(LCO) - Dân tộc Bố Y ở Việt Nam là một trong những dân tộc có số dân ít nhất trong nhóm Tày Thái. Bố Y chia làm hai nhóm có tên gọi chung: nhóm ở Quảng Bạ (Hà Giang) có tên gọi là Bố Y, nhóm cư trú ở Lào Cai mang tên là Tu Di.

Ở vùng cao Mường Khương, Bố Y là một trong những dân tộc bảo tồn và phát huy tốt văn hóa truyền thống, đặc biệt là trang phục.

Trong khi trang phục truyền thống của một số dân tộc khác bị cải biên, mai một thì trong cộng đồng dân tộc Bố Y, trang phục vẫn giữ được những yếu tố truyền thống.

Trang phục của đàn ông Bố Y đơn giản với áo cổ viền, tứ thân, cúc cài, quần ống rộng, còn trang phục của phụ nữ lại cầu kỳ và đẹp. Bộ trang phục nữ gồm áo và quần làm bằng vải lanh. Chiếc áo của phụ nữ Bố Y có 2 loại, gồm áo trong và áo ngoài. Áo trong là kiểu áo tứ thân, có 2 túi ở hai bên để phụ nữ đựng đồ quan trọng. Chiếc áo ngoài có phần cổ và tay được thêu họa tiết cầu kỳ. Đặc biệt, ở tay áo có những họa tiết đặc sắc như hoa, hình đôi bướm đối xứng… Bộ trang phục của phụ nữ Bố Y còn có chiếc tạp dề được làm tỉ mỉ, trang trí những họa tiết thêu hoa mẫu đơn với sắc hồng nổi bật.Dulichgo

Nghệ nhân dân gian Lồ Lài Sửu, người giữ gìn nghề làm trang phục truyền thống tại xã Thanh Bình cho biết: Để hoàn thiện một chiếc áo của phụ nữ với nhiều họa tiết thêu tay, phải làm trong 2 tuần. Bộ trang phục hoàn chỉnh còn có những chiếc cúc bạc, vòng bạc làm trang sức, khi đó giá trị bộ trang phục không chỉ là 300.000 - 400.000 đồng nữa mà sẽ lên đến vài chục triệu đồng.

Bộ trang phục của phụ nữ Bố Y còn độc đáo bởi chiếc khăn đội đầu được thêu họa tiết cầu kỳ. Để đội khăn đúng kiểu, vuông vắn, phụ nữ phải dành 20 phút để vấn tóc, quấn khăn. Sau khi quấn khăn, gương mặt họ được lộ rõ, thanh thoát hơn. Phụ nữ Bố Y khi đi hoặc ngồi nói chuyện thường đưa hai tay giấu trong vạt áo, thể hiện sự nữ tính, đoan trang.
Dulichgo
Người Bố Y ở Mường Khương từ già đến trẻ, nam hay nữ đều có cho riêng mình một đến vài bộ trang phục truyền thống. Trong những dịp quan trọng như lễ, tết, ngày hội, họ mặc bộ trang phục đẹp nhất với lòng tự hào về bản sắc của dân tộc mình.

Theo Thảo Phương (Báo Lào Cai)
Du lịch, GO!