(TTO) - Mũi Đôi (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đang là điểm đến của nhiều bạn trẻ, nhất là sau khi nơi đây được xác định là điểm cực Đông trên đất liền của Việt Nam kể từ năm 2012.

Tuy nhiên, sau khi một sinh viên thiệt mạng gần đây khi chinh phục Mũi Đôi, đã đến lúc cần nhìn lại về cách làm du lịch ở đây.

Ông Nguyễn Văn Thành, phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa, cho biết hiện nay Mũi Đôi chưa có tuyến du lịch chính thức được khai thác. Tuyến du lịch này vẫn mới chỉ là ở dạng tiềm năng, chưa nằm trong danh sách các tour tuyến chính thức được đăng ký quản lý với Sở Du lịch Khánh Hòa. Việc tổ chức đoàn, đón khách đều có các công ty tự làm, hoặc do người dân ở khu vực này làm tự phát.

Đường vào Mũi Đôi - theo đường bộ - mới chỉ hoàn thành khoảng 5km đầu tiên. Phần còn lại, du khách phải đi bộ, vượt qua đồi cát khoảng 10km. Một tour cơ bản của Mũi Đôi cho các bạn trẻ thích khám phá bao gồm trekking đồi cát, ăn trưa ở nhà người dân (hoặc tự chuẩn bị), trekking tiếp đến cắm trại ở bãi Rạng hoặc bãi Gió ngủ qua đêm. Buổi sáng vượt qua bãi đá ra điểm cực Đông ngắm bình minh và trở về.

Nếu đi ghe, tour này có thể hoàn thành trong ngày, mỗi chiều ghe đi 40-60 phút, tuy nhiên du khách vẫn phải qua hơn 1km đồi cát để đến bãi đậu ghe. Với cách thức này, dù chọn trekking hay đi ghe đều có thể xếp vào các hoạt động du lịch mạo hiểm.

Thế nhưng du lịch khu vực này không hề có áo phao hay các phương án cứu hộ khi di chuyển trên biển, cũng như không có cảnh báo về luồng lạch, độ nông sâu của con nước. Hoạt động bơi lặn, tổ chức câu mực cho du khách vẫn diễn ra thường xuyên.

Ngay cả mùa mưa bão, du khách vẫn đổ về đây, việc đi lại an toàn hay không sẽ trông chờ vào hên xui và thời tiết.

Ông Hai, ngư dân đã có nhiều năm đón khách du lịch, cho biết có ngày ông phải nhận một đoàn khách 30 người, trong đó có trẻ nhỏ 7 tuổi. Mặc dù ông hết lời giải thích, đoàn khách vẫn kiên quyết hành trình vượt đồi cát trong cái nắng 40 độ C giữa mùa hè. Rất may, chuyến đó không có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên, đã có khá nhiều trường hợp kiệt sức, mất nước khi đi trên đường phải nhờ sự giúp đỡ của người dân, khiến hành trình trở thành ác mộng.

Các điểm đón khách, đi lại hoàn toàn biệt lập, không có đơn vị quản lý, không có hướng dẫn, càng không có cứu hộ. Du khách chủ yếu dựa vào thông tin tìm kiếm từ những người đã đi, chia sẻ số điện thoại từ các ngư dân bản địa, những người phần lớn làm du lịch tự phát.

Nghĩa - ngư dân mới chuyển nghề làm hướng dẫn viên từ 4 năm nay - cho biết khách ở đây ngày một đông. Nghĩa làm việc bằng kinh nghiệm của một ngư dân lâu năm. Anh nói nhiều đoàn hay tổ chức cắm trại ở bãi Rạng. Nhưng khu vực đó triều lên xuống thất thường, cắm trại không đảm bảo an toàn cho du khách.

Và dù cắm trại tại bãi Rạng hay bãi Gió, khi có việc cần kíp đều khó liên hệ với các chủ ghe. Cách đây vài năm đã có một bạn nữ qua đời trên con đường trekking qua đồi cát, 1 thử thách khó khăn ngay cả với người đã quen thuộc trekking.

Và ngày 22-9, một sinh viên từ TP.HCM đã tử vong, một bạn khác mất tích khi lên ghe trở về bờ sau chuyến chinh phục cực Đông. Việc cứu hộ các trường hợp gặp nạn luôn khá khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Thành cho hay: "Chúng tôi rất muốn đưa vào tuyến này vào tuyến du lịch chính thống, cần vai trò quản lý của cả Sở Du lịch và địa phương".

Những điều chú ý khi đi du lịch cực Đông Mũi Đôi

- Cung đường không dành cho người ít vận động, có tiền sử bệnh như tim mạch, thần kinh… Không nên đưa trẻ nhỏ theo.

- Nếu sức khỏe không đủ, hãy chọn giải pháp đi ghe thay vì trekking đường dài.

- Thận trọng khi "nhảy đá" đến chóp kim loại đánh dấu cực Đông.

- Tuân thủ tuyệt đối sự hướng dẫn của ngư dân trên thuyền, trên ghe. Không chủ quan đứng lên tùy tiện trên thuyền thúng hay tự bơi vào bờ.

- Mang theo thực phẩm bổ sung muối khoáng, đường như kẹo, nước muối khoáng, C sủi… Chuẩn bị đủ nước uống.

- Chú ý dọn dẹp sau khi cắm trại, không vứt rác bừa bãi.

Theo Mai Nguyên (Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!