(VNE) - 7 người đi qua chặng đường gần 60 km để khám phá 2 đỉnh núi Tà Chì Nhù và Tà Xùa trong 4 ngày.

Lê Nguyên Đình (1987), du khách từ Đà Nẵng, có chuyến đi "vượt lên nhiều giới hạn của bản thân" cùng bạn bè vào đầu tháng 10.

Với Đình, ký ức về hai cung đường núi của Yên Bái gợi lại những cảm xúc mạnh mẽ khi vượt sống lưng khủng long, đi qua các đoạn bùn lầy, vượt dốc khi mưa lớn và chạm tay vào cột mốc trên đỉnh.

Lên đỉnh, leo xuống, rồi lại leo lên

Đình và các bạn đồng hành quen nhau qua các nhóm du lịch tự túc trên mạng xã hội. Một nửa số thành viên đã có nhiều kinh nghiệm leo núi, nửa còn lại là lần đầu. Chuyến đi được thực hiện từ ý tưởng "leo 2 đỉnh cho đỡ mất công đi", đồng thời, các thành viên cũng muốn thử thách bản thân. Họ thuê một người bản địa dẫn đường và gùi đồ, còn lại tự chuẩn bị các vật dụng cá nhân, đồ ăn...

Với lịch trình khá dày đặc, nhóm khởi hành từ Hà Nội lúc 20h, nghỉ đêm tại Trạm Tấu (Yên Bái). Ngày đầu tiên, Đình và các bạn bắt đầu leo Tà Chì Nhù lúc 9h từ Mỏ Chì (chân núi). Đường lên núi đa phần là các đoạn dốc cao, phải băng qua suối, đến tầm trưa, họ mới dừng chân nghỉ ngơi và ăn bên cạnh con suối nhỏ.

Đang ăn, đoàn gặp cơn mưa nên phải nghỉ 1 tiếng. Sau đó nhóm tiếp tục trekking lên điểm nghỉ qua đồi Ba Cây và những ngọn núi hùng vĩ xung quanh. 16h, đoàn đến lán nghỉ tại cao độ 2.400 m.

Hôm sau, nhóm dậy sớm đón bình minh, bắt đầu leo lên đỉnh. Từ quãng đường này, mọi người thích thú ngắm đồi hoa Chi Pâu tím trải dài theo sườn núi, chỉ nở rộ vào tháng 10 – 11.

Khoảng 9h sáng, Đình đến đỉnh Tà Nhì Chù cao 2.979 m. Chụp hình xong, nhóm quay về lán lấy đồ rồi xuống núi, về lại Trạm Tấu nghỉ ngơi và tắm khoáng.

Ngày thứ 3, cả đoàn đang đi xe ôm sang chân núi Tà Xùa thì trời mưa lớn, xe bị hỏng và phải đợi đến 9h mới bắt đầu leo. 15h, nhóm đến được lán nghỉ ở đầu sống lưng khủng long, ở độ cao khoảng 2.400 m. Họ tranh thủ ngắm hoàng hôn, nghỉ ngơi sớm để hôm sau leo lên đỉnh.

Sáng ngày thứ tư, nhóm dậy từ 4h sáng, săn mây và bắt đầu lên đỉnh cao nhất của núi Tà Xùa. "Bắt đầu đoạn đường này, chúng mình phải băng qua sống lưng khủng long. Cả nhóm bám vào sợi dây cáp để di chuyển, hai bên có nơi là vách đá dựng đứng rất nguy hiểm", Đình kể.

Sau khi vượt qua sống lưng khủng long, đoàn đến khu rừng nguyên sinh trải dài từ độ cao khoảng 2.600 m lên tận đỉnh. Đình ví nơi này ma mị, cổ tích như cảnh trong phim "Alice in Wonderland" (Alice ở xứ sở thần tiên). Anh choáng ngợp với những thảm rêu xanh trải từ dưới mặt đất đến các cây cổ thụ cao vút.

Tuy nhiên, Đình cũng cho rằng đây là đoạn có địa hình khó nhất, người leo dễ mất sức do đường trơn trượt, bùn lầy. Đồng thời, địa hình nơi đây nhiều khu rừng khác nhau, đòi hỏi người leo phải băng rừng, lên xuống liên tục thay vì leo thẳng.

Tầm 11h, nhóm đến đỉnh Tà Xùa, ăn trưa rồi nhanh chóng xuống để kịp về trong ngày. "Lúc xuống cả nhóm như được tiếp thêm năng lượng, di chuyển rất nhanh, tầm 15h đã đến lán nghỉ, lấy đồ và cố đi nhanh xuống núi. Đường lầy, mưa và khó đi nên phải gần 20h chúng mình mới đến chỗ đón được xe ôm để về lại nhà nghỉ", Đình bồi hồi nói.

Vượt lên giới hạn của bản thân

Để thực hiện được chuyến đi này, Đình và các bạn phải rất cố gắng, bởi thông thường các tour leo riêng núi Tà Xùa sẽ diễn ra trong 3 ngày 2 đêm, thay vì chỉ đi 2 ngày 1 đêm như nhóm.

Với Đình, điều quyết định sự thành công của chuyến đi là tinh thần lạc quan, vui vẻ và sự gắn kết của cả nhóm. Suốt chặng, mọi người luôn quan tâm và động viên lẫn nhau.

"Đêm ngày 3, trước khi lên đỉnh Tà Xùa, mình bị trúng gió, nghĩ là sáng hôm sau sẽ bỏ cuộc. Nhưng mọi người trong đoàn đã đánh gió và ủ ấm cho mình, nên sáng hôm sau mình khỏe luôn", Đình kể lại.

Có những lúc xuống tinh thần, anh tìm nơi có cảnh đẹp, ngắm nhìn thiên nhiên một lúc để lấy năng lượng đi tiếp. Với các bạn trong đoàn, Đình cũng thường động viên đi thêm 30 phút - 1 tiếng nữa đến chỗ có cảnh đẹp để mọi người có thể tiếp tục.

"So với leo một đỉnh, leo hai đỉnh cần chuẩn bị một tinh thần thép. Khi xuống đỉnh lần 1, cơ thể đã rã rời và muốn nghỉ ngơi, ngủ một đêm cũng chưa hồi phục được. Nếu tâm lý không tốt, bạn sẽ không muốn đi tiếp. Bản thân nhóm mình cũng băn khoăn có nên nghỉ một đêm hay không, nhưng vẫn quyết định đi liền 2 đỉnh luôn", Đình chia sẻ.

Trong nhóm có 4 bạn nữ, song sức leo cũng không hề kém cạnh. "Thực ra mình không phải người khỏe. Hồi tháng 3 mình từng leo Tà Chì Nhù nhưng bỏ cuộc vì gió thổi quá to. Lần này, không ai tin mình leo được 2 núi. Nhóm mình rất lạc quan, sẵn sàng đối điện với mọi tình huống như mưa, nắng, mệt, đau chân... Mọi người vừa leo vừa hát vừa nhảy, đi về không ai than mệt mà vẫn là tiếng cười, mình tự dưng được thêm năng lượng", Quỳnh Trang, một người bạn cùng đoàn, nói.

"Những bước chân đầu tiên khi leo đỉnh thứ hai - Tà Xùa, mình oải. Chân còn bị trùng gối, cơ thể chưa phục hồi sau một đêm nghỉ. Bỗng có một cơn mưa ập xuống, mát lạnh, mình phải vội đi nhanh để không bị ngâm nước lâu, vậy là tự dưng hết mệt", Trang nói thêm.

Một số lưu ý cho du khách

Về kinh nghiệm khám phá cung đường này, Đình chia sẻ:

- Chi phí toàn bộ chuyến đi là 4,5 triệu đồng/người. Bao gồm tiền xe, nghỉ 3 đêm tại lán, ăn uống và thuê người dẫn đường.

- Cung này phù hợp hơn với các bạn đã có kinh nghiệm, cần tập thể lực và chuẩn bị đồ leo núi chuyên nghiệp. Một số đồ dùng cần thiết: balo 20 - 30 kg, áo quần nhanh khô, bật lửa, đèn pin đội đầu, găng tay, bếp nhỏ, dép than tổ ong, 2 đôi tất, áo mưa, kẹo, bình nước giữ nhiệt, miếng dán nhiệt, áo khoác ấm.

- Khi mệt thì chỉ dừng 1 - 2 phút, không dừng quá lâu vì cơ thể sẽ mệt hơn và dễ bị chuột rút.

- Khi gặp vấn đề, tình huống bất ngờ, bạn nên bình tĩnh xử lý. Luôn lạc quan.

- Lán nghỉ ở Tà Chì Nhù gần suối và sạch sẽ, có thể tắm. Lán ở Tà Xùa không có nước, nước chỉ dùng để nấu ăn và rửa chân tay.

Thời điểm lý tưởng để ngắm Tà Chì Nhù và Tà Xùa là vào mùa đông và mùa xuân (tháng 11 - tháng 4). Từ Hà Nội, du khách có thể đi xe khách đến Nghĩa Lộ (Yên Bái), giá vé 150.000 - 200.000 đồng/lượt. Đến Nghĩa Lộ, bạn đi đến Trạm Tấu bằng taxi (350.000 đồng/lượt) hoặc xe ôm (khoảng 100.000 - 150.000 đồng/lượt). Từ trung tâm huyện, theo hướng xã Xà Hồ là đường chinh phục Tà Chì Nhù, hoặc vào xã Bản Công để vượt đỉnh Tà Xùa.

Theo Ngân Dương (Vnexpress)

Du lịch, GO!