(BHY) - Hưng Yên có mấy chợ to,
Tiếng đồn to nhất, chợ Gò đã lâu.
Có sông, có bến, có cầu,
Kẻ buôn người bán đâu đâu cũng về.
   
Câu ca dao nổi tiếng gắn với địa danh ngôi làng cổ, không biết tự thuở nào đã sớm nảy nở giao thương sầm uất, tấp nập trên bến dưới thuyền, khác hẳn nhiều ngôi làng truyền thống của xứ Nhãn. Ấy là làng Gò, xã Ngọc Thanh (Kim Động).  Làng còn có tên chữ là Thanh Cù, với nghĩa "gò đất cao, hội tụ được những ưu việt", hay có nghĩa "một cuộc sống thanh cao, một môi trường thanh khiết"…
Điều độc đáo và lạ lùng ở làng Gò và cũng hiếm có ở các làng quê nơi đồng bằng Bắc Bộ, chính là sở hữu những... hai ngôi chùa, hai ngôi đền và hai ngôi đình! Trong khi thông thường mỗi làng chỉ có một đình, một chùa, một đền (hoặc không).

Ngày hội truyền thống làng Gò diễn ra vào mùng 10.3 âm lịch hàng năm cũng chính là ngày lễ hội ở đình Thanh Cù, một trong hai ngôi đình của làng, di tích đã được nhà nước xếp hạng cấp quốc gia năm 1993. Đến đây, du khách sẽ phải nghiêng mình trước công trình kiến trúc thách thức với thời gian và được ôn lại những câu chuyện truyền thuyết, những trang vàng lịch sử chói lọi của dân tộc.
Dulichgo
Đình Thanh Cù tọa lạc ngay đầu làng, thờ Thành Hoàng làng là Đức Thánh Uy Đô Đại Vương Trần Linh Lang, một danh tướng đời Trần đã có công dẹp giặc Nguyên Mông ở thế kỉ XIII. Ngôi đình không chỉ là một công trình lịch sử kiến trúc đặc sắc, biểu tượng cho khí phách anh hùng, xả thân vì nước của cha ông thuở trước, mà còn là biểu tượng văn hóa đầy tự hào với những truyền thống tốt đẹp của làng Thanh Cù.

Theo thần phả của đình,  Đức Linh Lang là vị thánh đã ba lần đầu thai xuống trần giúp nhân dân Đại Việt đánh giặc và xây dựng đất nước. Ba lần đầu thai của ngài ứng với ba ngôi vị được thờ trong gian Hậu cung, tương ứng với ba cỗ kiệu được rước trong ngày hội làng. Bức đại tự lớn nhất ở chính giữa gian Đại bái của đình đề 4 chữ “Tam linh quyến hựu” (Ba vị thánh linh thiêng yêu thương giúp đỡ, phù trợ) được lập dưới đời vua Thành Thái 1897. Ghi nhận công lao của Ngài, các triều đại sau này đều phong sắc để nhân dân tôn thờ Thành Hoàng làng, kế thừa truyền thống yêu nước, góp phần gìn giữ nền độc lập dân tộc.

Đình Thanh Cù nức tiếng bởi nét cổ kính và bề thế về tổng thể cấu trúc, kiến trúc. Theo thần tích, Đình được xây dựng năm Chính Hòa thứ 11 (1691). Cấu trúc đình theo kiểu chữ Đinh, gồm tòa Đại bái (năm gian, gồm ba gian chính, hai gian trái) và Hậu cung.

Màu thời gian như lắng đọng lại nơi đây khi du khách khẽ chạm tay vào những hiện vật của đình. Màu của quá khứ, của lịch sử 3 thế kỷ có lẻ, với biết bao dâu bể, thăng trầm. Ngôi đình hiện vẫn còn khá nguyên vẹn và còn lưu giữ được nhiều hiện vật, đồ thờ tự quý, như:  3 kiệu Bát cống thời Lê, kiệu Long đình được chạm rồng, hoa dây rất đẹp và sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Quả chuông đồng cao 1,4m, đường kính miệng 0,7m, đúc năm Tự Đức thứ tư, ghi công đức tu bổ đình. Một bộ đỉnh đồng thời Nguyễn, trên nắp đỉnh đúc hình trúc hoa long; một bát hương bằng sứ thời Lê cao 0,25m, đường kính miệng 0,22m; hai cỗ ngai vàng và bài vị sơn son thiếp vàng có chạm rồng  và hoa; các bộ đôi câu đối và đại tự hoành phi...
Dulichgo
Không gian đình Thanh Cù vừa toát lên nét thâm nghiêm, lại đượm vẻ thanh tịnh phảng phất, vừa trầm mặc vừa thanh tao. Trải qua nhiều lần trùng tu, kiến trúc ngôi đình hiện tại mang đậm phong cách kiến trúc thời Lê Trung Hưng thế kỉ XVII và có cả những phần mang màu sắc đương đại với kết cấu đối xứng và tinh xảo. Mái đình khá dày và có tỉ lệ chiếm khoảng 2/3 tổng chiều cao của ngôi đình, bốn góc là bốn đầu đao xòe rộng, uốn cong đầu rồng, tạo sự nhẹ nhàng mà uy nghi cho ngôi đình. Ở nóc mái đình có họa tiết trang trí lưỡng long chầu nguyệt. Hệ thống gỗ, cột xà, kè, bẩy, kẻ hiên... trong đình theo kết cấu chồng rường, giá chiêng… Các hàng cột lớn từ gỗ lim nguyên khối được kê trên các bệ đá xanh, có kích thước lớn (cao trên 4,5m, đường kính  hơn 0,7 m) tạo sự bề thế vững chãi cho ngôi đình.

Điểm độc đáo nữa trong kiến trúc đình Thanh Cù chính là hệ thống phù điêu gắn vào khung gỗ chịu lực phía trên của đình, thể hiện sự tài hoa khéo léo của người thợ trong điêu khắc, chạm trổ, vừa tạo sự trang trọng cho ngôi đình, vừa gửi gắm bao ước mơ tốt đẹp về cuộc sống. Ở gian Đại bái, bên tả là bức chạm “ổ rồng” (rồng mẹ với đàn rồng con) mang ước mơ về cuộc sống sum vầy, bên hữu là bức chạm quần long đầy sinh động. Còn ở các phần kiến trúc như đầu kèo, chắn gió... là các chạm khắc trang trí hoa vân (hoa, mây) được cách điệu tinh tế, khiến người xem rất thích thú.
Dulichgo
Đình Thanh Cù tạo ấn tượng đẹp với du khách gần xa, là niềm tự hào cho dân làng bởi không khí lễ hội hàng năm thiêng liêng mà gần gũi, trang trọng mà ấm áp, náo nức mà lắng đọng. Ngày hội chính diễn ra cùng ngày với Giỗ tổ Hùng vương (10.3 âm lịch). Đoàn rước lễ từ đình Thanh Cù ra đình Văn Chỉ (cũng trong làng Gò), rồi rước qua Đền thờ đức Thánh sau đó lên Lăng mộ Ngài và cuối cùng rước trở về.

Lễ hội làng Gò có nét đặc biệt ít thấy ở những lễ hội của xứ Nhãn, bởi sự tham gia "góp lễ" của các đoàn đến từ di tích đình Phúc La, đình Nhật Tân, đình Yên Phụ (thành phố Hà Nội) với các đội trống, múa kỳ lân, sư tử, kiệu lễ, ban tế...  Điều này được lý giải là bởi, các ngôi đình trên cùng thờ Đức Linh Lang… Tất cả đã tạo nên một lễ hội làng quê trang trọng, linh thiêng. Dường như, ai đi dự hội cũng cảm nhận rõ tinh thần đoàn kết đồng lòng, một sức mạnh dân tộc kì diệu trước dòng chảy thời gian từ những mối liên kết, từ các miền quê của biết bao thế hệ người Việt kéo dài hàng trăm năm và mãi mãi.

Về với đình Thanh Cù, về với lễ hội làng Gò, du khách không chỉ được nhắc nhớ về trang sử vàng son gắn với chiến công của chàng trai trẻ thông minh, dũng cảm Linh Lang, sẵn sàng đầu quân, xả thân để bảo vệ nền độc lập dân tộc, mà hơn hết, còn là để tìm lại những phút lắng hồn với lịch sử giữa nhịp sống tất bật hôm nay.

Theo Ngọc Tú  (Báo Hưng Yên)
Du lịch, GO!