(DNSG) - Từ TP. Hồ Chí Minh, theo quốc lộ 50, chúng tôi vượt qua cầu Ông Thìn, rồi qua Cần Giuộc để đến huyện Cần Đước của tỉnh Long An.

Sau một tiếng rưỡi để vượt quãng đường khoảng 40 cây số (do mật độ xe cộ khá dày), chúng tôi đã về đến địa phương là vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh miền Tây giáp ranh trung tâm kinh tế của cả nước.

Chợ trên ngã ba sông

Chợ Cần Đước là trung tâm thương mại của huyện Cần Đước. Đây là ngôi chợ mới được xây dựng từ năm 1990 thay cho chợ cũ cách đó khoảng 300 mét. Đó là khoảng cách tính theo “đường chim bay”, nhưng thực tế đó là kết quả của công trình đắp đập ngăn mặn để giữ nước ngọt cho các xã thượng nguồn sông Cần Đước.

Công trình này đã huy động hàng trăm ngàn ngày công lao động của người dân Cần Đước vào những năm 1990, và mất 2 năm mới hình thành được khu trung tâm của huyện như hiện nay.

< Những căn phố mới bên cạnh chợ Cần Đước nằm trên quốc lộ 50 trở thành khu thương mại sầm uất nhất huyện Cần Đước.

Công trình đã san lấp ngã ba sông, mở rộng hàng chục héc ta đất, xóa bỏ hai chiếc cầu sắt được xây dựng từ thời thuộc Pháp. Đây là nơi giao thương của thị trấn Cần Đước và 16 xã trong huyện.

Ngoài trung tâm giao thương tại thị trấn Cần Đước, trung tâm thứ hai phải kể đến chợ Kinh Nước Mặn.

Đây là chợ do xã quản lý nhưng là nơi giao thương giữa người dân hai xã Long Hựu Đông, Long Hựu Tây và các địa phương lân cận thuộc huyện Cần Giuộc và TP. Hồ Chí Minh.
Dulichgo
Kinh Nước Mặn – Kết nối giao thương

Ngôi chợ mang tên Kinh Nước Mặn vì nó được đặt tại đầu Kinh Nước Mặn giáp với sông Cần Giuộc, hằng ngày có hàng ngàn ghe thuyền lớn nhỏ đi qua lại.

Kinh Nước Mặn dài chỉ khoảng 1 cây số nhưng giúp cho biết bao thương thuyền đi tắt từ đồng bằng sông Cửu Long đến TP. Hồ Chí Minh và ngược lại thay vì phải đi vòng ra biển hàng chục cây số. Hàng trăm năm nay, con kinh này đã góp phần phát triển kinh tế cho cả khu vực. Tiếc là việc đầu tư phát triển cho con kinh này chưa thật tương xứng.

Niềm tự hào “ghe anh mũi đỏ xanh lườn”

Không biết từ bao giờ, hình ảnh chiếc ghe “mũi đỏ xanh lườn” đã gắn liền với địa danh Cần Đước. Những chiếc ghe có mũi sơn đỏ với hình đôi mắt vừa thân thiện vừa thách thức là biểu tượng cho con người Cần Đước vừa hiền lành, chịu thương chịu khó, vừa hào hiệp.
Dulichgo
Ghe là phương tiện vận chuyển phổ biến ở vùng đất này, giúp người dân chở gạo, chở cá, chở heo, chở lu... đi khắp miền sông nước Nam Bộ. Cần Đước có nhiều trại ghe ở các xã Long Hựu, Tân Chánh, Phước Đông... cung cấp nhiều chiếc ghe lớn nhỏ cho cả khu vực.

Trước đây, Cần Đước thuộc tỉnh Gia Định nên có câu thơ: Ghe ai mũi đỏ xanh lườn/ Phải ghe Gia Định xuống vườn thăm em. Giới thương hồ Cần Đước rất tự hào “Ghe anh mũi đỏ xanh lườn” là như vậy!

Cũng từ kinh nghiệm đóng ghe và vận chuyển bằng đường thuỷ từ hàng trăm năm nên những năm gần đây, nhu cầu vận chuyển đường thủy phát triển thì Cần Đước là nơi cung cấp nhiều xà lan vận chuyển hàng hóa nhất ở miền Nam.

Con tôm nuôi cây lúa

Cần Đước là vùng nước lợ, phần lớn diện tích của huyện bị xâm mặn nên rất phù hợp để nuôi tôm. Nếu như trước đây vào mùa nước mặn người nông bỏ quê đi khắp nơi làm thuê thì nay họ tập trung cho việc nuôi tôm.
Dulichgo
Hiện nay, xã Tân Chánh dẫn đầu nghề nuôi tôm cả huyện, người dân không còn cảnh trồng lúa nhưng phải lo chạy gạo vào mùa nước mặn. Những căn nhà lá lụp xụp trước đây giờ cũng đều đã được “ngói hóa”. Nói cách khác, con tôm đã nuôi cây lúa cho mọi gia đình xã Tân Chánh này.

Gạo Nàng Thơm Cần Đước

Gạo nàng thơm Chợ Đào là đặc sản nổi tiếng không những trong nước mà nước ngoài cũng ưa chuộng. Từ lâu, giống lúa đặc biệt này chỉ có thể trồng trên đất Chợ Đào (xã Mỹ Lệ), trên diện tích rất nhỏ (chỉ khoảng 400 héc ta) mà thôi, nên giá gạo khá cao.

Gần đây, nhờ tiến bộ của khoa học kỹ thuật, giống lúa nàng thơm Chợ Đào đã được phát triển hơn 2.000 héc ta ở các xã lân cận Mỹ Lệ như Tân Lân, Tân Trạch, Phước Đông... thuộc  huyện Cần Đước.

Nhờ vậy, gạo nàng thơm Chợ Đào không còn quá khan hiếm, giá cả cũng “mềm” hơn, giúp người dân nhiều địa phương cải thiện cuộc sống.

Lạp xưởng Cần Đước

Từ lâu, lạp xưởng Bà Sáu Nguyên đã nổi tiếng là đặc sản Cần Đước. Đó là loại lạp xưởng tươi làm từ thịt heo và một số gia vị gia truyền khác.

Nay, Cần Đước có hàng trăm cơ sở làm lạp xưởng. Dọc theo quốc lộ 50 rất nhiều quầy bán lạp xưởng Cần Đước, dù lạp xưởng sản xuất tại Cần Giuộc, Gò Công... Điều này cho thấy thương hiệu lạp xưởng Cần Đước rất được tin tưởng.

Vùng rau an toàn

Không riêng xã Phước Vân, bà con các xã Long Hòa, Long Cang, Long Sơn... đã làm quen với cách trồng rau sạch. Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hòa đã áp dụng trồng rau theo phương pháp thủy canh trong nhà màn để cung cấp rau xanh cho các siêu thị tại TP.HCM.
Dulichgo
Với phương pháp này, bảo đảm rau an toàn, không bị sâu bệnh. Đặc biệt, giá cả phù hợp với người tiêu dùng và người trồng có lãi. Hiện nay, người nông dân các xã vùng thượng đang phát triển thêm nhiều vườn rau an toàn để nâng cao sản lượng.

Chùa Thiên Mụ ở Nam bộ

Từ lâu, người ta biết đến sự linh thiêng của chùa Thiên Mụ ở Huế, ít ai biết ở xã Tân Trạch, huyện Cần Đước cũng có ngôi chùa mang tên Thiên Mụ. Đây là ngôi chùa đã từng giúp Nguyễn Ánh ẩn núp trong thời kỳ bị quân Tây Sơn truy sát.

Chính vì vậy khi lên ngôi, ngài đã tặng tên Thiên Mụ cho chùa và một vài báu vật như trang thờ, cái mỏ và chiếc trống chầu. Hiện nay, những hiện vật còn lưu tại chùa. Rất tiếc những báu vật này chưa được bảo quản như một di sản.

Hiện nay, chùa được tôn tạo khá tốt, tượng Bồ tát Quan Thế âm cao 40 mét được khánh thành vào đầu năm 2018. Đây là tượng Quan thế âm cao nhất tỉnh Long An.

Ngôi nhà 100 cột

Tại xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, Nhà Trăm Cột là công trình kiến trúc điêu khắc cổ xây dựng theo lối nhà Rường của xứ Huế, nằm lọt giữa vùng quê Nam Bộ đã có từ hơn 100 năm nay.

Ngôi nhà này có 68 cột chính và nếu tính luôn 52 cột vuông nhỏ phụ trợ ở hàng 5 và vòng đố vách chái xây bằng xi măng (đã được trùng tu sau này) thì có tới 120 cột lớn nhỏ.
Dulichgo
Khái niệm “Nhà trăm cột” như vậy chỉ là ước lệ. Công trình đã được Bộ Văn hóa – Thông xếp hạng là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia năm 1997.

Đây là ngôi nhà tiêu biểu cho tầng lớp giàu có của Cần Đước hơn 100 năm trước.

Đồn Rạch Cát – dấu tích cuộc chiến giữ đất

Đồn Rạch Cát là pháo đài quân sự đồ sộ vào loại nhất nhì Việt Nam, do thực dân Pháp xây dựng năm 1904 đến năm 1910 tại ấp Long Ninh, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Đây là pháo đài phòng thủ ven biển kiên cố, kiến trúc độc đáo, có vị trí chiến lược trong phòng thủ cũng như trong tiến công.

Nơi đây ghi dấu những sự kiện lịch sử quan trọng ở Cần Đước hồi cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, và là chứng tích về sự thất bại của thực dân Pháp trước quân dân Long An nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Nguyễn Quang Đại – người thầy của đờn ca tài tử Nam bộ
Dulichgo
Ông Nguyễn Quang Đại, tức ông Ba Đợi, là một nhạc quan của triều đình nhà Nguyễn. Cuối thế kỷ XIX, ông đã hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp, vô Nam truyền dạy nhạc tài tử và nhạc lễ.

Ông đã cải biên ca nhạc Huế và nhạc lễ cung đình Huế cho hợp với người dân vùng đất mới. Từ đó, nhạc cổ đã trở thành phong trào đờn ca tài tử Nam bộ.

Nhiều nhạc sĩ lừng danh ở miền Nam do ông đào tạo như: Sáu Thới, Bảy Nhỏ, Tám Hạnh, Chín Chiêu, Giáo Thinh (Nguyễn Văn Thinh nguyên Trưởng khoa Nhạc dân tộc của Trường Quốc gia âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn)...

Trong thời gian ở Nam bộ, ngoài Sài Gòn, ông về Cần Đước, Cần Giuộc sinh sống và xây dựng phong trào đờn ca tài tử.

Để tôn vinh Cố nhạc sư - Nghệ nhân dân gian Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) là Người Thầy của đờn ca tài tử Nam bộ, người dân Cần Đước đã đặt linh vị Nghệ nhân dân gian Nguyễn Quang Đại tại đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

Cần Đước ngày nay

Từ lâu, Cần Đước là vùng đất phèn mặn, người dân sinh sống rất khó khăn, nên luôn mong được vua “ban phước”, vì vậy các xã thuộc huyện Cần Đước được đặt tên với chữ đầu là Long, Tân, Phước, Mỹ, như Long Hoà, Long Cang, Long Trạch, Long Sơn, Long Định, Long Khê, Long Hựu Đông, Long Hựu Tây, Phước Đông, Phước Vân, Phước Tuy, Tân An, Tân Trạch, Tân Lân, Tân Chánh, Mỹ Lệ.
Dulichgo
Cao Đài đại đạo Đàn Chiếu Minh, một cơ sở tôn giáo nổi tiếng được xây dựng tại xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước.

Cầu Mỹ Lợi bắc qua sông Vàm Cỏ, nối liền quốc lộ 50 từ huyện Cần Đước sang huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) thay phà cũ, rút ngắn thời gian đi từ TP.HCM đến Tiền Giang trên 30 phút.

Phà Bà Nhờ qua sông Vàm Cỏ nối liền xã Tân Ân huyện Cần Đước với huyện Châu Thành, tỉnh Long An.

Bến đò Rạch Cát đưa đón người dân ở xã Long Hựu Đông, Cần Đước và xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh qua lại với nhau.
Dulichgo
Đặc sản miền quê Cần Đước: Mắm ruốc ăn với trái bần, mắm tôm chua ăn với thịt luộc, mắm biển ăn với dưa leo, mắm còng, mắm cá sặc...

Hiện nay Cần Đước tuy chưa phải là huyện giàu có nhưng các mặt kinh tế, xã hội văn hoá, y tế, giáo dục... phát triển khá đều. Cuộc sống của người dân đã được nâng lên. Duy có một điều không khác: Người Cần Đước luôn luôn hiếu khách...

Theo Thanh Minh (Doanh Nhân Sàigòn)
Du lịch, GO!