(BQN) - Từ xa xưa Long Phụng, xã Đức Thắng (Mộ Đức) là vùng đất nổi tiếng trai thanh, gái lịch. Tuy nằm sát bờ biển, nhưng nhờ dãy núi nằm ngang ngăn giữ phù sa của sông Vệ bồi đắp không để chảy ra biển nên quanh năm ruộng đồng tốt tươi, xóm làng trù phú. Nhiều người biết đến miền đất này một phần do núi Long Phụng hình thế đẹp gắn liền với những giai thoại giàu chất liệu văn hoá, làm nên nét riêng của một miền quê xứ Quảng.

Trải bao năm tháng nhiều đổi thay, nhưng dấu ấn về núi Long Phụng không hề phai mờ. Núi chạy theo hướng bắc nam, dài khoảng 2 cây số, cao chừng 70m nằm giữa các thôn Dương Quang ở phía đông nam, thôn Gia Hoà ở phía tây, đông bắc là thôn Tân Định, phía bắc gồm hai thôn An Tĩnh và Thanh Long, còn phía đông giáp biển.

Từ xa xưa, giới văn nhân quan sát qua góc nhìn bốn hướng rồi cảm nhận núi có hình tứ diện long. Đặc biệt nhìn từ tây bắc, xa xa núi rõ dáng đầu rồng, đuôi phụng. Về cụ thể địa hình thì núi Long ở phía nam nối liền núi Phụng ở phía bắc, cuối đuôi Long Phụng là núi Một. Đỉnh núi Long chồng chất đá, có tảng trắng bạch, có tảng trắng trong nên núi còn có tên Đá Bạc. Người địa phương cho rằng, đầu rồng hướng về phía tây nơi núi Long.

Mỗi khi chiều xuống rồng vươn đầu, há miệng như muốn ôm lấy mặt trời đỏ lựng. Ấn tượng nhất lúc hoàng hôn rọi vào núi, màu trắng của đá rực lên trong ánh nắng vàng giữa màu xanh của cỏ cây, sắc núi. Sau núi Long là núi Phụng, đất đỏ như son, gợi nhớ giai thoại Cao Biền yểm đất phương Nam làm đứt long mạch máu rồng loang đỏ một vùng đồi. Núi Một ở cuối dải, đứng một mình, tương truyền trên ấy có khối đá vôi to, nơi từng lưu lại dấu tích văn hoá Chăm. Giữa lưng chừng núi Long hướng ra biển, lộ rõ một hang đá, đó là chùa Ông Rau.

Chuyện kể về một vị sư không rõ từ đâu đến lập chùa tu niệm, trồng rau làm nguồn thức ăn. Vị sư này tu cách biệt, hằng ngày tham thiền nhập định, trưa ăn rau độ nhựt. Sau một thời gian tu luyện vị sư vắng bóng lúc nào và đi đâu không ai biết được, chỉ để lại trong lòng người hậu thế sự huyền bí và nỗi niềm thương cảm hướng thiện. Chùa Ông Rau có tên từ đó, nay là di tích văn hoá cấp tỉnh, hiện vẫn còn ba bệ thờ.

Trong quần thể núi Long Phụng còn có núi Trụ Bồ, địa danh này xuất hiện từ thời kháng chiến chống Pháp. Nơi ngọn cao và thuận lợi nhất người ta đặt một trụ vững chắc, khi có giặc Pháp từ biển tiến vào đất liền, lập tức đội dân quân canh giữ biển kéo chiếc bồ đập lúa lên và đánh trống báo động. Nhờ vậy phía đất liền biết và tiếp tục báo động sang làng xã lân cận để sẵn sàng chiến đấu chống giặc. Núi Trụ Bồ đáng được công nhận di tích lịch sử!

Về Long Phụng ta còn được biết anh em Huỳnh Văn Thuận và Huỳnh Thị Cúc là các vị tướng tài của Tây Sơn. Riêng Huỳnh Thị Cúc trong Ngũ phụng tề phi từng theo giúp nữ tướng Bùi Thị Xuân. Xã được công nhận anh hùng lực lượng vũ trang thời chống Mỹ vào năm 2007. Nhờ kênh Thạch Nham đưa nước tận ruộng vườn nên đất phù sa sông Vệ càng phát huy màu mỡ, cùng với sự cần cù lao động, người dân nơi đây đã làm nên những mùa vàng trĩu hạt.

Núi Long Phụng còn đẹp ở tầm nhìn trông ra bốn hướng. Phía bắc là dòng Vệ Giang dáng vẻ nên thơ trên đường ra cửa Lở. Chếch về đông bắc lúc trời trong sẽ nhìn thấy được mũi Ba Làng An vươn mình ra biển và đảo Lý Sơn ẩn hiện trong làn sương. Phía nam nhấp nhô núi đồi xen lẫn xóm làng đến tận Sa Huỳnh.

Phía tây trước khi đến núi là ruộng đồng Mộ Đức có dòng sông Thoa hiền hoà bốn mùa êm ả chảy. Còn phía đông là biển cả bao la đầy gió và vị mặn với bãi Tân Định như nàng tiên biển còn đang giấc ngủ. Long Phụng sẽ là điểm đến hấp dẫn trong quần thể du lịch sinh thái làng và biển khi tuyến đường vành đai Dung Quất - Sa Huỳnh xây dựng hoàn thành.

"Lấn tự hơn lấn điền"

Địa hình Đức Thắng nằm sát biển, cuối nguồn thuỷ lợi, luôn đối mặt với hạn hán, giông bão, là một trong bốn xã khó khăn vùng bãi ngang của Mộ Đức được hưởng chế độ ưu tiên đầu tư hỗ trợ của Chính phủ. Bởi đất không đẻ mà dân số thì tăng, nếu chỉ thuần tuý nông nghiệp thì cuộc sống sẽ chậm đổi thay phát triển. Cho nên trong câu chuyện truyền miệng của người dân giờ đây có lời nói: “Lấn tự hơn lấn điền ”, nghĩa là nhiều chữ hơn nhiều ruộng, hàm ý khuyến khích sự học hành.

Theo Bùi Văn Tạo (Quảng Ngãi online)
Du lịch, GO!

Núi Long Phụng - Quảng Ngãi
Biển Tân Định: Nét đẹp hoang sơ