(DNSG) - Mùa đông năm ấy, đoàn làm phim chúng tôi lên đường đi Kontum, đến làng Kol Sơ Lăl - một trong những ngôi làng Bana nguyên bản cuối cùng còn sót lại của Tây Nguyên. Trong mắt những nhà dân tộc học, Kol Sơ Lăl là báu vật kiến trúc của Tây Nguyên. Trong mắt những người làm du lịch, rồi một ngày nào đó, Kol Sơ Lăl sẽ hái ra tiền.
< Kon Sơ Lăl tháng 8/2013.
Kon Sơ Lăl ẩn sâu trong một thung lũng xanh tươi. Ngôi làng có vài chục nóc nhà sàn đắp đất quây quần bên nhà rông sừng sững. Màu vách tường hoàng thổ, màu mái rạ nâu, màu gỗ trắc mộc mạc quyện với màu đất đỏ bazan. Không gian quạnh quẽ thanh vắng, chỉ có tiếng gà, tiếng dê và vài tiếng thú hoang lạc lõng vọng về.
Ngày chúng tôi đến, chỉ còn 5 người già sinh sống ờ làng Kol Sơ Lăl. 2 năm trước, toàn bộ cư dân đã chuyển ra tái định cư ở làng mới, để được hưởng chính sách điện, đường, trường, trạm của Nhà nước. 5 người già quyết ở lại làng, sinh sống như cách tổ tiên họ đã hàng ngàn năm sinh sống với rừng. Họ muốn chết ở đó.
Chúng tôi đi đi lại lại, quay phim, trò chuyện mà tâm trạng cứ chìm dần vào không gian phảng phất cô tịch của Kol Sơ Lăl. Kol Sơ Lăl đang trở thành một phế tích trong lãng quên. Những người già ngồi nhìn mông lung vào quá khứ oai hùng của ngôi làng với những đầu thú hoang buồn rầu trên vách. Những giỏ tre mới đan phải gác lên vách, bởi đám con cháu thích dùng giỏ nhựa đã bỏ lại tất cả đồ tre nứa khi dọn về làng mới gần quốc lộ.
Bà A Pưi bảo: "Tôi chưa bao giờ muốn sống ở làng mới". Bà chỉ ra đó thăm con cháu rồi quay về lại làng cũ trong ngày. Ở làng mới, trong ngôi nhà xây bằng gạch, lợp tôn, bà không ngủ được. Một ngày nọ, có con heo rừng về Kon Sơ Lăl kiếm ăn. Trai làng mới nghe tin, mang súng hơi quay về làng cũ. Chiều hôm đó, họ khiêng xác heo rừng về. Một lát sau, lái buôn đến, ngã giá và mang đi.
Chúng tôi háo hức nhìn tất cả cảnh đó diễn ra. Nhưng bà A Pưi không muốn nhìn. Bà ngồi bên liếp cửa, đôi mắt đục ngó ra rừng, nơi chồng bà - người từng là già làng ngày trước - đang nằm lại. Chỉ mới cách đây vài năm, Kon Sơ Lăl vẫn còn chứng kiến cảnh cả làng làm thịt heo rừng chia nhau, cả làng uống rượu.
Từ ngày về làng mới, cảnh đó không còn nữa. Tất cả đều đem bán lấy tiền chia nhau, rồi ai về nhà đó. Bà không quen với lối sống như vậy. Nhưng bọn trẻ có nhu cầu khác, chúng không nghe người già nữa.
Chúng tôi đi quanh nhà rông từng là linh hồn của Kon Sơ Lăl. Ngôi nhà cao lớn vững chãi nhất làng cũng đã im tiếng cồng chiêng. Những cây cột to khỏe nay là đích ngắm của các lái buôn gỗ trắc. Đã có những cuộc ngã giá tiền tỷ, người trẻ muốn bán nhà rông dựng từ một góc rừng gỗ trắc, già làng nói hãy đợi cho đến ngày ta chết. Mỗi lần đám lái buôn lảng vảng đến nghe ngóng, ông vác cái rựa sắc ra ngồi im lặng ở đầu làng. Chỉ vậy. Nhưng họ hiểu quyết tâm của ông.
< Nhà rông Kon Sơ Lăl tháng 8/2013.
Già làng đang bệnh nặng, suốt ngày nằm bất động bên bếp lửa nhìn lên những quả bầu khô dốc ngược, ám khói trên gác bếp. Những chiếc ché úp ngược trong góc nhà đã cạn giọt rượu cuối cùng từ bao lâu chẳng còn nhớ nổi, những chiếc chiêng lặng tắt thanh âm, mạng nhện phủ đầy.
Trong ánh lửa hắt hiu từ những cành củi ẩm, già làng thở dốc, nhọc nhằn. Ông nhìn thấy ngọn gió điêu tàn sắp thổi đến Kon Sơ Lăl. Mùa đông năm ấy, nghe biết những tàn phai, chúng tôi đã ghi lại câu chuyện này trong một bộ phim tài liệu, và đặt tên phim là Trong quên lãng. Không ngờ ngày đó đến quá nhanh. Trong một đêm mưa gió, một tia sét rạch trời giáng xuống nhà rông. Ngọn lửa bùng lên, lan nhanh, biến toàn bộ Kon Sơ Lăl thành đống tro tàn.
Dân làng kể lại rằng, khi đến cứu già làng ra khỏi đám cháy, ông gắng hết sức tàn níu lại. Tấm thân gầy guộc của ông đã hóa thành tro bụi cùng với Kon Sơ Lăl.
< Và sau trận bão lửa tháng 4/2015...
Khi nhìn lại những khuôn hình trong bộ phim cũ, những khuôn mặt người già an nhiên giữa ngôi làng cô độc, những mái nhà lợp tranh hoang vắng nép bên bóng ngôi nhà rông từng bị ngã giá, mới chợt nhận ra rằng, có lẽ cái kết đó chính là một ân huệ của Yàng dành cho Kon Sơ Lăl. Từ chối sự mục rữa lê thê để ra đi trong ngọn lửa của đất trời như một huyền thoại Ba Na lẫm liệt, Kon Sơ Lăl đã lựa chọn cái chết đỡ đau đớn nhất.
Có bao di sản quý giá khác cũng đang dần ra đi cùng những biến thiên của thời đại. Sự ra đi đó cần phải được ghi chép lại cho những thế hệ sau. Nhưng ghi chép thế nào khi đâu đó với những lễ hội kỳ dị kiểu treo cổ một con trâu đến chết ở một tỉnh phía Bắc.
< Bắt đầu tiết mục đâm trâu hiến tế hồi đó.
Những thước phim sẽ tái hiện điều gì hôm nay để Tây Nguyên của chúng tôi vẫn hùng vĩ, bí ẩn và hào sảng trong mắt các thế hệ hiện đại. Tây Nguyên của các tộc người văn hóa khác nhau cùng sum vầy kiếm một mảnh đất nhân hòa để sống và phát triển, chứ không phải để những ngôi làng như Kon Sơ Lăl lặng lẽ tan vào tro bụi trong quá trình hiện đại hóa.
Kontum là tỉnh giữ được mật độ rừng nguyên sinh lớn nhất Tây Nguyên. Nó cũng là vùng đất có bản sắc văn hóa đậm đặc, nơi mà người dân cảm nhận được sự linh thiêng của lễ hội đâm trâu cảm tạ thần linh, nơi tập tục cũ là văn hóa bản địa giao hòa với thế giới tinh thần của họ chứ không bị thương mại hóa, phục vụ du lịch như nhiều tỉnh khác ở Tây Nguyên.
Bây giờ là thời điểm người Kontum chuẩn bị cho những lễ hội mừng lúa mới vào tháng 3 hằng năm. Dẫu tỷ lệ người dân theo đạo Tin Lành khá cao, tức là họ từ chối những tập tục lạc hậu gắn liền với văn hóa bản địa, nhưng Kontum vẫn có hàng trăm bản làng gìn giữ tốt những nghi thức văn hóa và tâm linh của từng dân tộc Cơ Tu, Lào, Gia Rai, Ê Đê.
Những người làm phim, các nhà nghiên cứu văn hóa chỉ vội vã ghi lại những gì còn đó, những lễ hội mà người có mặt không có những cảm nhận như sự "ghê rợn" của lễ đâm trâu, mà chỉ nhìn thấy ánh mắt rực sáng của già làng đang thầm thì những lời khấn nguyện dâng lễ vật lên thần linh, những món ăn mà người bản địa đã chắt lọc trong cuộc sống chung với rừng làm cho dân bản vui sướng, những bữa tiệc rừng mà hơi rượu gạo lan tỏa làm ấm cuộc sống của họ.
Chúng tôi tất nhiên rất vui mừng khi đến những bản làng mà văn minh đã đưa lại những điều mới mẻ cho người bản địa Kontum, những tivi, điện thoại di động, quốc lộ thông thoáng... Nhưng vẫn bận lòng với hàng trăm ngôi làng cũ có giá trị đặc sắc về kiến trúc, tập tục sống trong lòng thiên nhiên đang mòn mỏi và có nguy cơ biến mất vĩnh viễn như ngôi làng nổi tiếng Kon Sơ Lăl.
Nếu bạn đã từng đến ngôi làng Kon Sơ Lăl một lần, trái tim sẽ không thể bình yên khi nghĩ rằng nó không còn nữa, không còn chút vết tích nào trên mặt đất!
Theo Đoàn Hồng Lê - Bích Hồng (Doanh Nhân Sàigòn)
Du lịch, GO!
Kon Sơ Lăng trong quên lãng
Kon Sơ Lăl: vẻ đẹp bị lãng quên
Về Kon Sơ Lăl xem múa hề
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.