(BQN) - Cửa biển Cổ Lũy, xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp thơ mộng, hữu tình được Tâm Minh Hầu Nguyễn Cư Trinh đặt tên “Cổ Lũy cô thôn” trong bài vịnh Quảng Ngãi thập nhị cảnh, mà còn là nơi có nhiều câu chuyện văn hóa, tín ngưỡng ở vùng quê một thời thương thuyền tấp nập.

Cửa biển Cổ Lũy là nơi hợp lưu của sông Trà Khúc và các chi nhánh của con sông Vệ đổ về dòng sông Vực Hồng, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), sông Phú Thọ, xã Nghĩa Phú nối sang.

Dấu xưa nơi cửa biển

Hàng trăm năm trước, cửa biển Cổ Lũy là nơi đi, về của các thương thuyền. Từ thượng nguồn, các ghe bầu đưa nông, lâm sản xuống trao đổi, buôn bán. Từ các tỉnh, thành trong Nam, ngoài Bắc và cả nước Trung Hoa... ra vào cửa biển Cổ Lũy để buôn bán hải sản, thương phẩm.
Dulichgo
Bà Võ Thị Tâm (96 tuổi), ở thôn Thanh An, xã Nghĩa Phú, nhà gần bên cửa biển Cổ Lũy, cho hay: "Ngày đó, cứ chiều xuống là tàu thuyền tấp nập. Mới sáng tinh mơ, dọc dài ven bờ sông Phú Thọ nhộn nhịp người mua, kẻ bán".

Theo sử sách, cửa biển Cổ Lũy là bến đỗ của thương thuyền nhà Thanh. Đến đây, thương thuyền các nơi còn mang theo cả văn hóa tín ngưỡng lập miếu để thờ tổ nghề, các vị thần linh phù hộ sóng yên biển lặng, buôn may, bán đắt. Hiện nay, ở cửa biển Cổ Lũy có 3 miếu thờ.

Tại thôn Cổ Lũy Nam có miếu Mãi Châu Thần Nữ (thờ tổ nghề buôn) phối thờ với bà Ngũ Hành, Nam Hải Đại Tướng Quân; ở làng Vĩnh Thọ tức Cổ Lũy Bắc có miếu bà Thượng Giới Ngũ Hành, ở thôn Thanh An có miếu bà Ngũ Hành. Nơi đây còn có các chùa như chùa Thiên Sinh (theo tích chùa hang đá trời sinh), chùa Hoa Sơn, chùa Từ Lâm...


< Sông Phú Thọ, xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi).
Dulichgo
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư, sở dĩ nơi đây có nhiều miếu, chùa là vì trước đây “người đi biển khơi luôn đối mặt với cảnh “ra đi sóng biển mịt mù”, giữa cái chết và sự sống chỉ cách nhau... tấm ván, sự rủi may vô lường, nên dân biển luôn coi trọng tâm linh và có nhiều nghi thức tín ngưỡng”.

Cố kết cộng đồng

Mỗi miếu thờ ở cửa biển Cổ Lũy được bố trí ở những nơi khác nhau, nhưng đều có nét tương đồng về văn hóa tín ngưỡng. Về hình dáng miếu cũng có nhiều nét tương đồng. Phía trước miếu đều hướng ra biển, mái lợp ngói vẩy và đỉnh trang trí họa tiết “lưỡng long chầu hồ lô”; phía trước miếu trang trí hổ chầu. Mỗi miếu đều có lập ban thờ hạ điện, trung điện và thượng điện.

< Miếu bà Ngũ Hành ở thôn Thanh An, xã Nghĩa Phú.

Các miếu thờ đều được xây dựng cách đây hơn 200 năm. Theo thời gian, các miếu thờ bị hư hỏng, xuống cấp và đã được trùng tu nhiều lần. Tuy vậy, các miếu đều giữ nguyên kiến trúc cổ xưa. Vẫn mái lợp cong, các cột kèo bên trong bằng gỗ chắc chắn.
Dulichgo
Hiện các miếu vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật, tài liệu bằng chữ Hán có giá trị. Tại miếu bà Ngũ Hành còn lưu giữ sắc phong xưa đề ngày 24.9.1822, Minh Mệnh năm thứ 3 ban cho Đại Càn Quốc gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương; còn tại miếu Mãi Châu Thần Nữ còn lưu giữ sắc phong đề ngày 14.5 năm Thiệu Trị Thứ 3 (1846) cũng ban cho Đại Càn Quốc gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương...

< Sắc phong xưa vẫn còn lưu giữ ở miếu bà Ngũ Hành.

Hằng năm, cứ đến ngày lễ, Tết, rằm tháng Bảy, ở các miếu thờ nơi cửa biển Cổ Lũy đều tấp nập người ra vào dâng hương cầu nguyện. Trưởng Ban hộ tự miếu bà Ngũ Hành Trịnh Hồng Đô cho hay: "Đông nhất là vào ngày rằm tháng 7- tháng Vu Lan báo hiếu. Từ đầu tháng đã có nhiều người trong và ngoài tỉnh về tham gia lập đàn cúng tế. Đêm 14 tháng bảy cả dòng sông Phú Thọ rực sáng bởi hoa  đăng".
Dulichgo
Còn ông Phan Phú, cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội xã Nghĩa Phú chia sẻ: Tín ngưỡng này đã có từ xa xưa. Mọi người về các miếu bà để tỏ lòng thành kính và cầu mong những điều tốt đẹp. Nơi đây trở thành nơi cố kết cộng đồng, giáo dục đạo đức, lối sống.

Theo Mai Hạ (Báo Quảng Ngãi)
Du lịch, GO!

Tuyệt cảnh Cổ Lũy Cô Thôn
Cổ Lũy cô thôn và hai thôn Cổ Lũy
Tìm về Cỗ Lũy Cô Thôn
...