(QNO) - Cái giếng Tiên ấy nằm trên một ngọn đồi cao đầy huyền tích và bi tráng. Nó chứa nước trời, quanh năm dịu mát, mùa hành hương nào cũng đông kín khách thập phương chờ lấy uống. Họ tin rằng những giọt nước mát trong từ giếng Tiên chính là phước lành của đấng cứu thế. Cũng phải, nó nằm ngay tiền sảnh của nhà thờ Công giáo Trà Kiệu quanh năm vẳng tiếng kinh cầu. Dân xóm đạo tin vào phước lành từ giếng Tiên đến mức có năm vào mùa khô kiệt, giếng cạn, giáo dân đã gánh nước từ giếng nhà lên đồi, đổ vào đấy. Ý nghĩa của cái giếng này được phỏng theo tích Chúa Giê-su xin nước uống bên giếng của người phụ nữ xứ Samari - được kể trong sách phúc âm Gioan. Bởi thế mà giếng phải đầy nước quanh năm.

Tôi thức dậy thật sớm, vào sáng mùng 2 Tết để lên đồi Bửu Châu (hòn Non Trược), nơi tọa lạc nhà thờ Công giáo Trà Kiệu, những mong là người đầu tiên trong ngày thả chiếc gàu xuống giếng Tiên.

Giáo đường sớm nguyên đán lặng yên trong gió xuân, hoa trái khoe sắc bốn bề. Phóng tầm mắt về phía nam là dãy núi Chúa chắn ngang, quay mặt về hướng bắc là sông Thu Bồn chảy qua... Quá khen người xưa đã chọn địa thế này!

Mười bảy thế kỷ trước, chốn này là kinh đô Chămpa. Sau nhiều lần bị Đại Việt chinh phạt, triều thần Chămpa phải dời đô về Đồng Dương, rồi Đồ Bàn. Tiếng vó ngựa quân vương Bhadvarman thuở nào nay đã tuyệt âm nhưng dấu tích Simhapura - thành Sư tử vẫn còn đó.

Tôi sống dưới chân thành đổ nát ấy đã hơn nửa đời người, đọc và nghe kể biết bao giai thoại về người Chăm, về “ma Hời”, nghe nhiều tới mức nhập tâm, đêm đêm không dám ra ngoài vì ám ảnh “muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi” (thơ Chế Lan Viên).

Cách đó khoảng 10km về phía tây là Khu đền tháp Mỹ Sơn, cũng là di tích thời Chămpa để lại. Sống trên đất thánh, vì thế phải giàu đức tin.

- Ông không phải dân Công giáo, sáng đầu năm đi lễ nhà thờ làm chi?

- Lên nhà thờ Đức Mẹ để uống nước giếng Tiên cầu may.

- Dân “ngoại đạo” uống thì đâu có hên?

Tôi né trả lời người đi cùng. Úp mặt vào gàu nước ngọt lịm, tôi húp từng ngụm, rồi soi bóng xuống giếng thật lâu. Và tôi hét lên. Từ đáy sâu trong veo kia tịnh không một hồi đáp, chỉ thăm thẳm một khoảng trời xuân xanh trong.

- Xuống Hoàn Châu đi, cũng có giếng cổ hay lắm.

Hoàn Châu cũng thuộc Ngũ xã Trà Kiệu - một trong “Quảng Nam tam đại xã” (nhất Trà Kiệu, nhì La Qua, ba Tú Tràng) nhưng là xóm lương giáo, nằm ngay dưới chân đồi Bửu Châu này. Giếng cổ nằm bên đường làng ngoằn ngoèo rợp bóng cây. Ngày Tết, nhà nhà dọn cỗ cúng ông bà, đốt hương trầm tỏa thơm ngát. Và giếng - nơi lấy nước - trở thành điểm hẹn đông vui. Văn bia tại đây có ghi “Minh Mạng tam niên”, suy ra giếng được đào vào năm 1822, tới nay đã gần 200 tuổi.

Tôi soi mặt xuống lòng giếng sâu được xây tầng tầng lớp lớp đá Hời, không một chút vôi vữa nào. Nước trong thấu đáy, tôi soi bóng thật lâu và ngước lên, bần thần. Sách vở dạy rằng muốn hiểu làng, hãy tìm tới giếng; muốn biết niên đại của một vùng, nên quan sát vật liệu (gạch, đá) trong lòng giếng.

Giếng không cần sâu mà đầy quanh năm, thành giếng rêu phong cũ kỹ mà nước trong xanh, uống tới đâu nghe mát người tới đó, chính là lộc của làng. Giếng là nguồn sống, là chứng nhân của làng. Giếng đo được chiều sâu của làng. Con đất nếu là địa linh, người làng nếu sống có tình có nghĩa, thì trời sẽ ban lộc: lộc giếng - lộc làng!

Có phải vậy chăng mà xứ sở Trà Kiệu này trù mật quá. Cái tên Bến Giá ngày xưa có phải là khúc sông phồn hoa trước mặt thành Sư tử, từ khúc sông này thông thương Trà Kiệu với dinh trấn Thanh Chiêm thẳng xuống Hội An rồi ra Cửa Đợi?

Cũng dễ vậy lắm bởi bằng chứng là cuộc hạnh ngộ giữa chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan và kiều nữ quê tằm tang Đông Yên Đoàn Thị Ngọc trong một đêm chúa dạo thuyền trên sông Chợ Củi (Thu Bồn bây giờ), rồi xa giá rước nàng về dinh, trở thành hoàng hậu của xứ Đàng Trong.

Cuộc hôn nhân của thân phụ chúa Thượng (chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên) và bà Mạc Thị Giai (cháu gọi Thống binh Mạc Cảnh Huống là chú) trước đó cũng kết thành trên đất Trà Kiệu này.

Hiện lăng mộ của Hiếu Văn hoàng hậu Mạc Thị Giai (Vĩnh Diễn) và Hiếu Chiêu hoàng hậu Đoàn Thị Ngọc (Vĩnh Diên) vẫn tọa lạc và được chiêm bái ở đây. Hẳn địa phận Trà Kiệu là đất lành!

- “Làm chi mà soi lâu rứa?”. Tôi giật mình bởi cú đập vào vai của người đi cùng, dòng suy tưởng bị cắt giữa chừng. “Soi để tìm… lộc”.

Là lộc của mẹ tôi. Đi bất cứ nơi đâu có giếng cổ, tôi cũng gắng tới cho bằng được và nhìn soi xuống đáy, kiếm tìm. Tôi thấy bóng tôi như gặp lại mẹ mình, mẹ của một ngày xuân xa lắc.

Một chiều 30 Tết của hơn 30 năm trước, trời lạnh căm căm. Mấy đứa trẻ ở làng Trà Kiệu Tây trong đó có tôi theo người lớn ra xóm Thành (thành chạy dọc phế đô Simhapura) để đãi mót vàng cám. Thời đó người ta tìm trong lớp đất đen dưới mấy hố khảo cổ được vàng nhiều lắm, kháo nhau là vàng Hời (Chăm). Lặn ngụp cả buổi và trở về nhà ướt nhẹp, dính đầy bùn đất, co ro, tôi bị mẹ nện một trận roi nhớ đời. Rồi mẹ bảo thay đồ, kêu tôi vào buồng, lì xì một đồng xu, hình tròn, khắc 4 chữ Hán, giữa có lỗ vuông. Mẹ nói đó là đồng tiền cổ, quý hiếm, không dùng được, giữ lấy lộc. Tôi khoe với ông nội, nhờ ông đọc, đó là 4 chữ “Quang Trung thông bảo”.

Tôi hay bỏ đồng tiền xu trong túi áo, như vật bất ly thân. Rồi một lần cúi mình xuống giếng múc nước, đồng xu rơi thẳng xuống đáy, mất tăm. Tôi khóc bù loa và giấu mẹ, mấy lần nhờ anh hàng xóm lén lặn xuống giếng tìm mà không được. Ông nội tôi biết chuyện, ra lệnh cấm: “Giếng ni là giếng Hời, linh lắm, tụi bây không được dẫn xác xuống đó”. Thế là mất hẳn đồng xu.

Mẹ tôi về miền miên viễn. Giếng bị lấp để mở đường nông thôn, chỉ còn mớ gạch Chăm vì tiếc của nên được lưu dụng đến giờ. Đồng xu lì xì năm ấy - lộc của mẹ tôi - mãi mãi nằm lại đáy giếng khơi điêu tàn. Tôi mãi mang theo cám cảnh đó nên mỗi khi biết nơi đâu có giếng cổ giống như cái giếng Chăm ở góc sân trước nhà mình tại làng Trà Kiệu Tây năm xưa là tìm tới, nhìn ngắm và đánh thức ký ức tuổi thơ, muốn được gặp và muốn cầm lấy, như mong giữ chặt mẹ tôi ở lại với cõi trần.

Tôi kể chuyện này với người bạn đi cùng, thay cho lời giải thích vì sao tôi hay soi bóng giếng khơi. Rồi bất giác nghĩ: Không riêng đất thiêng Trà Kiệu (Duy Xuyên) này mà trên con đường cái quan của tỉnh nhà, rộng hơn là miền Trung còn rất nhiều giếng cổ, giếng Chăm hàng trăm, hàng ngàn năm tuổi ở cạnh các di sản, di tích rất giá trị, tại sao không đưa giếng vào các tour du lịch? Giếng đâu chỉ là điểm dừng chân uống nước, giếng còn biết kể chuyện lịch sử - văn hóa quê mình cho du khách bốn phương.

Khai thác được nguồn lợi kinh tế từ giếng, cũng có thể hiểu là “lộc giếng” vậy!

Theo Dương Quang (Báo Quảng Nam)
Du lịch, GO!