(QNO) - Vệt sóng vẽ thành một đường cong tuyệt đẹp trên mặt biển xanh thẳm màu ngọc bích. Con tàu chụp mực lắc lư đạp sóng hướng ra khơi. Chúng tôi theo chân ngư dân tàu chụp mực Tam Tiến (Núi Thành), bắt đầu một chuyến đánh bắt. Một đêm giữa biển, với những ngư dân rắn rỏi của làng chài…

Ra khơi

Bốn giờ chiều. Chúng tôi từ bãi ngang Tam Tiến bước lên thuyền thúng, bơi ra tàu lớn. Thuyền trưởng Bùi Văn Trí (SN 1977, ở thôn Hà Quang, Tam Tiến) đã chờ sẵn trên tàu chụp mực số hiệu QNa - 90361. Thuyền thúng được kéo lên sàn. Tàu nhổ neo, dong về hướng biển xa…

Hoàng hôn lấp lóa phía bờ. Dưới ráng chiều, con tàu rẽ sóng. Thuyền trưởng Trí lần ra sau đuôi tàu, lấy cuộn dây câu rồi thả theo vệt sóng, câu cá ngừ. Một thú vui riêng của người đi biển, trong suốt hành trình hơn 3 giờ đồng hồ di chuyển ra ngư trường, cách bờ gần mười hải lý. Ông đưa tôi một cuộn dây câu khác, hướng dẫn cách quăng câu, rồi buộc cuộn cước thừa vào cột sắt. “Thả mồi câu cá ngừ. Tàu chạy, kéo con mồi giả bằng cuộn lông có móc sẵn lưỡi câu nhảy trên mặt sóng. Câu giỡn giỡn vậy, chứ có khi bắt được cá ngừ hai chục ký”, giọng ông Trí đủ vang để át tiếng động cơ và cả tiếng sóng ầm ào phía đuôi tàu…

Đêm đến rất nhanh. Ở khoang lái, hệ thống định vị báo tọa độ: 15035’05’’N - 108056’059’’E. Tọa độ đánh bắt quen thuộc của tàu, nơi thường hay có mực. Mỗi tàu, như tàu ông Trí, đều có vài ba tọa độ được cài sẵn trong máy, để luân phiên đánh bắt mỗi đêm ra biển. Một đồng hồ khác báo độ sâu 80m. Với mực nước này, không thể thả neo, tàu bung “dù”, một cách “neo” đặc biệt bằng một tấm dù lớn thả chìm dưới nước, xòe ra, níu tàu trôi chậm quanh tọa độ đánh. Tàu chỉ có 5 thuyền viên, nhưng mọi thao tác được thực hiện khá nhanh. Biển khơi trong đêm có cái vẻ êm lặng, cứ như mặt sông.
Dulichgo
Tàu bật đèn. Năm chục bóng đèn công suất lớn sáng rực mặt biển, thấy rõ từng đàn cá nhỏ đầy màu sắc đang bơi bên mạn tàu. Sau bữa cơm tối dọn vội, tất cả thuyền viên dạt sang mạn bên của tàu, buông câu. Cuộn cước nhỏ hơn với một chiếc cần bằng tre cực ngắn thả xuống đáy biển. Ngư dân Trần Văn Thuận hướng dẫn chúng tôi cách câu mực độc đáo của ngư dân trên biển. Họ giật liên tục con mồi giả, mực phát hiện ánh sáng từ con mồi, lao tới đớp và mắc câu. Những con mực tươi giãy kéo từ biển lên tàu, trong suốt, chớp lấp lánh dưới ánh đèn. “Câu mực như thế này vừa giải trí, vừa cũng là cách để thăm dò lượng mực vào đèn. Khi nào giật được liên tục, mực nhiều, mới thả mành chụp cả một mẻ lớn” - Thuận giải thích.

Hơn một giờ chong đèn, thuyền trưởng Trí ra lệnh buông mành. Lưới được dùng tời kéo ra bốn góc, khéo léo luồn dưới đáy tàu sang phía bên kia. Như một cái chài khổng lồ chờ quăng xuống biển, chỉ còn đáy lưới với một dàn khoanh chì cực nặng được xếp sẵn ở mạn thuyền. Đèn tắt một bên, để dồn mực sang bên còn lại. Một chiếc đèn khác được đẩy ra giữa lòng lưới, bật sáng thay thế cho cả dàn đèn. “Cá mực sẽ gom lại theo ánh đèn. Mình hạ dần công suất, đến khi thấy cá mực tập trung thì tắt đèn và thả lưới chụp” - thuyền trưởng Trí giải thích. Nghe có vẻ rườm rà, nhưng thao tác được thực hiện rất nhanh.
Dulichgo
Sau 3 tiếng đếm, hai ngư dân xô dàn chì nặng xuống biển. Những người còn lại nắm giữ các đầu dây, thao tác để kéo lưới chụp. Chưa đầy năm phút, máy tời bật, kéo dàn lưới lên lại tàu. Các thuyền viên cầm từng mảng lưới giũ mạnh để cá mực rơi xuống chóp đáy. Đèn bật trở lại. Mực “chớp nháy” lấp lánh dưới ánh đèn. Nhóm thuyền viên nhanh chóng tụ lại, ngồi phân loại mực. Mực được chia thành nhiều kích cỡ, và bỏ bớt “mực xà”, là loại mực thân đen, vốn có giá rẻ hơn nhiều so với mực cơm, mực ống. Thuyền trưởng Trí nhìn số mực đổ dưới sàn tàu. Mẻ đầu tiên được chừng hai chục ký mực tươi, loại nhỏ, không đạt so với thường ngày. “Chừng này, chưa đủ tiền dầu” - anh Trí nói.

Đêm trắng giữa biển

Chúng tôi theo ngư dân trên tàu ra bên mạn hông ngồi câu mực. Biển đêm vắng gió. Bốn bề, thấy rõ ánh đèn lấp lóa của tàu ngư dân. Thuận chỉ cho tôi từng vệt đèn, giải thích từng loại tàu đánh bắt dựa vào vệt sáng. “Tàu chụp mực có dàn đèn lớn hơn, nên sáng rõ hơn. Những tàu khác là tàu mành đánh cá. Tàu dàn thành hàng, chia tọa độ để đánh bắt. Trên tàu có bộ đàm, liên lạc với nhau để hỗ trợ khi có việc cần, hoặc chia sẻ ngư trường khai thác có đàn cá, mực lớn. Khi mình báo cho tàu khác tọa độ đánh bắt, nếu trúng đậm, thường họ sẽ chia lại phần cho tàu báo” - Thuận kể.

Khoảng thời gian giữa các đợt thả lưới chụp chỉ chừng một giờ đồng hồ. Một đàn cá cam nhỏ bơi gần mạn tàu. Thuận chạy ra sau lái, lấy vợt xúc, thao tác đơn giản như bắt cá trong hồ. Những con cá vớt từ biển tươi rói, giãy đành đạch trong vợt, lấp lóa ánh sáng trắng. Đó là bữa “cải thiện” của anh em giờ khuya, giữa các phiên chong đèn dụ mực. Hai mươi lăm tuổi, nhưng Thuận đã có gần 7 năm trời lênh đênh trên biển, với đủ nghề. “Em theo tàu giã cào, tàu mành mùng, rồi qua làm tàu chụp mực. Tàu này của 6 anh em chung vốn, mua lại một tàu cũ từ Quảng Bình khoảng 3 năm nay, rồi tu sửa hành nghề. Sau mỗi chuyến, trừ chi phí, lợi nhuận sẽ chia đều cho 6 anh em.
Dulichgo
Hôm nay thì chỉ có năm người, vì một người khác bận việc nhà, nhưng vì tàu dùng máy móc thay thế sức người phần lớn, nên vẫn làm bình thường, dù có hơi vất vả hơn một tí. Biển giã, bữa được bữa không. Nhưng ra biển là thấy sướng. Em thích biển, thích cảm giác rong ruổi giữa mênh mông. Nghề ni cực nhưng cũng sướng, như kiểu có mấy cái thú ngồi câu mực, vớt cá. Có điều, phải yêu biển, mới theo nghề lâu được. Nói thì có vẻ “văn học” rứa, nhưng mà thật” - Thuận nói. Chàng trai trẻ là một trong số ít những thanh niên làng biển còn gắn với nghề, với biển. Bạn Thuận, phần lớn đi học nghề, vào nhà máy, ít ai chọn cái nghề lênh đênh, đêm cày ngày ngủ như Thuận. Trên tàu QNa – 90361, ngoài Thuận, có thêm Thìn, Công, hai thanh niên làng biển, tuổi khoảng chừng 30. Nắng gió của biển, của những tháng ngày theo tàu nhuộm làn da rắn rỏi, rèn luôn cái cười giòn vang của họ át cả tiếng sóng, tiếng động cơ vang giữa biển đêm. Trẻ vậy, nhưng người ít nhất, cũng đã có hơn hai ngàn ngày đêm sống cùng sóng biển…
Dulichgo
Tàu chụp nổ máy suốt đêm. Có tất cả 5 lần chụp, từ chín giờ tối đến hơn hai giờ sáng. Thuyền trưởng Trí nhẩm đếm được hơn một tạ mực. Đủ ngày công. Đầu mùa, mực cá còn trúng, có bữa tàu đánh một đêm được gần 6 tạ mực, thêm cá hố, thu về hàng chục triệu. Có bữa thì chỉ được vài chục ký. Như một quy luật mặc định của nghề, họ chấp nhận quy luật ấy, như một cuộc chơi, bằng niềm tin rằng có ngày thất bát, thì cũng có ngày biển cả rộng rãi ban phát mực, cá cho mình. Biển cả mênh mông, trước mỗi chuyến biển, không ai có thể đoán định được điều gì chờ đợi. Nhưng chắc chắn, niềm tin vẫn luôn hiện hữu trong mỗi hành trình. “Chỉ cần trời yên, biển lặng, tàu được ra khơi. Có nhiều chuyến đánh bắt xa bờ, tàu đi tới 10 ngày, nửa tháng, đánh bắt ở vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa. Một trời tự do của mình ngoài biển, cứ đi thôi” - thuyền trưởng Trí cười. Đã nghe thấy tiếng rộn ràng ngoài chợ cá vang tới tàu. Bình minh đang lên…

Theo Thành Công (Quảng Nam online)
Du lịch, GO!