(LĐO) - “Nhật Bản thu nhỏ” là một trong những danh xưng nổi tiếng được mọi người quý mến dành tặng cho tu viện Khánh An bởi lẽ nơi đây sở hữu trong mình lối kiến trúc độc đáo, đôi phần mang hơi hướng của xứ sở mặt trời mọc.

Tu viện Khánh An tọa lạc tại phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM. Thuở sơ khai, tu viện vẫn là một ngôi chùa nhỏ do Tổ sư Trí Hiền xây dựng vào năm 1905. Thời điểm ấy, trong vùng có một gia đình giàu có đã hiến cho sư thầy 6 hecta đất để làm chùa. Chùa Khánh An khi ấy nhỏ nằm giữa hai làng An Lộc Đông và Hanh Phú – tức An Phú Đông sau này.

Chùa có khi chỉ là một am nhỏ được dựng đơn sơ bằng thân tre nứa có khi lại làm bằng gạch vữa. Trải qua nhiều đợt trùng tu, mãi đến năm 2016, chùa mới được mang trong mình hình ảnh như hiện tại sau cuộc đại trùng tu kéo dài 10 năm và chính thức đổi tên thành tu viện Khánh An.

Khu Chánh điện được xây dựng uy nghiêm với bốn tầng chủ yếu làm bằng hai vật liệu gỗ và đá. Trong đó, Tháp Đường Chánh Niệm là một trong những gian thờ chính ngoài Phật Đường Tỉnh Thức.
Dulichgo
Tu viện Khánh An mang phong cách của Phật giáo Bắc Tông, đặc trưng với những đường nét kiến trúc Á đông. Dẫn lên Chánh điện là những bậc thang, lan can bằng đá với hoa văn chạm trổ hình cánh hoa sen.

Điểm nổi bật của tu viện là khu Nhà Tăng và Khách đường với kết cấu bằng gỗ hoặc sơn màu giả gỗ cùng đường nét sắc thái mang dấu ấn đặc trưng của xứ sở mặt trời mọc.
Dulichgo
Tu viện lấy ba gam màu chủ đạo bao gồm màu nâu của gỗ; màu trắng của vôi và sắc vàng của chất liệu đồng.

Ngoài ra, đến đây bạn cũng sẽ dễ dàng bắt gặp những chiếc chuông gió treo khắp nơi hay cây cầu đỏ bắc ngang hồ,… những hình ảnh rất quen thuộc của kiến trúc Phật Giáo Nhật Bản cùng không gian tĩnh lặng tạo cho nơi tu viện thêm tâm linh, thoát tục.

Phần mái ngói của khu Nhà Tăng và Khách đường được điểm xuyết bằng những chi tiết hình rồng phượng, cùng với phần chóp tháp màu vàng cao vút trên nền trời xanh. Kiến trúc này thường phổ biến trong các đền chùa tại Nhật Bản.
Dulichgo
Khung cửa Khách đường được làm bằng gỗ, ghép nối với nhau bởi những trụ cột bê tông kiên cố màu đỏ - gam màu được sử dụng xuyên suốt trong tổng thể kiến trúc của tu viện.

Giữa khu Nhà Tăng, Khách đường và Chánh điện là tượng Phật Bà được tạc bằng đá, cùng với những đường nét được mô phỏng lại một cách tinh tế, chân thực.
Dulichgo
Rảo bước xung quanh khuôn viên, ở tất cả các lối đi ai ai cũng bắt gặp những chiếc đèn hình lục giác làm bằng gỗ có giấy lồng vào bên trong, thường sử dụng trang trí trong các lễ hội hoặc trong đền chùa ở Nhật Bản.

Vì là tu viện nên không “nhang khói” nhiều, đồng thời các mảng xanh cũng được chú trọng hơn cốt để tạo không gian yên tĩnh thích hợp là nơi để các thiền sinh tu tập.
Dulichgo
Màu xanh ngát của cỏ cây hòa chung với nền trời xanh biếc càng khiến lòng người vấn vương mãi không rời khi một lần “lỡ” đặt chân đến nơi đây.

Không chỉ có ý nghĩa tâm linh cũng như lịch sử mà tu viện Khánh An còn là một điểm tham quan lý tưởng cho những ai yêu thích văn hóa Nhật Bản và thích chụp hình vì chùa có nhiều nét kiến trúc tựa như những ngôi chùa Nhật Bản.

Theo Thịnh Phạm (Lao Động)
Du lịch, GO!