(BĐN) - Với cuộc sống gắn bó từ thiên nhiên nên đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cũng như đồng bào M’nông, Mạ, Ê đê ở tỉnh ta đều xem những loại cây trái trong tự nhiên đều là sản vật và có thể chế biến thành món ăn ưa thích. Một trong những món ăn từ cây rừng được đồng bào chuộng dùng là quả núc nác.

Núc nác là cây thuộc họ cây bồ kết, có quả từng chùm và mọc nhiều ở trong rừng. Theo đồng bào, từ ngọn non tới quả của cây núc nác đều được tận dụng làm bữa ăn hàng ngày. Các món ăn làm từ quả núc nác không phải ai cũng ăn được, vì nó có vị hơi đắng và hăng. Những ngọn non được luộc chấm cùng nước cốt chanh, hay quả núc nác có thể chế biến làm món xào, luộc, nấu canh nhưng ngon nhất vẫn là món gỏi. Để có món ăn ngon chế biến từ núc nác, đồng bào thường chọn hái những quả non độ “bánh tẻ”, chưa già, có màu xanh nhạt.

Đầu tiên là nướng quả núc nác trên bếp lửa, cho cháy đen vỏ bề ngoài. Quả chín dần trong quá trình nướng, tạo ra vị thơm đặc trưng của món ăn. Sau đó dùng dao cạo sạch vỏ bị cháy,  rồi rửa sạch, để ráo và cắt lát mỏng (nếu cắt dày sẽ bị đắng). Để có món gỏi núc nác ngon thì phải có thêm cá khô rang vàng, cá nướng hoặc thịt ba chỉ (tùy theo sở thích của từng gia đình).

Chuẩn bị nước cốt chanh, lạc rang giã nhỏ, rau thơm trộn cùng với cá và núc nác. Khi gần dùng bữa thì mới trộn các nguyên liệu với nhau, sẽ giữ cho mỗi nguyên liệu có vị riêng hơn. Khi ăn, món gỏi có vị nhân nhẫn đắng của quả núc nác, vị cay the thé của ớt, mùi thơm của rau, vị béo của cá, thịt… hòa quyện lại với nhau thành một hương vị hấp dẫn.

Chị H’Drức ở phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) cho biết: Các món ăn được chế biến từ quả núc nác không chỉ là món yêu thích của người M’nông, Mạ, Ê đê… mà những du khách hay người dân sau khi được thưởng thức cũng sẽ nhớ mãi đến hương vị này. Cứ đến mùa núc nác là tôi hái quả về bán hoặc làm gỏi theo kiểu người M’nông để bán cho những chị em có nhu cầu. Người ăn quen thường hay đặt mua núc nác”.

Chị Trần Thị Dinh ở phường Nghĩa Đức cũng cho biết: Lần đầu ăn món gỏi quả núc nác thấy mùi vị cũng đăng đắng nhưng khi nuốt xuống cổ lại có vị ngọt bùi, thật thú vị. Ăn riết cũng ghiền, mỗi lần ra chợ hoặc thấy trên mạng xã hội người nào đăng bán quả núc nác, tôi đều đặt mua vài quả về làm gỏi cho cả gia đình”.

Không chỉ dùng làm món ăn mà cây núc nác còn là một vị thuốc quý. Theo những người già ở các bon làng, vỏ thân núc nác có tác dụng thanh nhiệt. Lá, hoa và quả khi còn non đều ăn được sau khi đun nấu. Đồng bào thường vùi quả non vào trong tro than rồi đem bóc vỏ ngoài, lấy phần trong của quả xào ăn. Hạt, vỏ thân thường được dùng làm thuốc. Hạt dùng trị viêm họng cấp và mạn tính, khan cổ, viêm phế quản cấp và ho gà...

Ngày nay, quả núc nác không chỉ là món ăn yêu thích của đồng bào các dân tộc bản địa mà đã trở thành “đặc sản” của các nhà hàng, khách sạn. Cây núc nác cũng được bà con đưa giống về trồng trong rẫy cà phê và đến khi có trái thì hái mang ra chợ bán với giá 10.000 đồng/quả.

Theo Mỹ Hằng (Báo Đắk Nông)
Du lịch, GO!