(LĐO) - Ngủ quên giữa sự tĩnh mịch của đại ngàn, những ngôi nhà sàn cổ hơn 50 năm tuổi của làng Kon Sơ Lăl cũ (Chư Păh, Gia Lai) từ lâu đã vắng nhịp chày giã gạo và tiếng cười của trẻ nhỏ, chỉ còn hình bóng của vài bậc lão niên ở lại để giữ lấy hồn cốt của ngôi làng Bahnar từng được mệnh danh là “báu vật kiến trúc Tây Nguyên”.

Ngôi làng Bahnar cổ thuộc vùng sâu của xã Hà Tây, huyện Chư Păh. Cách trung tâm TP.Pleiku hơn 50km về hướng Đông Bắc.
Để dân làng Kon Sơ Lăl thuận tiện đi lại và đáp ứng nhu cầu đời sống, 17 năm trước, chính quyền đã vận động hơn 400 người dân chuyển đến khu tái định cư gần trung tâm xã, cách làng cũ khoảng 3km...

< Một nóc nhà sàn đặc trưng cho kiểu kiến trúc Bahnar truyền thống.

Vì đã quen với nếp sống hòa hợp với thiên nhiên từ ngàn đời nên nhiều người già đã quyết định ở lại “giữ làng”. Cũng chính vì điều này đã giúp cho làng Kon Sơ Lăl cổ giữ được nét nguyên sơ, tách biệt với nhịp sống hiện đại và cơn lốc “bê tông hóa” đang ăn mòn kiến trúc truyền thống Tây Nguyên.

Làng Kon Sơ Lăl cổ nằm khá xa trung tâm và không có điện. Tại đây chỉ còn 5,6 gia đình sinh sống, chủ yếu là người già. Họ sinh sống bằng việc trồng trọt, chăn nuôi gia súc và đan lát thủ công để kiếm thêm thu nhập.

< Tuổi cao, đi lại khó khăn. Người đàn ông này kiếm sống mỗi ngày bằng việc đan gùi thủ công.
Dulichgo
Kon Sơ Lăl cổ vốn được mệnh danh là “báu vật kiến trúc Tây Nguyên” bởi hơn 50 mái nhà sàn và ngôi nhà Rông nằm giữa làng vẫn giữ được gần như nguyên bản kiểu kiến trúc truyền thống của người Bahnar xưa.

Mỗi ngôi nhà được làm thủ công tỉ mỉ và tinh xảo từ gỗ quí như hương, trắc cùng mây, nứa, tre, le, mái lợp tranh, tường trát bằng đất sét trộn rơm…

< Con đường đất đỏ tắt ngang qua  Kon Sơ Lăl.

Thấy được giá trị của “báu vật Tây Nguyên”, nhiều người đã tìm đến để hỏi mua những ngôi nhà này để lấy gỗ quý.

Vài mái nhà đã được bán đi với giá vài trăm triệu đồng/nhà. Tuy nhiên, vẫn có nhiều chủ nhân vì muốn giữ hồn cốt cội nguồn ông cha đã dựng làng từ xưa nên nhiều ngôi nhà sàn vẫn còn nguyên bản dù quanh năm “cửa đóng, then cài”.

< Dấu tích còn lại sau khi "báu vật Tây Nguyên" bị sét đánh và thiêu rụi.
Dulichgo
Năm 2015, mái nhà Rông – “trái tim” của Kon Sơ Lăl bị sét đánh và bốc cháy dữ dội. Ngọn lửa lớn nhanh chóng bén sang 12 mái nhà sàn kề cận và phút chốc tất cả hóa thành đống tro hồng.

Nay, ở trung tâm của làng Kon Sơ Lăl cổ vẫn còn dựng lại hai cột gỗ lớn đã cháy xém giữa trời như sự tưởng nhớ về một thời lửa đỏ vẫn bập bùng mỗi đêm để nuôi dưỡng văn hóa Bahnar giữa đại ngàn Trường Sơn.

< Nhà Rông Kon Sơ Lăl (mới) - công trình kiến trúc bề thế, gắn liền với huyền thoại của những "kiến trúc sư" không biết chữ.

Mái nhà Rông trong tâm thức người Tây Nguyên luôn được coi là linh hồn, là biểu tượng của quyền uy và khát vọng của mỗi buôn làng. Hai năm sau khi ngôi nhà Rông cũ bị thiêu rụi, dân làng đã họp bàn và dựng lên mái nhà Rông mới bề thế. Tính đến thời điểm hiện tại, nhà Rông Kon Sơ Lăl (mới) được xem là nhà ngôi nhà Rông lớn nhất khu vực Tây Nguyên.

< Kon Sơ Lăl trầm mặc và ngủ quên giữa "vòng xoáy" của đời sống hiện đại.
Dulichgo
Dù mang vẻ đẹp nguyên sơ và yên bình nhưng ngôi làng Bahnar cổ này chưa được nhiều người ghé tới. Người dân nơi đây khá hiền lành. Khi gặp người lạ ghé thăm, những cô gái Bahnar thân hình nhỏ bẻ với đôi mắt trong chỉ dám e ngại nở nụ cười, khoe hàm răng trắng như ngà.

Kon Sơ Lăl nay đã thưa vắng bóng người nhưng dấu tích quần cư xưa vẫn còn ẩn hiện bên những nóc nhà sàn luôn hướng chụm về nhau như “gà quay quần bên mẹ”, nhiều loại cây ăn trái quen thuộc như me, vú sữa, nhãn, ổi, xoài… đã hóa cổ thụ. Ghé làng Kon Sơ Lăl vào đầu xuân, nhiều loại hoa dại bung cánh dọc khắp hai bên đường và đong đưa trong nét thanh bình của một ngôi làng Bahnar cổ không biết khi nào sẽ rơi vào trong quên lãng.

Theo Phạm Ly (Lao Động)
Du lịch, GO!

Làng Kol Sơ Lăl - huyền thoại Tây Nguyên
Kon Sơ Lăl: vẻ đẹp bị lãng quên
Về Kon Sơ Lăl xem múa hề
Kon Sơ Lăng trong quên lãng