(TTO) - Ít ai biết rằng, có một làng nhà sàn khiêm tốn, rộng hơn 2ha tên là Hòa An, nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (1862 – 1929) từng sinh sống những năm cuối đời, nay thuộc phường 4, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Làng nép mình bên con rạch nhỏ với những bến nước, cầu khỉ, vó cá, ụ rơm, chiếc xe bò. Những con đường làng thân thuộc với hàng dừa xen lẫn ô môi, cà na, bằng lăng, sanh, điên điển, súng, sen… và cây ăn trái đặc trưng.

Điểm xuyết là mấy vạt dưa, cà, đậu bắp, đậu đũa… Hàng rào dâm bụt hoặc trang (mẫu đơn) quanh nhà và lu nước mát với gáo dừa, những chiếc ghế dân dã và mấy giỏ rác sinh thái nhắc mọi người giữ vệ sinh chung.

Trong làng Hòa An xưa có ba dạng nhà được phục dựng:

- Những căn nhà gắn bó với lịch sử

Dạng thứ nhất là những căn nhà gắn bó với lịch sử và cuộc đời cụ Phó bảng như nhà ông Năm Giáo, nhà ông Trần Bá Lê, nhà ông Cả Nhì Ngưu cất cho cụ Phó bảng ở.

Ông Năm Giáo là nông dân nghèo góa vợ sống cùng con nuôi là Lê Văn Chất từng cưu mang cụ Phó bảng từ 1927 – 1929. Căn nhà lá giản dị, thân quen như rất nhiều căn nhà vùng quê nghèo Nam bộ.
Dulichgo
Trước đó, để cụ Phó bảng hoạt động thuận lợi, ông Trần Bá Lê (Cả Nhì Ngưu) - một sĩ phu yêu nước, cất căn nhà nhỏ trong vườn để cụ xem mạch, kê toa, bốc thuốc trị bệnh cho nhân dân miễn phí. Cụ còn kết thâm giao với các nhà nho yêu nước như cụ Võ Hoành, cụ Lê Chánh Đáng…

Nhà ông Lê có kiến trúc của tầng lớp quyền thế lúc bấy giờ, sang trọng với các hiện vật gốc như: Hai đôi liễn, hoành phi, đồng hồ, cặp sừng nai, nồi đồng, chén bát dĩa…

Ngay hàng ba phía trước là chiếc bàn tròn bằng gỗ quý để tiếp khách, đãi trà. Giữa nhà là bộ trường kỷ tiếp khách quan trọng; bàn thờ tổ tiên đặt ở chánh diện, hướng ra cửa cái.

Gian bếp là nơi nấu nướng với nhiều vật dụng, thể hiện tính phóng khoáng và sáng tạo của gia chủ; cũng là nơi nghỉ trưa thoải mái. Chiếc bộ ngựa mát rượi, bình thường để dọn mâm cơm, cơi trầu, là chỗ ngã lưng lấy sức lúc mệt nhọc. Khi nhà có giỗ chạp, đó là nơi sửa soạn tất cả các món ăn trước khi dọn lên cúng vái.

- Những căn nhà sàn gỗ truyền thống

Dạng thứ hai là những căn nhà sàn gỗ truyền thống của tầng lớp trung lưu như địa chủ, ông cả… với kiểu nhà Bát Dần, chữ Đinh, Nọc Ngựa.
Dulichgo
Do chịu ảnh hưởng mùa nước nổi, nhà sàn được dựng trên hệ thống cột, trụ chắc chắn. Sàn nhà thường không quá cao, chủ yếu để chống ngập và tạo sự thông thoáng, hứng gió từ nhiều phía.

Phần dưới sàn ít được sử dụng. Cầu thang đặt ở hai bên gian nhà chính. Bát Dần là một trong những kiểu nhà phổ biến, làm bằng gỗ trên sàn hoặc nền đất, mái ngói.

Nhà có một hoặc ba gian, bên hông có chái, nối mái từ trước ra sau; lối vô nhà từ hai bên hông, trước có hiên rộng. Giữa hiên thường đặt bàn tròn tiếp khách thường; gian giữa phía trong là bàn thờ ông bà, phía ngoài là bộ trường kỷ hoặc bàn dài tiếp khách quý. Hai cửa buồng thông vô hai gian bên là nơi ngủ. Gian bếp thường là thảo bạt nối nhà chính.

Nhà chữ Đinh gồm nhà chính và nhà phụ nối liền với vách bên hông; đòn dông hai căn thẳng góc, giống chữ Đinh trong Hán tự.

Nhà chính là nơi thờ cúng ông bà, tiếp khách và buồng ngủ. Gian phụ là nơi làm bếp, ăn cơm và chứa đồ đạc, lối vào nhà luôn ở gian phụ. Nhà chữ Đinh cất trên nền đất cao, trước hiên gian giữa có bình phong đan bằng tre.

Nhà Nọc Ngựa có hàng cột cái giữa nhà chịu lực. Nhìn bên ngoài thấp, mái bè rộng, nhưng hệ thống kèo cột và trần nhà rất cao, thoáng mát; có tác dụng che mưa và nắng chói vùng nhiệt đới, đồng thời hạn chế tầm nhìn từ bên ngoài.
Nhà thường không có chái hai bên mà có thảo bạt phía sau nối liền nhà chính làm bếp, nơi ăn cơm, nghỉ ngơi.
Dulichgo
- Những căn nhà lá tuềnh toàng

Dạng thứ ba là những căn nhà lá tuềnh toàng như cuộc sống bấp bênh của các tá điền, những người làm thuê, ở đợ. Bốn vách lá, trống trước hở sau, chủ yếu để che nắng; khác hẳn với những căn nhà sàn bề thế như hai mặt đối nghịch.

Trong làng còn có những tổ nghề như xắt thuốc rê, chằm lá, đan dụng cụ bắt cá, rèn, mộc, đờn ca tài tử, đá gà…; sống động, gợi nhớ về vùng quê Nam bộ bình yên. Bên cạnh là những cảnh thật của đời thường như cất vó, câu cá, chăm sóc cây cảnh, hái cà na, đá gà thật, hớt tóc, đờn ca tài tử…

Từ cuối năm 2017, các nhà sàn địa chủ ở Hòa An được cải tạo để đón khách, như một loại hình lưu trú độc đáo, chỉ có ở Đồng Tháp. Du khách - những ông chủ ngày nay - sẽ ngủ trên những chiếc giường cổ với nệm hay tấm ván ngựa bằng gỗ quý mát rượi.

Từng chỗ nghỉ có màn ngăn, ổ cắm điện, đèn ngủ… thiết kế hài hòa và vẫn giữ được nét xưa. Hệ thống nhà tắm có nước nóng, nhà vệ sinh sạch đẹp, thông thoáng chứ không phải "đi ngoài" như người xưa.

Làng Du lịch Hòa An nằm trong hệ thống Homestay CBT toàn quốc với giá cả cực mềm mà chất lượng. Khách vào có Welcome Drink với sâm Cao Lãnh và khăn lạnh. Ăn sáng buffet (tối thiểu 15 khách) với giá 50.000 đồng mỗi người. Khách gia đình và nhóm bạn, có thể thuê nguyên căn với người phục vụ riêng.
Dulichgo
Buổi tối đường làng lung linh mờ ảo, nhất là những đêm rằm lênh láng vàng trăng. Làng quê tĩnh mịch, thiên nhiên độc thoại và gió nhẹ mơn man. Suốt đêm, những điệu bolero, những "dàn hòa tấu" của đủ loại côn trùng rả rích và cỏ cây thầm thì thuở hồng hoang.

Tiếng mưa vỗ trên mái nhà như những nốt trầm của bài tình ca trời đất muôn thuở. Hương đêm ướp đầy chất dân dã, thoảng mùi hoa quê, nhẹ nhàng mà tinh tế. Khuya sớm, canh ba canh bốn đã nghe tiếng chuông chùa, tiếng gõ mõ từ làng bên vọng lại.

Cả tiếng gà gáy hư không. Khi ông mặt trời còn ngái ngủ, lũ chim sâu đã ríu rít gọi bình minh và chào ngày mới, đã nghe tiếng chổi quét xào xạc hay rộn rã âm thanh nước tưới cây. Nên ghé tiệm hớt tóc, thử hớt kiểu miền Tây xưa rồi đến Phòng chẩn trị Đông Y để bắt mạch kê toa.
Dulichgo
Phí khám bệnh phát thuốc thì tùy tâm, như tính cách của con người Đồng Tháp nói riêng và Nam bộ nói chung, nghĩa tình, hào hiệp.

Du khách có thể cất vó, câu cá, chăm sóc vườn rau, hái cà na, chèo xuồng ba lá… Làng Hòa An là Bảo tàng sống, là bộ sưu tập về kiến trúc nhà sàn Nam bộ với những sinh hoạt đời thường, trộn lẫn hư thực hấp dẫn những ai thích trải nghiệm văn hóa miền Tây Nam bộ.

Theo Vũ Linh Phương (Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!