(BĐN) - Nói đến mảnh đất Đà Nẵng thì làng Nại Hiên Đông, nay là phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, có lẽ là một trong những ngôi làng cổ xưa nhất. Từ năm 1471, một số người ở phía Bắc theo đoàn thuyền chiến của quân vua Lê Thánh Tông đã đến đây khai lập làng chài.

Sự hình thành vùng đất và ngôi đình làng

Theo sách “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn viết năm 1776, làng Nại Hiên Đông thuộc tổng Hòa Mỹ, huyện Tân Phước, tỉnh Quảng Nam. Từ lâu, mảnh đất gần cuối dòng Hàn giang này đã xuất hiện một ngôi đình, sau này dân bản địa thường gọi Đình tổ Nại Hiên Đông. Theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, Nại là chịu đựng (còn có nghĩa khác là xứ làm muối); Hiên là mái hiên; và Đông là hướng đông. Như vậy, Nại Hiên Đông là tiền đình hướng đông, nhẫn nại chịu đựng mưa sa, gió bão.

Đến năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, thời kỳ này thành xã Nại Hiên Đông thuộc huyện Tân Phước. Khi bước sang giai đoạn triều Nguyễn, Nại Hiên Đông thuộc huyện Hòa Vang, Quảng Nam. Đến năm 1888, Pháp buộc vua Đồng Khánh phải giao các xã Hải Châu, Phước Ninh, Thạch Thang, Nam Dương, Nại Hiên Tây (một phần diện tích của Nại Hiên về phía tây sông Hàn) để hình thành Đà Nẵng từ đó. Đến năm 1901, vua Thành Thái giao tiếp phần đất một số xã thuộc huyện Diên Phước và Hòa Vang để nới rộng thành phố Đà Nẵng.
Dulichgo
Đình Nại Hiên Đông bây giờ tọa lạc tại khu phố Nại Thịnh, hiện có 2 câu đối: “Nhật xuất đông hiên vạn vật hướng dương hàm cổ sắc/ Long hoàn tây nhạn thiên thu diễn phái ngưỡng văn quang” (Trời mọc hướng đông, vạn vật đều quy ngưỡng, nuôi dưỡng dựng lên muôn màu/ Rồng bay chim nhạn múa nghìn năm phát triển về hướng tây đều không quên nơi xuất phát).

“Thánh trạch vân nhu văn vật y quan tương thử địa/ Thần thông tạo hóa thái hòa cảnh tượng khí ư thiên” (Đất thánh văn chương êm dịu áo mão cân đai nơi xuất xứ/ Trời cao mầu nhiệm thái hòa tạo nên cảnh tượng chính nơi đây).

Ngôi mộ cổ bên mái đình xưa

Bên cạnh ngôi đình chênh chếch về hướng đông ước khoảng 8m có một ngôi mộ cổ với diện tích chừng 16m2 rêu phong cũ kỹ. Dưới chân mộ có văn bia khắc các dòng bằng chữ Hán: “Việt-Cố; Hiệu tử nhị thứ Phan lập; Hiền khảo thuộc thứ đội trưởng Phan Quý Công; Sửu niên mạnh thu cốc nhật”. Một số người cho rằng hai chữ “Việt-Cố” đầu tiên được khắc to hơn đã cho thấy ngôi mộ này có từ thời kỳ chúa Nguyễn Phúc Khoát trở về trước, bởi thông thường ở thời kỳ này một số người có công trạng khi chết đều được tạc tại văn bia hai chữ “Việt-Cố” trên cùng.

Hàng kế đến ý nói người con trai thứ của người chết lập mộ cho người cha là một vị quan “Thứ đội trưởng” Phan Quý Công. “Thứ đội trưởng” là một cấp chỉ huy quân sự của triều Hậu Lê. Một số tài liệu cho rằng để xác định ngôi mộ cổ có từ lúc nào thì cần phải làm rõ dòng chữ “Sửu niên mạnh thu cốc nhật” trên văn bia, do đó được hiểu ý nghĩa của câu này là mùa thu có 3 tháng. Tháng đầu gọi là Mạnh, tháng giữa là Trọng, tháng cuối là Quý. Trong một tháng được chia làm 3 tuần. Tuần thứ nhất tính từ ngày 1 đến ngày 10, gọi là ngày thượng nguyên; tuần thứ hai từ ngày 11 đến ngày 20 gọi ngày trung kiết và tuần thứ ba từ ngày 21 đến ngày 30 là ngày hạ cốc. Theo cách truy này thì ngôi mộ được lập vào một ngày tốt trong tháng mạnh thu, tức là từ ngày 21 đến ngày 30 tháng 7 năm Ất Sửu 1625.
Dulichgo
Trụ sở hoạt động của cán bộ cách mạng

Rạng sáng ngày 1-9-1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha mở đợt tấn công lần thứ nhất vào Đà Nẵng và làng Nại Hiên Đông là vùng đất hứng chịu những phát đạn đầu tiên. Để chống quân xâm lược, vua Tự Đức liền cử tướng Nguyễn Tri Phương tổng chỉ huy mặt trận Đà Nẵng.

88 năm sau, ngày 1-4-1946, hơn một ngàn quân Pháp do thiếu tá Coste chỉ huy đổ bộ lên Đà Nẵng và quân dân Đà Nẵng lại lao vào cuộc chiến đấu mới. Căn cứ kháng chiến trên núi Sơn Trà được thành lập và đình Nại Hiên Đông là trụ sở sinh hoạt, hội họp của các cán bộ Thành ủy, của lực lượng vũ trang Khu Đông lúc bấy giờ. Các cán bộ B36 cũng lấy đình Nại Hiên Đông làm “hòm thư mật” để giao nhận các tài liệu quan trọng.

Do phát hiện nơi đây là địa điểm hoạt động của cách mạng nên trong Chiến dịch Thu - Đông năm 1947, giặc Pháp đổ quân càn quét, đập phá, san bằng đình Nại Hiên Đông, đốt phá sạch các di chỉ, bút tích, sắc phong, các dụng cụ lễ tế… của đình. Đến năm 1950, các bô lão, chư phái tộc của làng đệ đơn xin phép chính quyền Pháp được cất lại ngôi đình rất đơn sơ bằng tranh tre mái lá ngay trên nền đất của ngôi đình cũ để thờ cúng các vị tiền hiền có công mở đất. Năm 1957, các chư phái tộc trong làng vận động bà con góp công, góp của xây lại ngôi đình bằng gạch, mái ngói âm dương, cho đến năm 1994, đình Nại Hiên Đông mới được đại trùng tu. Ngày 18-3-2002, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ký Quyết định số 1844/QĐ-UB công nhận đình Nại Hiên Đông là di tích lịch sử cấp thành phố.

Theo Thái Mỹ (Báo Đà Nẳng), ảnh Thanh Niên
Du lịch, GO!