(ĐCO) - Các dân tộc ở Tây nguyên có nhiều loại đàn dân gian có âm sắc rất độc đáo. Người Êđê có cây kèn Đinh năm thiết tha, người Jrai dùng chiếc đàn goong réo rắt làm phương tiện tỏ tình, người Xê đăng tự hào với Klong put bì bộp ấm áp, người Mnông có bộ Nung (Tù và) lớn nhỏ có tiếng vang da diết... còn người Banar có đàn T’rưng nước.

Khác với những loại đàn xử dụng trong nhà, người Banar làm đàn bên bờ suối, lợi dụng sức nước kéo sợi dây buộc những chiếc dùi nhỏ, gõ vào nhiều ống nưá, phát lên tiếng kêu trầm bổng rất vui tai. Người Banar Rngao ở Kon tum cũng có đàn đánh bằng sức nước. gọi tên Ting gling. Cấu tạo cũng như chiếc đàn t’rưng. Trước tiên,người ta chặt nhiều ống nứa dài ngắn khác nhau, treo thẳng đứng ven bờ suối. Những ống to, dài có âm thanh trầm. Những ống ngắn, nhỏ, có âm thanh cao.

Có nhiều những thanh gỗ được buộc thành dây chuyền, nối liên hoàn từ một gàu nước buộc nơi dòng chảy xuôi của con suối, đến những ống nứa. Mỗi khi gàu đầy, nghiêng đi, nước đổ xuống, kéo theo sự chuyển động của hệ thống dây chuyền.Những thanh gỗ lập tức cũng chuyển động, gõ vào thân những ống nứa buộc dựng đứng, phát ra tiếng kêu.
Dulichgo
Lần lượt từ cao đến thấp. Hoặc theo thẩm mỹ thính giác của người nghệ nhân làm nên cây đàn. Khi đã đổ hết nước, chiếc gàu chuyển động trở lại vị trí cũ, cũng lay động những sợi dây. Các dùi gỗ lại đập vào ống nứa. Chiếc gàu cứ liên tục nâng lên, trĩu xuống, đổ đi như thế, tạo ra hàng chuỗi những âm thanh trầm bổng. Ấy chính là T’rưng nước, gõ suốt đêm ngày trên dòng suối.

Đàn T’rưng phụ thuộc vào nguồn nước nhiều hay ít. Ơ nơi dòng chảy nhỏ, người ta buộc chừng 15-20 ống.Với dòng chảy lớn hơn, có thể buộc từ 30-40 ống. Nguồn cung cấp nước lớn hơn nữa, có thể buộc tới 45-50 ống nứa to nhỏ. Hoặc có thể làm hai chiếc T’rưng loại vừa. Không phải ai cũng có thể làm được đàn T’rưng nước. Bởi cần có một thính giác, một thẩm mỹ âm thanh tuyệt vời, để sắp xếp các ống nứa theo một thứ tự nào đó, để cả khi nước đầy đổ xuống, hay di chuyển trở lại vị trí cũ, vẫn tạo ra những giai điệu trầm bổng. Không chỉ sắp xếp các ống nứa to nhỏ,dài ngắn, mà còn cả hệ thống dùi gõ, sao cho lần lượt gõ từ ống này sang ống khác. Có người nói đàn T’rưng nước mô phỏng âm thanh những dàn chiêng. Nhưng thực ra T’rưng nưóc đã có từ rất lâu, trước cả khi xuất hiện bộ chiêng đồng.

Làm một chiếc đàn T’rưng nước, kể từ khi vào rừng chặt nứa, kiếm dây buộc, đến khi cất lên những giai điệu đầu tiên, cần phải mất từ 1 tuần trăng đến 10 ngày .Người Bâhnar không làm T’rưng nước ở trong Plei (Làng), cũng không thể dùng nó biểu diễn trong nhà Rông vào những dịp lễ hội. Mà thường chỉ làm bên bờ suối, gần kề bên rẫy lúa hay rẫy trồng củ mì (sắn) của các gia đình. Bởi hầu hết 6-7 tháng trong năm, mọi người đều thường xuyên có mặt ngoài nương rẫy, ngay từ khi ông mặt trời mới thức, cho tới mặt trời đi ngủ. Lúc lao động trên rẫy, T’rưng là nhịp điệu nghỉ ngơi, giải trí cho vui tai những khi mệt nhọc. T’rưng cũng gợi đến không khí vui tươi của buôn ,Plơi trong các lễ hội. Trong tiếng ngân nga trầm bổng của dàn chiêng đồng, gái trai nắm tay nhau chung vòng múa Xoang, quanh đống lửa,ché rượu cần và cột nêu cao vút rung rinh trong gió.
Dulichgo
Đêm xuống ,khi mọi người đã quây quần trong ánh lửa nhà sàn,tiếng T’rưng vẫn bổng trầm nơi suối vắng, xua đi bầy thú rừng phá hoại mùa màng. Hình như T’rưng đang hát rằng “ Hỡi con chim bay đi, con khỉ đi ngay. Đừng ao ước phá hóại mùa màng của chúng ta nhé …”

Bà con các dân tộc Tây nguyên còn tin rằng: Rẫy nào có chiếc đàn T’rưng kêu to, vang xa, thì rẫy đó sẽ có cây lúa nhiều bông, trái bắp to đầy hạt, cây củ mì có nhiều củ to. Dường như các Thần linh coi sóc rẫy nương cũng hài lòng vì những âm thanh vui tai ấy, mà phù hộ cho gia chủ. Do vậy, người ta thường chọn làm rẫy ở những nơi gần nguồn nước. Đó là một trong những nét đẹp của “Nền văn minh lúa rẫy” Tây nguyên.

Có một người làm thơ của tỉnh Kon Tum, Lê văn Sỹ ,đã kể về cây đàn ting gling Rngao như thế này:
“ Anh chọn ống to căng no gió núi/ chọn ống nhỏ chứa tròn tiếng suối/ Treo thành dàn trên rẫy/ Giăng thành dãy trên nương/ Nhờ suối kéo cần.
Dulichgo
Để cho tiếng Ting gling :
“ Tiếng trầm lội qua con suối/Tiếng thanh luồn qua hẻm núi”

Khiến em :
“Tay vướng tiếng Ting gling / Ngập ngừng ngưng lại ngẩn ngơ/Chân vấp tiếng Ting gling / Dùng dằng dừng lại thẫn thờ.”

Ngày nay, lên Tây nguyên ít gặp những dàn T’rưng nưóc như thế. Bởi bà con đã chuyển từ canh tác lúa rẫy sang làm ruộng nước, hoặc chuyên canh cây công nghiệp,không còn gắn bó nhiều với rừng nữa. Môi trường cho những nhạc cụ dân gian ấy là những dòng suối róc rách chảy suốt đêm ngày cũng không còn nhiều. Nhưng nếu may mắn đi đến những vùng xa xôi hẻo lánh,bạn vẫn có thể nghe tiếng lanh canh của tr’ưng nước bên một dòng suối nào đó. Hoặc nếu có dịp về thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể đến vườn cây trong Dinh Thống Nhất, bên một chiếc nhà Rông, có một dàn T’rưng nước đã được các nghệ nhân Gia Lai tái tạo lại ở đó. Để không chỉ làm vui tai, mà còn giúp bạn bè hiểu thêm về cái đẹp của văn hóa các dân tộc Tây nguyên.

Theo Linh Nga Niê Kdăm (Dotchuoi.com)
Du lịch, GO!