(ĐNO) - Đồng bào M’nông, Mạ, Ê đê sinh sống ở Đắk Nông có rất nhiều món ăn truyền thống dân dã như cơm lam, canh thụt, canh bồi... với những nguyên liệu hết sức gần gũi với thiên nhiên; trong đó có món “muối kiến vàng”.

Muối kiến vàng là một trong những món ăn ưa thích được đồng bào sử dụng trong bữa ăn thường ngày. Cách chế biến cũng khá đơn giản với nguyên liệu chính là kiến vàng (một loại kiến sống bám từng tổ trên cây). Sau khi bắt kiến về để cả tổ ngâm vào nước nóng hoặc bỏ vào chảo rang cho kiến chết, vớt kiến ra để ráo rồi rang chung với muối hạt và ớt xiêm. Tùy theo sở thích của từng gia đình mà cho ớt, muối nhiều hay ít. Khi muối khô và kiến đã chín thơm thì đổ vào cối giã cho đều, bỏ vào hộp dùng trong nhiều ngày...

Muối kiến vàng mang hương vị đặc trưng riêng, vô cùng lạ miệng và hấp dẫn, được đồng bào dùng với cơm trắng khi lên nương rẫy, ăn với rau luộc, chấm xoài xanh hay ăn kèm với các món thịt nướng...

Theo đồng bào, kiến vàng chứa nhiều chất dinh dưỡng, có vị chua chua rất dễ ăn. Việc bắt kiến vàng cũng phải theo mùa và chủ yếu vào mùa nắng bởi lúc này kiến chua và mang vị đặc trưng hơn. Ngoài sử dụng kiến để làm muối, đồng bào còn dùng để nấu canh măng, canh lá giang, làm gỏi đu đủ...
Dulichgo
Ông Điểu Nhan ở bon Đắk R’moan, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) cho biết: “Muối kiến vàng có mùi vị đặc trưng riêng, vừa chua chua, cay cay, mặn mặn... là món ăn ưa thích của người M’nông khi lên nương rẫy. Tôi cũng chẳng biết là món này có từ bao giờ nữa, chỉ thấy ông bà xưa làm thì thi thoảng cũng bắt kiến về làm thôi”. Chị H’Brem ở bon SêRê Ú, xã Đắk Nia cũng cho biết: “Thi thoảng đi rừng hoặc lên rẫy thấy tổ kiến vàng là tôi lại bắt về chế biến các món ăn, nhiều thì làm muối, ít thì nấu canh chua cho các con ăn”.

Theo Mỹ Hằng (Báo Đắk Nông)
Du lịch, GO!

Then len trộn kiến vàng
Bò một nắng, muối ớt kiến vàng
Gỏi lá rừng, muối kiến Gia Lai