(BTH) - Trên hành trình 410 km đổ vào đất Việt, sự hùng vĩ của dòng Mã giang được con người tô điểm thêm bằng những cây cầu với nhiều dấu ấn huyền thoại, những cây cầu ấy đã và đang là động lực tạo nên một xứ Thanh mang tầm vóc mới.

Sông Mã bắt đầu bằng hợp lưu các con suối ở vùng biên giới Việt – Lào tại tỉnh Điện Biên, xuyên qua đất Sơn La, đến biên giới Lào - Việt thì đổ vào Thanh Hóa qua vùng biên giới Tén Tằn, Mường Lát, ra Biển Đông qua cửa Hới (Sầm Sơn), hai cửa phụ là sông Lèn và Lạch Trường với tổng chiều dài 512km (trên lãnh thổ Việt Nam dài 410 km). Dòng sông Mã giữ một vai trò vô cùng quan trọng tạo dựng nên diện mạo xứ Thanh từ miền xuôi đến miền ngược.

Nhắc đến dòng sông Mã oai hùng, người dân xứ Thanh nói riêng, người dân đất Việt nói chung đều nghĩ ngay đến cầu Hàm Rồng lịch sử. Cây cầu gắn liền với những biến cố, thăng trầm lịch sử qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc. Nơi đây được xem là “yết hầu” của “con đường huyết mạch” một thời, là niềm tự hào của dân tộc trong một giai đoạn lịch sử oanh liệt. Đây là cây cầu rất nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam, là trọng điểm của cuộc đấu tranh bảo vệ giao thông. Tên gọi Hàm Rồng đã trở thành tiếng gọi thiêng liêng của cả nước, cây cầu này còn có tên gọi khác là: Cầu 19 tháng 5. Trong chiến tranh, Cầu Hàm Rồng có vị trí giao thông rất quan trọng là cầu đường sắt duy nhất đi qua sông Mã.

Cầu Hàm Rồng cũ do Pháp xây dựng năm 1904 là cầu vòm thép không có trụ ở giữa. Năm 1962 cầu Hàm Rồng mới được khởi công xây dựng. Khánh thành ngày 19 tháng 5 năm 1964, cầu gồm 2 nhịp dầm thép, ở giữa là đường sắt, hai bên là đường ô tô và đường dành cho người đi bộ. Từ tháng 12-2000, sau khi cầu Hoàng Long khánh thành, cầu Hàm Rồng chỉ phục vụ chủ yếu cho ngành đường sắt.

Cầu Hàm Rồng ngày nay trở thành một di tích lịch sử vô giá, là một địa điểm tham quan thu hút khách du lịch mỗi khi tới thành phố Thanh Hóa. Học sinh, sinh viên thường hay lên cầu để nô đùa, ngắm cảnh hoàng hôn.

Song song với cầy Hàm Rồng lịch sử là cầu Hoàng Long thơ mộng. Đây là cây cầu nối đôi bờ sông Mã được khánh thành vào tháng 12–2000.

Cầu Hoàng Long ra đời không chỉ người dân hai đầu cầu thuộc TP Thanh Hóa và huyện Hoằng Hóa được hưởng lợi mà nó còn tạo điều kiện thuận lợi giao thương cho tuyến giao thông Bắc – Nam.

Cầu Hoàng Long ra đời đã gỡ nút “thắt cổ chai” của tuyến đường huyết mạch quốc gia – Quốc lô 1A tại vị trí cầu Hàm Rồng. Sau 20 năm đi vào sử dụng, cầu Hoàng Long và cầu vượt Hàm Rồng vẫn phát huy tốt vai trò huyết mạch giao thông cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cách cầu Hoàng Long không xa là cầu Nguyệt Viên bắc qua sông Mã có tổng chiều dài 1045,4m, rộng 20,5m, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ với 22 nhịp: 3 nhịp dầm liên tục đúc hẫng cân bằng trên các trụ từ P9 đến P12 và 19 nhịp dầm giản đơn SuperT dài 33 và 38.

Cầu Nguyệt Viên là cây cầu lớn nhất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho đến nay. Cầu có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm tai nạn và ùn tắc giao thông của quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Trước đó, cầu Hoàng Long đã quá tải, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Vì vậy, cầu Nguyệt Viên đưa vào sử dụng đã ghi một dấu mốc quan trọng trong quá trình, xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng trên hệ thống huyết mạch giao thông quốc gia.

Cầu treo Cẩm Lương bắc qua con sông Mã, nối xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy với quốc lộ 217. Đây cũng là con đường về thăm khu du lịch suối cá thần Cẩm Lương - một trong những danh thắng không thể bỏ qua khi về với xứ Thanh.

Đôi khi, sông Mã như một ranh giới ngăn cách giữa các huyện với nhau. Và cầu Kiểu (huyện Yên Định) ra đời có nhiệm vụ nối liền những khoảng cách đó. Đây là một trong những cây cầu có nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong những tuyến giao thông huyết mạch của huyện Vĩnh Lộc - Yên Định nói riêng và của cả của tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Cầu Yên Hoành được khởi công xây dựng từ tháng 5-2010 do Sở GTVT Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, cầu được thi công theo phương pháp đúc hẫng cân bằng, chiều dài cầu 395m, mặt cầu 2 làn xe rộng 10m; đường hai đầu cầu dài 7km nối tuyến QL 45 (thuộc huyện Yên Định) với QL 217 (huyện Vĩnh Lộc). Mặt đường 2 làn xe rộng 8m, kết cấu mặt đường thảm bê tông nhựa.

Tổng mức đầu tư toàn bộ dự án là 311 tỷ đồng (trong đó, Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam đã tài trợ gần 90 tỷ đồng).

Dự án đi vào sử dụng không những mở rộng mạng lưới giao thông mà còn tạo điều kiện cho bà con nhân dân trong vùng đi lại thuận tiện, giao thương hàng hóa. Đặc biệt là đã xóa bỏ bến phà, đảm bảo ATGT cho nhân dân nhất là trong mùa mưa lũ.

Trên dòng Mã giang, cầu Chiềng Nưa là một trong những hạng mục quan trọng thuộc dự án tuyến đường nối miền Tây Thanh Hóa, nối bản Chiềng Nưa (xã Mường Lý) với bản Sao Lư (xã Trung Lý), giá trị xây lắp hơn 71 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Cầu Chiềng Nưa cũng là một trong số ít các cây cầu có quy mô lớn nhất các huyện miền núi Thanh Hóa. Cây cầu này có chiều dài 278m, rộng 8m, thiết kế chiều cao trụ chính tới 48m.

Cây cầu lớn nhất huyện Mường Lát này khi đi vào khai thác sẽ phá vỡ thế cô lập bởi dòng sông Mã của nhiều bản ở các xã Mường Lý, Trung Lý, góp phần phát triển kinh tế, xã hội cả một vùng rộng lớn của huyện Mường Lát.

Những cây cầu ngày đêm soi bóng xuống dòng sông Mã đã và đang góp phần tô thắm thêm cho đất và người xứ Thanh.

Theo Hoài Thu – Hoàng Đông (Báo Thanh Hóa)

Du lịch, GO!