(BBP) - Nếu ai đã từng đặt chân tới đảo Hòn Chuối, khóm 1, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau mới thật sự thấu hiểu được nỗi vất vả, thiếu thốn của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòn Chuối và những người dân nơi đây. Vươn lên giữa trùng khơi, quân và dân trên đảo Hòn Chuối luôn kề vai, sát cánh bên nhau bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc.
“Uống nước trời” canh biên giới
Đúng 8 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại Trạm Kiểm soát Biên phòng (KSBP) Sông Đốc để ra với đảo Hòn Chuối - nơi xa nhất của tỉnh Cà Mau. Hơn 5 tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển, đánh vật với những con sóng cao tới 4-5m, cuối cùng chúng tôi cũng tới đảo.
Từ chân đảo lên đồn Biên phòng, chúng tôi phải vượt qua gần 300 bậc đá. Thượng tá Tô Thanh Ngoan, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hòn Chuối ân cần thăm hỏi: “Có mệt không, không say sóng đó chứ? Ra đảo mùa này nguy hiểm lắm, không như mùa biển lặng đâu”. Anh cảnh báo, chúng tôi sẽ cảm nhận đầy đủ cuộc sống gian truân, thiếu thốn đủ bề của quân dân đảo; không điện, không đường, không trường, không trạm, không cả nước ngọt!
Dulichgo
Hòn Chuối có hai mùa, mùa khô và mùa mưa. Mùa khô có điện nhưng không có nước, mùa mưa có nước lại không có điện. Chúng tôi may mắn ra đảo đúng vào mùa mưa nên vẫn được tắm và sinh hoạt nước ngọt, nước ngọt ở đây là nước mưa. Nước mưa được cán bộ, chiến sĩ của đồn tích trữ trong những bể lớn. Mỗi khi mùa mưa tới, cán bộ, chiến sĩ lại quét dọn mái nhà sạch sẽ rồi hứng nước mưa vào những stéc nước, để dành. Vì vậy, ai tới Đồn Biên phòng Hòn Chuối cũng phải ngỡ ngàng vì xung quanh đồn chỉ có bể nước và stéc nước, được đan chằng chịt những vòi nhựa dẫn nước.
Mùa mưa, có nước lại không có điện, bởi hệ thống điện năng lượng mặt trời không thể sử dụng được vào mùa mưa, đồn phải chạy bằng máy nổ. Cứ mỗi tối chỉ được phép chạy từ 19 giờ tới 21 giờ, để đơn vị học tập sinh hoạt, sau 21 giờ, tất cả lại trở lại với màn đêm đen đặc.
Thiếu úy Nguyễn Trí Tâm, nhân viên Đội Vận động quần chúng chia sẻ, Hòn Chuối là đảo duy nhất ở Cà Mau không có nguồn nước ngọt. Tất cả mọi sinh hoạt đều bằng nước mưa hết. Thiếu úy Tâm cho biết thêm: “Mùa khô cực nhọc lắm, anh ạ. Từ tháng 10 tới tháng 4 của năm sau là 6 tháng chúng em phải tắm nước biển. Đi bộ lên đồn mới chia nhau dội vài gáo nước mưa. Anh em vẫn thường nói vui, thà có nước còn hơn có điện”.
Dulichgo
Ai đến Đồn Biên phòng Hòn Chuối, chỉ cần liếc qua thôi đều cảm nhận được sự khó khăn vì thiếu nước ngọt và đều cảm phục các chiến sĩ Biên phòng. Gian nan không làm nao núng tinh thần cũng như sự sáng tạo của các anh mà chỉ tôi luyện thêm trong họ một tinh thần thép. Tôi tắm nước mưa trước bậc thềm của Đội Vận động quần chúng. "Phòng tắm" có một vòi nước được ròng từ bể xuống, sau khi tắm, nước chảy vào một cái hố được cán bộ, chiến sĩ đào sẵn, rồi lại được đem đi tưới rau.
Nước mát quá! Giọt nước nơi đây đúng là quý như giọt máu!
Thượng tá Tô Thanh Ngoan cho biết: “Đơn vị phụ trách, bảo vệ đảo Hòn Chuối và khu vực biên giới biển. Trên đảo có 54 hộ và 167 nhân khẩu, người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản, đánh bắt cá gần đảo. Đảo không có nước ngọt nên mọi sinh hoạt đều trông chờ vào nguồn nước mưa dự trữ. Được sự quan tâm của Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau, Đồn Biên phòng Hòn Chuối đã được cung cấp bồn bằng inox để chứa nước, phục vụ đời sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Vào những thời điểm khan hiếm, lượng nước ấy cũng được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòn Chuối san sẻ cho những hộ dân trên đảo”.
Một năm chuyển nhà hai lần
Trong một năm, người dân trên đảo Hòn Chuối phải chuyển nhà tới hai lần. Cứ vào tháng 10 âm lịch khi mùa gió chướng tràn về thì tất cả các hộ dân trên đảo đều phải dọn nhà sang gành Nam tránh bão và ngược lại, khi mùa gió ở gành Nam nổi giông, người dân nơi đây lại quay trở lại gành chướng sinh sống. Mỗi lần người dân trên đảo chuyển nhà, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòn Chuối đều phải căng mình giúp dân di chuyển nhà cửa, đồ đạc cho bà con.
Từ gành chướng sang gành Nam, rồi lại từ gành Nam sang gành chướng là biết bao sự nguy khó, mọi công tác vận chuyển của quân, dân trên đảo đều bằng đôi chân và đôi vai. Khi mùa bão về, cán bộ, chiến sĩ lại giúp dân lợp lại nhà cửa, công việc nặng nhọc đó dường như đã trở thành quen thuộc đối với mỗi người lính nơi đây.
Dulichgo
Anh Lê Văn Út, người đã sống ở trên đảo nhiều năm chia sẻ: “Đảo Hòn Chuối chỉ vẻn vẹn có 54 hộ, thế nhưng bà con nơi đây đều gắn bó với BĐBP, mùa bão nào, cán bộ, chiến sĩ của đồn cũng xuống giúp dân chuyển nhà, khuân vác những vận dụng cần thiết sang gành Nam. Tình cảm quân dân ở đây gắn bó mật thiết, không có các chiến sĩ Biên phòng chắc chắn người dân nơi đây không thể bám trụ lâu dài trên hòn đảo này”.
Thượng tá Tô Thanh Ngoan nói: “Trong đợt mưa bão vừa qua, đơn vị cử 8 lượt/39 cán bộ, chiến sĩ giúp dân khắc phục nhà cửa, chuyển tất cả lồng bè sang gành Nam tránh bão và ngược lại, hết bão lại chuyển về gành chướng. Hết mùa mưa bão, đồn lại phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp thuốc, thăm khám bệnh miễn phí cho bà con trên đảo, tặng quà, giúp bà con ổn định cuộc sống sau khi giúp dân di dời nhà cửa”.
Dulichgo
Chứng kiến những gì mà cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Hòn Chuối giúp dân mới thấy được cuộc sống vất vả, gian nan của các anh, nhưng qua đó đã làm cho tình cảm quân dân trên đảo càng thắm thiết, gắn bó hơn. Bộ đội dựa vào dân, dân dựa vào bộ đội, tạo thành khối đoàn kết quân dân, bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo Kim Nhượng (Báo Biên Phòng)
Du lịch, GO!
Xóm 'lá vàng' ở Hòn Chuối
Hòn Chuối trong ráng chiều
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.