(NLĐ) - Bên đồng lúa bát ngát, những ruộng cỏ bàng được dựng trụ bê-tông, khoanh bằng thép gai để bảo vệ. Cỏ bàng chưa bao giờ được chú trọng bảo vệ như vậy.
Mỗi năm, cỏ bàng chỉ được thu hoạch một lần vào cuối tháng 2 đến đầu tháng 3 âm lịch. Thời gian này đủ ánh nắng nên phơi nhanh khô và đẹp. Cắt bàng sớm quá sẽ không có màu sắc đẹp, quá muộn thì cỏ sẽ chết. Vất vả nhất là khâu giã bàng cho sợi dẹp và mềm mới được dùng để sản xuất.

Sáng sớm, chợ làng Phò Trạch Đệm (xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) tấp nập người mua kẻ bán. Các cô, các bà đến chợ với những chiếc giỏ xách đan bằng cỏ bàng với màu sắc, chất liệu bắt mắt.

Mỗi thôn, 2 cối

Cuối chợ là không gian dành riêng cho những sản phẩm của làng đệm Phò Trạch. Những chiếc đệm trải giường, lót nôi, mũ, giỏ xách... được bày bán khá nhiều, giá vài chục ngàn đồng mỗi chiếc. "Mua đệm, chú ơi! Đệm trải giường thay chiếu mùa hè nằm mát, mùa đông ấm lắm" - tiếng người phụ nữ chào mời.

Chiếc đệm rộng chừng 1,6 m, giá 50.000 đồng và rất nhẹ. "Sản phẩm của làng chúng tôi đó. Phải gần một ngày mới đan được một cái nhưng giá rẻ lắm chú ơi" - người phụ nữ tiếp tục giới thiệu sản phẩm.
Dulichgo
Trời nắng gắt. Người trong chợ thưa dần. Giữa trưa, dọc con lộ vắt qua làng là hình ảnh những phụ nữ ngồi dưới bóng cây đan đệm. Đâu đó vẳng tiếng giã bàng ở các cối nghe bồm bộp.

Anh Nguyễn Thế Nam, chủ một cửa hàng tạp hóa ở thôn Đông Mỹ (thuộc làng Phò Trạch), nói làng có 10 thôn, mỗi thôn có 2 cối giã cỏ bàng. Từ xưa đến nay, các thôn đều có cối giã như vậy, đặt ngay ngoài đường để ai cần thì đến giã bàng. Khi hư hỏng thì người dân tự góp tiền để sửa.

Mẹ truyền con nối

Trong căn nhà tình thương do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phong Điền vận động trao tặng, hằng ngày bà Nguyễn Thị Quýt (68 tuổi) cần mẫn với việc đan lát để tự nuôi sống bản thân. Bà bảo số bà khổ, đơn thân nên chỉ biết lấy công việc làm vui. Bà nói chuyện với khách nhưng đôi tay vẫn thoăn thoắt đan tấm đệm còn dang dở. Các ngón tay di chuyển nhuần nhuyễn như tay nhạc công lướt trên phím đàn.
Dulichgo
"Nghề này mẹ truyền con nối. Phụ nữ mới hay làm vì cần khéo tay và chịu khó. Thời tôi còn nhỏ, trẻ trong làng 4-5 tuổi đã biết cách đan mà chẳng cần ai dạy. Đây là nghề truyền thống, nhà nào cũng làm để mang ra chợ bán kiếm tiền" - bà Quýt nói và cho hay đời bà chỉ sống dựa vào nghề do mẹ truyền lại. "Mỗi ngày tôi chỉ đan được một tấm đệm mang ra chợ bán được khoảng 40.000 đồng, đủ chi phí trong ngày. Mình già rồi, sức khỏe và mắt nhìn không rõ nữa nên đan chậm lắm" - bà Quýt chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Ái năm nay ngoài 90 tuổi nhưng đôi bàn tay vẫn còn nhanh nhẹn. Bà cho biết đã sống gắn bó với nghề này từ nhỏ và nay hầu hết các con cũng theo nghề. Bà Nguyễn Thị Thuận (52 tuổi, con bà Ái), nói: "Không theo nghề này thì lấy tiền đâu đi chợ mua đồ ăn". Theo bà Thuận, những chiếc đệm trải giường, trải nôi này đều làm từ cây cỏ bàng nên nằm rất mát, trẻ sơ sinh không bị hăm mình nên khá được ưa chuộng. Chiếc chẹ để trải nôi bà đan chừng một giờ là xong, còn đệm trải giường thì phải mất cả ngày.

Chiếu đệm là chủ lực

Theo ông Nguyễn Ngọc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Bình, nguyên liệu để làm vật liệu này là cây bàng, ở Nam Bộ gọi là cây cỏ bàng, thuộc họ cói, sống chủ yếu ở các vùng ven biển hay đầm phá. Cây bàng mà dân Phò Trạch sử dụng có nguồn gốc từ đầm nước ở các xã Phong Bình, Phong Hòa, Phong Hiền... của huyện Phong Điền, mọc tự nhiên trên những thảm thực vật nổi trên trằm (đầm) nước mà người dân gọi là dời.

"Những trằm nước và các thảm dời bao la là kết quả còn lại của thời kỳ biển tiến đã vùi lấp, để ngày nay biến thành lớp trầm tích dày đặc bên dưới lớp cát. Đây chính là nguồn than bùn trữ lượng lớn. Nhờ nguồn phân bón tự nhiên ở lớp thảm thực vật nổi trên mặt nước mà cây bàng ở đây phát triển khá tốt" - ông Khánh cho biết.

Theo người dân Phò Trạch, việc trồng cỏ bàng dù dễ, chỉ cần chiết gốc rồi trồng chỗ khác, không tốn phân hay công chăm sóc nhưng phải xử lý cỏ dại. Nếu dùng thuốc diệt cỏ thì cỏ bàng cũng chết nên phải làm thủ công. Cỏ bàng sống ở vùng nước sạch nên nếu môi trường ô nhiễm là chết ngay.
Dulichgo
Ông Khánh cho biết tác phẩm "Phủ biên tạp lục" của Lê Quý Đôn viết năm 1776 đã ghi: "Xã Phò Trạch, huyện Hương Trà dệt lát làm chiếu Tục, gọi là chiếu đệm cũng đừng làm buồn, vì chiếu ấy cũng như chiếu Quảng Lãm xứ Kinh Bắc". Bộ sách "Lịch triều hiến chương loại chí" do Phan Huy Chú biên soạn trong 10 năm (1809 - 1819) cũng ghi tương tự như vậy.

"Từ những dòng sử liệu nêu trên, kết hợp tư liệu nghiên cứu điền dã, một số nhà khoa học đã cho rằng nguồn gốc xuất xứ của dân làng Phò Trạch ngày xưa là từ đồng bằng ven biển Bắc Bộ. Trên bước đường di dân vào Nam, người dân đã mang theo nghề đan đệm bàng từ quê gốc vào" - ông Khánh nhận định và nói rõ hơn rằng ngoài sản xuất các mặt hàng phục vụ cho nghề biển như buồm, bao đựng muối... thì chiếu đệm là sản phẩm của làng được tiêu thụ nhiều nhất. Chiếu đệm không những dùng để trải nằm mà còn được dùng để làm chăn đắp vào mùa đông rất ấm, có khả năng hút ẩm rất tốt. Vì vậy, thương lái thường dùng bao, đệm loại này để đóng gói các mặt hàng dược liệu hay một số hàng hóa để chống ẩm mốc khi vận chuyển đi xa.

Chính vì mặt hàng tiêu thụ mạnh nên diện tích cây cỏ bàng thời ấy lên đến hơn 50 ha. Từ khi các mặt hàng bằng nhựa ra đời, các sản phẩm làm từ cây bàng của Phò Trạch không còn được tiêu thụ mạnh như trước. "Người dân quanh vùng vẫn có nhu cầu sử dụng vì chất liệu đệm bàng nhẹ, tiện di chuyển. Các sản phẩm đệm bàng là vật liệu thân thiện với môi trường, không gây ô nhiễm, hết chu kỳ sử dụng có thể loại bỏ và tự tiêu hủy" - ông Khánh nói thêm.
Dulichgo
Cũng theo ông Khánh, những năm gần đây, với nỗ lực của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ bước đầu của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và từ nguồn vốn khuyến công, nghề đan các sản phẩm từ cây bàng đang vực dậy. Người dân bắt đầu làm quen với những mẫu mã hàng mỹ nghệ, lưu niệm mà du khách yêu thích. Một doanh nghiệp ở TP Huế cũng bắt đầu đặt hàng cho dân Phò Trạch làm ống hút từ cây cỏ bàng. Doanh nghiệp này thu mua cây cỏ bàng, sau đó cắt khúc thành ống hút. Cây cỏ bàng mọc theo thiên nhiên, không có thuốc hóa học, phân bón nên an toàn cho sức khỏe và thân thiện với môi trường.

Cơ hội hồi phục

Theo UBND xã Phong Bình, sản phẩm từ cây bàng đã được nhiều khách hàng ưa chuộng. Một số tổ chức, cá nhân đã hợp đồng đặt hàng mua sản phẩm và cả nguyên liệu song địa phương chưa dám ký vì diện tích ruộng bàng ở Phò Trạch chỉ còn lại 5,3 ha, không bảo đảm nguồn nguyên liệu cho nhu cầu sản xuất nên địa phương đang có kế hoạch mở rộng lên 15 ha mới bảo đảm sản xuất ổn định khi tổ chức một mô hình làng nghề trong cơ chế thị trường.
Dulichgo
Dẫn chúng tôi ra ruộng bàng, ông Khánh không khỏi vui mừng bởi dấu hiệu làng nghề từng một thời mai một nay đang có cơ hội hồi phục. Nằm bên đồng lúa bát ngát, những ruộng cỏ bàng được dựng trụ bê-tông, khoanh bằng thép gai để bảo vệ. Cỏ bàng chưa bao giờ được chú trọng bảo vệ như vậy. Công trình này được triển khai với kinh phí 200 triệu đồng từ đề án khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống đệm bàng Phò Trạch của huyện phê duyệt" - ông Khánh cho biết.

Theo Quang Nhật (Người Lao Động)
Du lịch, GO!