(PTT) - Tọa lạc tại ấp 1 thuộc xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Để đến được Thiền viện, xuất phát từ trung tâm tỉnh Tiền Giang, du khách di chuyển theo hướng từ ngã ba Trung Lương trên Quốc lộ 1A, theo hướng Tây 6km, đến Long Định, di chuyển tiếp đến thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước. Sau đó, tiếp tục đi khoảng 10km nữa thì tới được Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác. Trên đường đi luôn có những bảng chỉ dẫn để vào Thiền viện, đường đi không có trở ngại, vô cùng thuận tiện.

Thiền Viện được khởi công xây dựng vào ngày 28 tháng 4 năm 2012. Toàn bộ Thiền Viện được xây dựng theo đúng mô hình truyền thống của hệ phái Trúc Lâm Yên Tử trực thuộc danh bộ của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam.

Công cuộc xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác rất đặc biệt bởi nơi đây được tạo nên từ công sức của rất nhiều vị Phật tử trong chùa. Thiền Viện ban đầu chỉ có diện tích 30ha, tuy nhiên sau đó người dân và Phật tử đã hiến tặng thêm 20 ha. Vì vậy tổng diện tích hiện tại của Thiền Viện là 50 ha.

Bên cạnh việc tặng đất, các Phật tử cũng đã hiến nhiều cây đại thụ để trồng trong khuôn viên. Ngoài ra còn có các khối đá khổng lồ và đặc biệt là pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni được tạc bằng đá ngọc, thếp vàng có chiều cao 4,5m và trọng lượng trên 30 tấn. Pho tượng này do chính các nghệ nhân Myanmar chế tác.

Một trong những điểm khiến Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác được ví như tiểu Thái Lan ngay sát Sài Gòn đó chính là hàng loạt góc sống ảo cực lung linh, lên hình đẹp không kém xứ sở chùa vàng. Đây cũng là điểm khiến Thiền Viện được giới trẻ săn lùng và kéo nhau đến khám phá.

Góc sống ảo được yêu thích nhất và giống với xứ sở chùa vàng nhất chính là tòa tháp chính của Thiền Viện. Tòa tháp này có màu sắc chủ đạo là màu trắng tinh khôi, nhìn từ xa đã đủ để thấy sự nổi bật của kiến trúc này.

Tòa tháp chính được xây dựng chuẩn kiến trúc Châu Á và mang hơi hướng phong cách kiến trúc Phật giáo ở Thái Lan. Lớp sơn trắng giúp tòa tháp toát lên vẻ uy nghi. Cùng với đó là những chi tiết, hoa văn được chạm khắc tinh xảo, tỉ mỉ ở bên ngoài khiến cho tòa tháp càng trở nên đẹp mắt, hùng vĩ.

Bên cạnh đó, tòa tháp còn sở hữu chiều cao khổng lồ. Bên trên ngọn tháp sẽ có một hình tam giác hướng thẳng lên trời vô cùng uy nghi. Khối tháp gồm 3 tòa, tòa ở giữa cũng là tòa chính có độ cao lớn nhất, tòa hai bên thấp hơn và có độ cao ngang nhau.

Ở chính diện của tòa tháp sẽ có 2 bức tượng vàng được đặt ở cổng vào. Xung quanh chân tháp sẽ có những ô mái vòm, trong đó đặt các bức tượng đồng khác nhau. Vào ban ngày khi những tia nắng mặt trời chiếu rọi, tòa tháp sẽ vô cùng lung linh và ảo diệu. Chính vì lối kiến trúc mang đậm dấu ấn Thái Lan vì vậy nơi đây lên hình sẽ không khác gì đang du ngoạn ở xứ sở chùa vàng lừng danh.

Ngoài tòa tháp chính nổi bật, Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác còn có nhiều kiến trúc cũng đồ sộ và đẹp mắt không kém như Tháp chuông, Chánh điện, Cổng chùa.

Khác với tòa tháp mang đậm dấu ấn Thái Lan, Chánh điện hay Tháp chuông của Thiền Viện lại mang đậm kiến trúc Việt cổ với mái ngói đỏ cùng những đường cong uốn lượn. Kiến trúc nhà 3 gian cũng được áp dụng tại đây.

Không chỉ là nơi để chiêm ngưỡng nét kiến trúc độc đáo, đồ sộ, Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác Tiền Giang còn là địa điểm để du khách có thể đến cầu bình an và hạnh phúc cho gia đình, bản thân. Ngoài ra còn có thể mang về những bức hình sống ảo cực lung linh tựa như đang du ngoạn ở đất nước Thái Lan xa xôi.

Theo Thúy An (Petrotimes)
Du lịch, GO!