Tại TP.HCM, có nhiều tên loài cây được sử dụng để đặt tên cho xóm, chợ hoặc tên đường. Có thể nhắc đến như chợ Bàu Sen (quận 5), chợ Cây Thị (quận Bình Thạnh), chợ Vườn Lài, chợ Cây Gõ (quận 6),… và không thể không nhắc đến chợ Vườn Chuối (quận 3), một trong những khu chợ đông đúc và tấp nập.
Lý giải tên gọi xóm Vườn Chuối
Ngay tại trung tâm quận 3, nằm bên cạnh đường Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Thượng Hiền là chợ Vườn Chuối, thuộc xóm Vườn Chuối ngày xưa. Chạy dọc bên cạnh chợ là một con đường cùng tên, dài khoảng hơn 400 mét.
Thoạt đầu, ai không biết nghe vào sẽ nghĩ chợ Vườn Chuối sẽ là nơi bán nhiều… chuối, hoặc chí ít cũng là khu thu gom chuối từ các tỉnh để phân phối đi những tỉnh thành khác. Thế nhưng, không hề giống như trong tưởng tượng, nơi đây cũng như các khu chợ khác trong TP.HCM bán đủ các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt. Và tất nhiên, có chuối nhưng không đến mức gọi là nhiều.Đường Vườn Chuối nhỏ nhưng đi được hai chiều, thuộc khu vực Cư xá Đô Thành. Từ xưa đến nay, con đường này có nhiều nhà may, tiệm quần áo cũ, áo cưới, quán ăn,… nằm san sát nhau.
Những người sống trong khu vực này cho biết, xóm Vườn Chuối nằm trong khu tập trận. Người dân không ai dám khai khẩn làm gì, chỉ trồng chuối thành vườn rồi từ đó truyền tai nhau gọi tên là xóm Vườn Chuối. Năm 1955, chính quyền Sài Gòn dùng chính tên mà người dân hay gọi để đặt cho chợ và con đường Vườn Chuối ngày nay.
Xóm Vườn Chuối xưa và nay
Theo ông Nguyễn Minh Phương (53 tuổi), một trong những người dân sống từ nhỏ ở đây cho biết: “Trước đây, theo lời cha mẹ tôi kể thì khu Vườn Chuối này toàn là nhà lá, nhưng sau bị cháy, nghi là có người đốt. Rồi từ vụ cháy đó, chính quyền mới lấy đất, phân lô bán lại cho dân lao động hoặc cấp cho những người cán bộ để cất nhà”.
Ông Phương cũng tiết lộ, nơi đây lúc trước còn có những trang trại nuôi ngựa rất lớn. Cho đến những năm 1954 - 1955 thì trở thành khu dân cư đông đúc, náo nhiệt.
Sống trên đường Vườn Chuối đã lâu, bà Nguyễn Thị Yến (68 tuổi) chia sẻ: “Trước giải phóng năm 1975, khu này nổi tiếng là nơi bán vàng chui. Do bị chính quyền xử lí gắt gao nên hầu hết người dân nơi đây bỏ đi nơi khác sinh sống. Bây giờ, những người lớn tuổi hoặc sống lâu năm ở đây không còn nhiều nữa”.
Thay vì những ngôi nhà lá, giờ đây, với sự phát triển của đô thị thì nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên. Đan xen vào đó chỉ còn một vài ngôi nhà cũ kĩ, ọp ẹp đã có từ rất lâu.Trong khu vực chợ Vườn Chuối có một cây bồ đề nằm chễm chệ ở góc chợ. Không ai biết cây này mọc đã bao lâu hay từ khi nào. Chỉ hay rằng người dân thấy cây lâu năm, linh thiêng nên lập bàn thờ dưới gốc cây, rồi mỗi ngày mọi người ra xung quanh nhang khói, hương đèn như một nơi cầu bình an cho gia đình.
“Từ lúc tôi tới ở là đã thấy cây bồ đề này đã có ở đây rồi. Tôi cũng giống người ta, đều đặn ra đây mỗi chiều thắp nhang khấn nguyện, mong được sức khỏe, an yên”, một người dân thắp nhang dưới gốc cây bồ đề chia sẻ.Chợ Vườn Chuối còn được nhắc đến như một “thiên đường ẩm thực” mời gọi các tín đồ đam mê ăn uống ghé lại. Từ các món ăn vặt, ăn chơi đến các món ăn mang đặc trưng vùng miền, món nào cũng hấp dẫn và thu hút thực khách. Thú vị nhất có thể kể tới nhiều loại bún ở khắp các vùng miền khác nhau như: bún bò Huế, bún đậu mắm tôm, bún mọc...
Theo Hồng Thắm (Thanh Niên)
Du lịch, GO!
2 Comments
Nhắc đến khu Vườn Chuối mà không nói đến đường xe lửa ngày xưa chạy qua nay là đường Nguyễn Thượng Hiền coi như một thiếu sót lớn .
Trả lờiXóaDạ, sẽ có cho bác.
XóaĐăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.