng lặp lại khi tôi ngồi gần một giờ đồng hồ trên xe buýt liên tỉnh số 7 đi TP Thủ Dầu Một. Động cơ xe rất ồn, nhà xe còn mở video ca nhạc với âm lượng lớn, khách ngồi cạnh nhau nói chuyện với nhau cũng khó nghe rõ.

Nhiều tuyến xe buýt khác nối TP.HCM với Đồng Nai như xe số 10, 601, 602 vẫn còn khai thác bằng những chiếc xe "ngày xửa ngày xưa".

Vẫn còn những "chuyện nhỏ"

Ở trạm gần ngã tư Thủ Đức và ngã tư ĐH Nông lâm, mỗi nơi có đến ba "bàn chông". Đó là những cọc sắt còn sót lại sau khi sửa sang trạm, thật không an toàn cho người đón xe. Hệ thống đèn chiếu sáng, màn hình LED đã lắp đặt đầy đủ ở nhiều trạm, song vẫn chưa được bật sáng.

Tôi bị bất ngờ vì bến xe buýt ở trước cổng Trường ĐH Nông lâm vẫn thu phí vệ sinh 3.000 đồng/lượt trong khi nhà vệ sinh dơ bẩn, chật hẹp. Mỗi phòng chỉ có một bồn cầu "ngồi xổm" và xô đựng nước, nếu người đi trước "quên" giội nước, người vào sau chỉ muốn quay trở ra.

Chị em phụ nữ sẽ chịu đựng như thế nào với cảnh này? "Chuyện nhỏ" nhưng ai cũng cần ngành vận tải khách công cộng lưu tâm.

Đến trạm xe buýt trước chùa Bà (Bình Dương), nhà vệ sinh rất sạch sẽ, khang trang như ở khách sạn, có khăn giấy, nước rửa tay sát khuẩn miễn phí cho khách, được trang trí bằng nhiều chậu cây cảnh và hoa tươi kèm thông báo: "Quý khách không cho tiền, đưa tiền bất cứ ai, kể cả nhân viên nhà vệ sinh". Chỉ vài lời giản dị mà ấm lòng du khách.

Tôi lại lên xe số 1 đến TX Bến Cát, bác tài kiêm luôn bán vé xe. Việc này giúp "giảm biên chế" nhưng thời gian dừng xe ở trạm sẽ lâu hơn vì phải chờ tài xế thu tiền. Ngoài ra, người khuyết tật hoặc phụ nữ, trẻ em rất khó được hỗ trợ mỗi khi lên xuống xe.

Xe buýt đã và đang áp dụng công nghệ "thu phí tự động". Tuy nhiên, cũng nên có tiếp viên trên xe để giúp đỡ những hành khách đặc biệt và cùng với lái xe giải quyết tình huống bất ngờ (nếu có). Chính sự tận tình của tiếp viên sẽ thu hút được nhiều người chọn xe buýt.

Tôi đi bốn chặng xe buýt trong buổi sáng với quãng đường khoảng 70km song chỉ hết 47.000 đồng. Đây là lợi thế của xe buýt khi chi phí hợp túi tiền nhiều người. Chỉ cần nâng cao chất lượng phục vụ, xe buýt lấy lại thị phần không khó.

Nhất là cuối năm nay tuyến metro số 1 dự kiến đưa vào khai thác, nhiều hành khách sẽ dùng xe buýt làm phương tiện trung chuyển. Thị trường đòi hỏi xe buýt phải luôn chuyển mình, làm mới mình để không tụt hậu.

Theo Hữu Chơn (Tuổi Trẻ)

Du lịch, GO!