(VIVU) - Google maps luôn là vị cứu tinh và là người bạn đồng hành của hầu hết “phượt thủ” trên các cung đường. Thế nhưng không phải lúc nào công cụ này cũng chính xác, và chính từ vài “sai sót nhỏ” trong việc định hướng đã tạo ra không ít câu chuyện “cười ra nước mắt”…


< Một đoạn trên đường chinh phục cột mốc không số, A Pa Chải, Điện Biên.

Đi nhầm đường hơn 10km, hư xe ở một vùng lãnh thổ khác, bất đồng về ngôn ngữ… là những sự cố toát mồ hôi của một nhóm phượt từ Sơn La sang Lào trong dịp Tết Bunpimay, tháng tư năm trước: trời mưa, đường trơn, đoàn đi lạc cả gần 10 cây số.


< Vá lốp tại một tiệm sửa xe ở Lào.


Đã vậy xe một bạn trong đoàn còn bị lủng lốp mà mình thì không biết tiếng của họ. May là Tết của Lào kéo dài 3 ngày nên đoàn vẫn kịp ghé chơi, không thì “đen toàn tập”.

Thế nhưng với nhiều người có niềm đam mê với offroad thì việc khai phá ra những con đường hiểm hóc, gồ ghề, bùn lầy… lại là điều khiến họ cố tình “đi lạc”.

Họ chỉ sử dụng Google maps ở chế độ “vệ tinh”, không dùng tính năng chỉ đường và bắt đầu chuyến phiêu lưu mà chưa biết đích đến là đâu.
Dulichgo
“Lạc giữa rừng vào chập tối, trời mưa và không thể quay lại, đành phải để xe giữa rừng và đi bộ hai cây số vào bản kiếm đồ ăn và xin ngủ nhờ. Đến nơi thì tất cả các nhà đã đi ngủ cả, trong bản cũng không có ai biết tiếng Kinh, mình chỉ biết dùng ngôn ngữ cơ thể.


< "Giới hạn dò mìn" - dòng chữ khiến không ít người giật mình nhưng lại là kỷ niệm khó quên trên một cung offroad.

Ở đấy tưởng như sống tách biệt với thế giới, trẻ con vẫn ăn mèn mén chan với nước lã cơ!” – Anh Anh Tuấn (Hà Nội) kể về một cuộc “đi lạc” hi hữu của mình ở vùng biên giới phía Bắc.

Ở những vùng núi cao như Pha Luông (Mộc Châu, Sơn La) thì công cụ hỗ trợ Google maps cũng không thể giúp gì nhiều. Nhớ lại chuyến độc hành của mình từ Hà Nội đi Pha Luông, Huy Tú (Hà Tĩnh) nói rằng lúc bị lạc giữa rừng chỉ lo bố mẹ không liên lạc được với mình vì điện thoại mất sóng. Lúc trở lại đồn biên phòng Pha Luông hỏi ra mới biết mình đã "lỡ đà" sang đến biên kia biên giới.
Dulichgo

< Một phượt thủ chia sẻ câu chuyện đi lạc của mình trong phuotluon.com, một group cộng đồng về du lịch bụi trên Facebook.


Lủng lốp xe vốn là “tai nạn” thường gặp trên đường phượt. Cũng từ vài sự cố này mà không ít câu chuyện đẹp về sự tương trợ giữa những người có cùng đam mê du lịch bụi được ghi lại. Trong lần đổ đèo ở Măng Đen (Kon Tum), một xe trong nhóm bạn của Tiểu Yến (Gia Lai) bị lủng lốp.

“Giữa lúc mọi người đang thay nhau dắt bộ xuống đèo thì may mắn đã có một chú người Hà Nội nhận chở giúp chiếc xe và tìm chỗ sửa. Chú còn dặn dò vài điều rồi mới rời khỏi. Tính ra lần đó tụi mình vẫn còn may mắn nhiều”


Dulichgo
< Sự đồng hành của các phượt thủ trên các cung đường khi không may gặp sự cố.

Việc khám phá ra vẻ đẹp của nhiều vùng đất lạ được xem như một cái kết “có hậu” sau không ít cuộc lạc đường, đặc biệt là trên những chuyến đi đến vùng núi cao.

1500km kể cả lạc đường và lạc đội, đổ đèo đêm trong sương mù dày đặc, cận kề với sạt lở đất và cảm nhận cái lạnh thấu xương của điểm cực Tây tổ quốc… là những gì còn đọng lại sau chuyến phượt Hà Nội – A Pa Chải của anh Duy Đoàn. Chia sẻ trong một group về du lịch bụi trên Facebook, anh viết:

“Giờ nằm trong chăn ấm, nhớ ghê gớm cái lạnh thấu xương của vùng biên cương tổ quốc, thèm được vào khu tăng gia của các chú biên phòng hái rau. Ngắm thị trấn Mường Chà về đêm từ trên đỉnh đèo tuyệt đẹp, khi mà mây lơ lửng trên những ánh đèn nhỏ lung linh vẫn không che được ánh trăng sáng trên đỉnh núi. Hay chỉ đơn giản là sự đáng yêu của những người bạn đồng hành… Vẫn thấy những gì trải qua thật đáng giá”.Dulichgo

Theo Phạm Ly (Vivu 247)
Du lịch, GO!