(QNO) - Một mùa xuân nữa lại về, những ngày cuối năm Âm lịch, rảo bước trên những con đường, ngóc ngách ở Thu Xà, vị của Tết đã thoang thoảng khắp nơi. Cũng là hương vị ẩm thực bánh trái, là hương thơm nồng nàn của nghề làm nhang, là sắc hoa mai đang dần hé nở như nhiều vùng quê khác, nhưng vị Tết ở đây toát lên nét đặc trưng, từ giá trị văn hóa của vùng đất và con người nơi đây.

< Nghề làm bánh in truyền thống nổi tiếng ở Thu Xà. Trong ảnh, vợ anh Đạt và các nhân công tất bật làm bánh cung ứng cho thị trường Tết.

Trong ký ức của những bậc cao niên, phổ cổ Thu Xà xưa ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) là nơi từng tập trung đông dân cư buôn bán, giao thương sầm uất và từ đó hình thành nhiều nghề đặc trưng mang nét truyền thống riêng biệt.

Trải qua những năm tháng chiến tranh và guồng quay nhịp sống hiện đại, nhiều ngành nghề dần bị mai một. Tuy nhiên, vẫn còn một số gia đình, những truyền nhân giữ gìn nghề truyền thống như một minh chứng cho quá trình hình thành và phát triển, sự đổi thay của vùng đất xưa.

< Những chiếc bánh in truyền thống bọc trong giấy bóng màu thường bán rất chạy trong dịp Tết để cúng ông bà, tổ tiên.

Cận Tết, đến đầu xóm nhà ông Võ Minh Đạt, 52 tuổi, hương của nếp, vị ngọt của đường từ nghề làm bánh in lan tỏa thơm phức từ nơi góc nhà bếp. Ngôi nhà của ông trải qua bao đời, dù có sửa sang lại nhiều lần thì căn bếp vẫn giữ nguyên vẹn không gian như trước đây để lưu giữ nghề truyền thống của gia đình. Cái nghề đã có từ thời của ông nội và đến thế hệ của ông Đạt đã ngót gần 30 năm.

“Bây giờ có nhiều món bánh kẹo, mứt ứng dụng máy móc hiện đại nên nghề làm bánh truyền thống chẳng còn mấy ai giữ. Nghề làm bánh in ở đây có lẽ còn duy nhất chỉ còn gia đình tôi với 3 anh, chị, em cố níu giữ cái nghề mà tổ tiên đã để lại cho con cháu, mưu sinh đến tận ngày nay. Tôi tự hào lắm! Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về lại rạo rực trong lòng kỉ niệm của nghề làm bánh khi xưa, hàng chục người trong xóm cùng đến nhà để làm bánh lấy công”, ông Đạt chia sẻ.

< Người dân làm bánh thuẫn truyền thống ở Thu Xà. Với họ, làm bánh không chỉ là để bán kiếm thêm thu nhập mà còn cảm nhận được sự ấm áp của Tết từ bếp lửa than.

Dù là ngày thường hay ngày Tết, mỗi gia đình anh chị em nhà ông Đạt vẫn luôn giữ nghề. Chỉ khác ngày thường làm ít với vài chục ký nếp trong ngày thường và tăng lên vài trăm ký trong dịp Tết. Bánh được in với đủ hình dạng, hoa văn bắt mắt, bọc đủ các loại giấy cẩn thận.

Bà Võ Thị Thu Thảo, 50 tuổi, chị gái của ông bộc bạch rằng: “Bây giờ người dân ít làm nên mấy chị em làm cũng đủ sống. Vài năm trở lại lại đây, một số ít người đã dần quay về với bánh trái truyền thống, chị em tôi còn có động lực giữ nghề. Vì thế, hương bánh in vẫn thoang thoảng nơi góc phố Thu Xà. Ngày Tết đặt sấp bánh in, bánh thuẫn, bánh nổ truyền thống trên bàn gia tiên lại thấy trang trọng vô cùng”.

< Tết về, niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của người dân ở đây.

Cũng nằm trong một con hẻm với nhà ông Đạt, đó là nhà của ông Ngô Minh Thành, 60 tuổi. Những ngày này, lò bánh thuẫn ở nhà ông tấp nập người ra vào. Người đến đặt vài chục bánh. Người mang bột, trứng đến đổ nhờ. Mọi người trò chuyện trong niềm vui rôm rả khi công việc ngoài đồng áng tạm xong và chuẩn bị đón Tết.

"Tôi làm bánh trong hàng chục năm qua trong dịp Tết không chỉ để bán kiếm tiền mà còn là để nguôi ngoa nỗi nhớ về hương vị Tết xưa trong những con hẻm của phố cổ. Tết vui nhất vẫn là thời điểm cận Tết. Ngày đó vui và nhộn nhịp lắm! Chỉ cần thấy các bà, các mẹ thổi bếp than để làm bánh, bọn trẻ chúng tôi đã bu quanh để được thưởng thức đầu tiên. Tết mà nhóm bếp lửa, bếp than trong nhà thấy ấm áp vô cùng. Vì thế chưa bao giờ lửa Tết tắt trong ngôi nhà của tôi”, ông nói.

< Ông Nguyễn Thành Trung chăm chút lại cây mai trước nhà để đón Tết.

Nhớ về cái Tết của ngày xưa mà không ít người luyến tiếc. Họ nhớ về cái thời vàng son trong quá khứ mà bây giờ chỉ còn hiện hữu trong trí nhớ. Đó là những dãy phố đẹp lung linh với lồng đèn trang trí, những ngôi nhà cổ mà nhiều thế hệ gia đình cùng cùng quây quần gắn bó trong bữa cơm chiều 30 Tết.  Nhưng tiếc thay, thời gian đã xóa đi những công trình kiến trúc của phố cổ bình yên khi xưa.

Lang thang trên một góc phố, chúng tôi gặp ông Nguyễn Thành Trung, 71 tuổi, một nhà may có tiếng suốt hơn 50 năm qua ở Thu Xà. Những ngày này, công việc của ông khá bận rộn để chuẩn bị những bộ trang phục tươm tất cho cánh đàn ông chưng diện 3 ngày Tết.

Giữa những ngôi nhà cấp bốn và cao tầng khang trang, ngôi nhà của ông vẫn giữa nguyên những nét riêng, cổ kính của gian nhà xưa. Vẻ đẹp của cây mai trước nhà càng tăng thêm nét mộc mạc, giản dị của một gia đình có truyền thống hiếu học ở địa phương.

< Một góc Thu Xà hôm nay. Tết hiện rõ trên mỗi nét mặt tươi vui của nhiều người và điệu nhảy chân sáo tung tăng ngoài ngõ của trẻ thơ.

Ông bảo rằng, không còn bao lâu nữa là Tết đã về. Bây giờ nhà cửa đã được dọn dẹp sạch sẽ, chỉ chờ con cháu hội tụ về ăn Tết. Dù rằng bọn trẻ đều đã trưởng thành, làm ăn phát đạt nhưng ông vẫn luôn giữ lại ngôi nhà này. Phố cổ cái gì càng cổ lại càng đẹp. Nói rồi, ông dừng việc may vá, bước ra sân chăm chút cho gốc me đang hé nở...

Tết dường như lúc nào cũng đến sớm hơn trong lòng phố cổ xưa, qua nhịp sống khẩn trương, hối hả ở làng nghề, với nét bình yên, trầm mặc trên những nẻo đường. Tết hiện rõ trên mỗi nét mặt tươi vui của người lớn và điệu nhảy chân sáo tung tăng ngoài ngõ của trẻ thơ. Từ trong sâu thẳm, người dân ở Thu Xà thực sự tự hào về vùng đất ở nơi mình sinh sống, góp phần để Tết truyền thống thêm đậm đà bản sắc.

Theo Gia Nghi (Báo Quảng Ngãi)
Du lịch, GO!