(TTMT) - Di tích kiến trúc Gò Cây Tung (ấp Thới Thuận, xã Thới Sơn, Tịnh Biên) tọa lạc ở một nơi khá hẻo lánh, thiếu thông tin chỉ dẫn cụ thể. Gần 30 năm từ khi được phát hiện (15 năm được khai quật và nghiên cứu), với giá trị khoa học quan trọng của mình, di tích chỉ dừng lại ở mức xếp hạng cấp tỉnh vào năm 2017.

Theo “Khảo cổ học Nam Bộ thời sơ sử” (PGS.TS. Bùi Chí Hoàng chủ biên, xuất bản 2018) và một số nghiên cứu có liên quan, di tích được biết đến đầu tiên với tên gọi Trà Cột, vốn là một gò đất hình bầu dục rộng hơn 11.700m2 và cao khoảng 13,5m so với chân ruộng xung quanh. Tên gọi Gò Cây Tung là do các nhà khảo cổ học định danh, vì trên gò có 2 cây tung cổ thụ, tuổi thọ hơn trăm năm. Năm 1990, những người đào vàng đào 5 hố lớn nhỏ nơi đây, làm xuất lộ một vỉa gạch ở gần bề mặt, cùng nhiều hiện vật khảo cổ ở độ sâu đến 4,5m. Đây là thông tin quan trọng giúp các nhà khoa học chú ý đến di tích này.

Di tích Gò Cây Tung đã được nhiều cơ quan chuyên môn (Bảo tàng An Giang, Viện Khảo cổ học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh) khảo sát và khai quật nhiều lần, từ năm 1993 đến 2008. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, di tích là một phức hợp với những vết tích thời kỳ tiền-sơ sử cùng với với dấu ấn thời văn hóa Óc Eo - hậu Óc Eo, thể hiện qua 3 loại hình di tích được phát hiện (kiến trúc tôn giáo, mộ táng và di chỉ cư trú), mang giá trị khoa học đặc biệt quý giá và hấp dẫn, nhất là những dấu vết thời tiền sử thuộc loại sớm nhất hiện biết ở miền Tây Nam Bộ Việt Nam. Song, chính điều này mang lại sự phức tạp và khó phân tách các lớp văn hóa sớm muộn, dẫn đến nhiều ý kiến khác nhau về niên đại và tính chất của di tích, bởi các hoạt động cải tạo qua rất nhiều thời kỳ. Đặc biệt, có giai đoạn khu vực này đã biến thành khu mộ táng và đền thờ Hindu giáo, gây xáo trộn nghiêm trọng địa tầng nguyên thủy trên phần đỉnh và sườn gò - những khu vực hàm chứa di tồn vật chất phong phú nhất.

< Bộ xương của người cổ được khai quật ở Gò Cây Tung (Tịnh Biên, An Giang, Việt Nam) năm 1994-1995. Theo các nhà nghiên cứu, thì đây rất có thể là xương cốt của người Phù Nam. Hiện vật đang được trưng bày tại Bảo tàng An Giang (Long Xuyên).

Di chỉ cư trú của Gò Cây Tung được nhận định có niên đại kéo dài từ thời tiền sử đến giai đoạn tiền Óc Eo, trong đó giai đoạn tiền sử (niên đại khoảng 2.700-2.200 năm cách ngày nay) mang những đặc điểm gần gũi với hệ thống di chỉ cư trú thời Kim khí ở lưu vực sông Đồng Nai, thể hiện qua bộ sưu tập hiện vật đá (rìu, cuốc, đục, bàn mài, mảnh vòng trang sức, đá nguyên liệu) và đồ gốm chủ yếu từ chất liệu pha cát hạt thô và bã thực vật mịn với loại hình tiêu biểu là “nồi nấu kim loại”. Giai đoạn tiền Óc Eo (niên đại khoảng 2.200-2.000 năm cách ngày nay) đặc trưng với dấu vết cư trú sàn đất đắp, xuất hiện thêm loại gốm từ chất liệu bã thực vật đen mịn có lớp áo bên ngoài miết đen bóng (hay xám trắng) và gốm mịn màu vàng cam, được dùng làm các loại hình ly cốc, bát bồng, nồi, vò, nắp đậy… tương đồng với nhiều di tích tiền Óc Eo trên địa bàn Nam Bộ.

Trên đỉnh cao nhất của Gò Cây Tung là nền móng của kiến trúc có quy mô lớn, gồm 2 lớp chồng lên nhau: lớp dưới có kết cấu nền móng quy củ, kỹ thuật xây dựng công phu; lớp trên đã bị phá hủy gần hết, kết cấu mặt bằng phức tạp, kỹ thuật xây dựng đơn giản. Nhìn chung, kiến trúc có mặt bằng tổng thể hình chữ nhật với đường dẫn nối dài về phía đông, vật liệu chủ yếu là gạch, kỹ thuật xây chồng, xếp song song hoặc so le, có tượng thờ bằng đá và các khối trang trí có lỗ vuông... Kết hợp kết quả khai quật và so sánh bình đồ với các kiến trúc Gò Tháp An Lợi (An Giang), Lưu Cừ II (Trà Vinh) hay Bà Chúa Xứ (khu Gò Tháp, Đồng Tháp)… các nhà khảo cổ nhận định, kiến trúc Gò Cây Tung có thể là một đền thờ Hindu giáo thuộc giai đoạn hậu Óc Eo với niên đại khoảng thế kỷ VIII kéo dài đến thế kỷ IX - X hoặc muộn hơn.

< Một góc Khu di tích Gò Cây Tung.

Hôm chúng tôi đến, nắng ban trưa bắt đầu hanh hao. Trên gò, những cây tung cao thẳng, xòe nhiều nhánh rộng, ôm gọn khu di tích dưới bóng râm của mình, khiến khung cảnh thêm thâm trầm, bí ẩn, đậm màu thời gian. Rất nhiều mảng gạch bị rêu xanh phủ đầy. Dưới mỗi gốc cây tung cổ thụ, trên các bàn đá, người dân địa phương đặt lư hương để thắp nhang, cúng bái. Bà Neàng Hôn (64 tuổi, ngụ ấp Đông Thuận) đi chùa về, gặp chúng tôi đang mải mê chụp ảnh, nên kéo “hàng rào” bằng nhánh cây phân cách giữa nhà mình và khu di tích để mời chúng tôi vào chơi. Bà Neàng Hôn kể, gia đình bà mấy đời sinh ra, lớn lên ở nơi này nên đã quá quen thuộc từng gốc cây, viên đá ở gò, trong các trò chơi thuở nhỏ, những ngày đi về mấy lượt, nhưng nào biết bên dưới gò là gì. Người xưa dần qua đời, đám trẻ cũng già đi, nhưng cảnh vật xung quanh vẫn vắng lặng như cũ. Bà Naèng Hôn vẫn còn lưu giữ mấy mẫu đồ gốm nhặt được xung quanh để khi có khách vãng lai đến thăm, bà lại kể họ nghe…

Sau hàng chục năm được khai quật, Gò Cây Tung vẫn bảo lưu những nét đặc trưng và vẫn còn đó nhiều vấn đề chưa thực sự làm thỏa mãn giới nghiên cứu, như: đời sống vật chất của cư dân cổ, quan hệ giữa Gò Cây Tung với các di tích tiền - sơ sử của An Giang nói riêng và đồng bằng Nam Bộ nói chung, niên đại của mộ táng, chủ nhân của di tích qua các thời kỳ, diễn tiến phát triển gián đoạn qua tầng văn hóa… Bên cạnh đó, công tác giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vẫn là một bài toán ở phía trước.

Theo Gia Lạc (Tin Tức Miền Tây)
Du lịch, GO!